PNO - PN - Khi ngọn lửa xung đột bùng lên trong đời sống hôn nhân, việc lỡ lời một câu nói, một ánh nhìn cũng có thể làm tan cửa nát nhà, làm hôn nhân đổ vỡ. Tuy nhiên, mỗi ngọn lửa xung đột đều có những “ranh giới...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ngọn lửa âm ỉ
Những vụ án đau lòng mà cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều là thành viên trong gia đình đã xảy ra không ít, chứng tỏ bi kịch bạo lực gia đình luôn tiềm ẩn trong mọi cuộc hôn nhân, chực chờ bùng phát, nếu có ai đẩy cơn giận lên cao, rồi không kìm nổi lại buông rơi lý trí ngoài vòng kiểm soát.
Hẳn nhiều người chưa quên bi kịch xảy ra cách đây chỉ chín tháng trong gia đình chị Huỳnh Thị Mến (thôn An Dương, xã Phú Thuận, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Chị Mến thường xuyên khó chịu vì thói rượu chè của chồng - anh Nguyễn Đính. Chiều ngày 14/12/2013, Đính lại trở về nhà trong hơi men. Lúc đó, bắt gặp vợ chuẩn bị dắt xe, chồng cản lại hỏi đi đâu. Sẵn tức giận chuyện chồng rượu chè, chị Mến bực bội trả lời cộc lốc. Hỏi mãi vợ vẫn thái độ cộc cằn, Đính chếnh choáng chạy vào bếp lấy con dao dài ra sân đe dọa, mục đích khiến vợ sợ mà bỏ đi thái độ ấy. Chẳng ngờ, chị Mến lớn tiếng thách thức: “Tao bán xe mi làm chi được tao…”. Sẵn cầm dao, Đính lao tới đâm một nhát ngay ngực phải của vợ. Chị Mến tử vong trên đường cấp cứu. Đính đầu thú ngay sau đó, nhưng cái giá cho một phút lỡ lầm không thể cứu chuộc được.
Thường thì, trong các cuộc hôn nhân bi kịch này, “ranh giới cứu vãn” đã phải chịu thử thách lắm bận. Mâu thuẫn gia đình như vết thương âm ỉ, những khi trái tính trái nết, vết thương lại trở mình nhức nhối, hành hạ tâm trí mỗi người. Các cặp vợ chồng ấy đã ủ nỗi bất bình quá lâu trong quá trình chung sống, họ phớt lờ không chữa trị, đâu hay đến một ngày nào đó khi sức chịu đựng quá ngưỡng, những ẩn ức bấy nay được dịp trào dâng, nhấn chìm tất cả. Có thể thấy, trong mỗi câu chuyện hôn nhân tang thương hầu như đều chứa đựng một tiến trình bất hòa triền miên, dai dẳng với những biểu hiện: say xỉn, vô trách nhiệm, ngoại tình, lừa dối, đe dọa, thách thức, mạt sát, đánh đuổi… Sự xung đột, bức xúc ngày một dồn nén, leo thang theo thời gian, để rồi, vào thời khắc nào đó, “ranh giới cứu vãn” đã bị kéo dãn cùng kiệt, họ vẫn bất chấp lao vào nhau, thách đố nhau, thì tội lỗi đến hồi phát sinh, không còn ngăn nổi.
Cách đây gần tròn một năm, chị Nguyễn Thị Nhanh (sinh năm 1976, ngụ xã Mỹ Lộc, tỉnh Vĩnh Long) rơi vào bi kịch “giết chồng” cũng trong xung đột ngắn ngủi của một chuỗi gây gổ, xô xát không điểm dừng. Mâu thuẫn về cách dạy con, hai vợ chồng chị không ngừng công kích, hạ nhục nhau. Cùng quẫn, chị vô tình nắm lấy con dao gần đó, đe dọa: “Ông nhào vô là tui đâm chết cho coi!”. Sự bất chấp của chồng, sự mất trí của vợ đã dẫn đến hai nhát chí mạng, khiến gia đình ấy tan hoang: con mất cha, mẹ rơi vào vòng lao lý. Bi kịch chỉ xảy ra trong tích tắc chiều tối ngày 5/10/2013, song khởi nguồn của nó đã có từ rất lâu, trong những cơn mê lầm, giận dữ, đạp đổ, để hôm nay là giọt nước tràn ly.
Chuyện anh Bùi Văn Tuấn (xã Chà Là, H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) khiến con thiệt mạng cũng đau lòng ghê gớm. Vô tình bắt gặp vợ và “tình cũ” đi dạo cùng nhau, lại bế theo bé Như Ý, con riêng của vợ và “tình cũ” ấy, cơn hận bột phát dữ dội sau bao ngày Tuấn dồn nén, ngậm bồ hòn bỏ qua chuyện vợ ngoại tình, chuyện nuôi giùm “con người ta”. Anh ta điên cuồng cầm cây định đánh vợ, không ngờ vô tình trúng đứa trẻ mới bốn tháng tuổi.
Ân hận muộn màng
Nói cho cùng, trong tiến trình xung đột, người ta có vô số cơ hội để dừng lại, tỉnh lại, chỉ bằng một lần giữ bình tĩnh, một cái nhìn suy xét sáng suốt, một lời nói, một hành động kìm giữ trong lòng. Tuy nhiên, sự thức tỉnh ấy vốn khó khăn, nếu nó không đến từ hai phía, nếu những ngọn lửa âm ỉ trước kia không được nhìn nhận và nỗ lực hóa giải phần nào. Khi “ranh giới cứu vãn” đã bị xô đổ, thì mọi lời “giá như…” đều trở nên vô nghĩa, trễ tràng.
Ngày 25/8/2014, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên phạt Nguyễn Đính 15 năm tù với tội danh “giết người”. Trước tòa cũng như trong suốt quá trình điều tra, người chồng đều bộc lộ sự đau khổ, hối hận khôn nguôi, tiếc là mọi chuyện đã không còn cứu vãn được nữa.
Người ta ví hôn nhân cũng tương tự như việc hai người cầm hai đầu sợi dây nối kết lại với nhau, sợi dây lúc căng lúc chùng cũng là lẽ thường tình. Song, khi độ đàn hồi đã bị kéo đến cực điểm chịu đựng, khi các bên cứ thách thức nhau, giày vò nhau, thì khoảnh khắc sợi dây ấy đứt lìa sẽ đầy nguy cơ gây sát thương cao độ. Dăm bữa nửa tháng, dư luận lại nhói lòng bởi những vụ án mạng, những tổn thương chỉ xảy ra trong phút giây bùng vỡ của cơn giận vợ chồng. Ranh giới còn - mất vốn mong manh, nên mấy chữ “bình tĩnh”, “tôn trọng” tưởng đã cũ mòn, vẫn chưa bao giờ mất đi giá trị trong hôn nhân.