Tại các bệnh viện (BV), phòng khám nha khoa TP.HCM có rất nhiều phụ huynh đưa tre đến khám trong tình trạng răng mọc lệch, chen chúc nhau. Đáng nói, phần lớn phụ huynh nói “tôi chăm sóc răng miệng cho con rất kỹ và thường xuyên theo dõi tình hình thay răng của con, nhưng không hiểu vì sao răng vẫn mọc lệch”.
Răng hai hàm
Tại phòng khám Diệp Khanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị N.K.C. (35 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đưa con gái chín tuổi là bé N.C.A. đến khám sau khi phát hiện hai chiếc răng cửa của con mọc không bình thường. Chị C. chia sẻ: “Răng cửa to, cái thì chỉa ra, cái thì thụt vô; chưa kể răng sữa bên cạnh choán chỗ hết khoảng trống để răng cửa mọc. Thêm bốn cái răng vĩnh viễn ở hàm dưới trong tình trạng cái sau chồng lên cái trước. Tôi không hiểu sao răng con bị vậy trong khi răng sữa nào lung lay tôi cũng đưa con đến nha sĩ nhổ cho yên tâm và răng “chín muồ i” mới nhổ chứ không tự ý nhổ sớm”. Sau khi khám, bác sĩ (BS) chỉ định cho bé chụp phim để nắm tất cả các mầm răng và quyết định “phải nhổ trước một cái răng sữa bên cạnh, dù chưa lung lay để có chỗ cho răng cửa mọc ra hết; đồng thời theo dõi quá trình thay răng của bé định kỳ mỗi tháng để điều chỉnh kịp thời, cho đến khi bé 12 tuổi”. Chỉ trong vòng 20 phút, sau khi làm “công tác tư tưởng” để bé bớt sợ và chích thuốc gây tê, BS đã nhổ răng sữa của bé nhanh gọn. Theo các BS, đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp trẻ đang có hồ sơ theo dõi mọc răng định kỳ tại phòng khám với tình trạng tương tự; thậm chí có trẻ răng mọc thành… hai hàng.
Các BS khoa Răng Hàm Mặt BV An Sinh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng chobiết thường xuyên tiếp nhận khám và theo dõi mọc răng cho trẻ. Bên cạnh các vấn đề về răng miệng như bé bị đau răng, sâu răng, viêm nướu thì tình trạng phổ biến là răng mọc lệch, không đúng vị trí cung hàm. Như răng ở hàm trên chìa ra quá nhiều, phủ bên ngoài răng hàm dưới; răng sữa tồn tại lâu trên cung hàm; khoảng hở giữa các răng quá lớn; răng vĩnh viễn có kích thước quá lớn, không đủ chỗ nên mọc chen chúc; trẻ có nhiều răng mọc ngầm…
Vấn đề ở chỗ, nhiều phụ huynh phàn nàn “đưa con đi khám mà mỗi nơi tư vấn mỗi kiểu nên rất rối”. Thực tế cho thấy, cũng một tình trạng răng lệch nhưng có phòng khám BS chỉ định nhổ bớt răng sữa, thậm chí là phải nhổ cả hai răng liền nhau để có chỗ cho răng cửa mọc ra, BS khác lại khuyên nên niềng răng cho trẻ bằng khí cụ chỉnh nha tạm thời, BS khác lại tư vấn trẻ phải đeo niềng răng vĩnh viễn kéo dài liên tục trong hai-ba năm, chi phí lên đến 40 - 50 triệu đồng và tái khám định kỳ.
Hàm răng không đẹp khiến nhều bé kém tự tin và ảnh hưởng đến khả năng nhai và cắn
Theo BS CKI Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV An Sinh, răng trẻ mọc lệch có thể do di truyền, do bản thân mầm răng bị lệch; nhổ răng sớm mất chỗ dẫn tới di răng mọc lệch; do xương hàm phát triển không đều hay do viêm nhiễm xoang hàm; thói quen trẻ mút tay, ngậm núm vú giả lâu ngày; do trẻ có răng dư… Cần chụp phim, lấy dấu để đánh giá tình trạng răng nặng hay nhẹ, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp. Muốn chỉnh phải sắp xếp lại răng, có thể nhổ bớt lấy chỗ cho răng xếp lại. Có những khí cụ tiền chỉnh nha đeo vào ban đêm trong khoảng sáu tháng, những răng mọc lệch lạc sẽ được nắn lại thành cung tròn, sắp xếp lại. Tuy nhiên, cái khó là cần sự hợp tác của trẻ; nhiều trẻ đau, khó chịu, không chịu đeo vì khí cụ mềm nhưng gắn vào răng sẽ ép chặt lại. Phụ huynh cần tạo thói quen vệ sinh răng cho trẻ ngay từ nhỏ, khám răng định kỳ và tránh dọa con “hư cho BS nhổ răng” để trẻ không sợ BS, trẻ hợp tác tốt, việc điều trị mới hiệu quả.
Tùy trường hợp, nếu đơn giản, có thể sử dụng những khí cụ tháo lắp (giá khoảng 10 triệu đồng) đeo 8 tiếng/ngày (khi ngủ); phức tạp hơn, phải đeo mắc cài, khí cụ cố định trong suốt quá trình điều trị (giá khoảng 40 triệu đồng). Với những trẻ nhỏ răng lệch nhiều phải đeo khí cụ tháo lắp thời gian đầu, sau đó chuyển sang đeo khí cụ cố định. “Ở nước ngoài, hầu hết trẻ em đều được theo dõi chỉnh răng, còn ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế, nhiều gia đình thờ ơ. Kỳ thực, ngoài chuyện mất thẩm mỹ, răng lệch khó vệ sinh, dễ bị sâu răng. BS Tuấn lưu ý: “Nên vệ sinh răng cho trẻ đúng cách, vệ sinh kỹ và không nhổ răng sớm gây lệch răng”.
Cần theo dõi răng sát sao
BS Nguyễn Thị Xuân Linh - khoa Răng Hàm Mặt BV An Sinh cũng khuyến cáo: việc chăm sóc răng sữa đúng cách rất quan trọng. Ngay từ khi trẻ bắt đầu mọc răng (thường là sáu tháng tuổi), phụ huynh cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch, nhất là sau khi ăn, bú; hạn chế bú bình đêm, dễ bị sâu răng. Cho trẻ uống nước để sạch miệng sau khi bú bình… Việc ăn thức ăn nóng rồi uống nước đá lạnh đột ngột sẽ làm răng bị nứt (BS soi thì mới thấy được). Khi trẻ ăn bánh kẹo, đường luồn vào răng, lâu ngày lên men sẽ sinh ra axí t ăn mòn răng làm vết rạn nứt lan rộng, thức ăn luồn vào, trẻ sẽ bị sâu răng nặng.
Trung bình trẻ nên đánh răng hai-ba lần/ngày sau khi ăn và buổi sáng, tối, phụ huynh cần theo dõi việc này sát sao cho đến khi bé 12 tuổi vì có nhiều bé không biết chà răng đúng cách hay chà qua loa, răng còn bám bợn thức ăn làm vàng răng. Nếu trẻ chưa quen với bàn chải đánh răng hay kem đánh răng, phụ huynh có thể dùng gạc vải mềm rơ sạch răng và lưỡi cho bé bằng nước muối sinh lý. Khi trẻ hai tuổi, nên đưa trẻ khám răng định kỳ sá u tháng/lần để theo dõi, chỉnh nha kịp thời khi cần.
Khi răng trẻ mọc thụt vào trong, nhiều phụ huynh bảo trẻ dùng lưỡi đẩy răng ra để răng không bị lệch, tuy nhiên, BS Tuấn cho biết, thực tế lực đẩy của lưỡi không đủ để đẩy răng về đúng vị trí. Hay, “chiêu” vứt răng sữa trên mái nhà cũng chỉ là cách vui để trẻ bớt để ý đến vết nhổ. “Có trẻ răng ngầm nhiều, phải nhổ bớt, vì vậy cần theo dõi mọc răng sớm và định kỳ, để có thể can thiệp tốt hơn. Không hiếm trường hợp răng bị lệch nhưng vì để lớn tuổi không chỉnh được vì không đủ chỗ cho răng, xương không đủ; đặc biệt, người bị bệnh nha chu không chỉnh răng được. Có trường hợp cố tình chỉnh trong thời gian dài ba-bốn năm, làm răng bị lung lay”, BS Tuấn lưu ý.
Trẻ bảy-tám tuổi cần khám xem có cần chỉnh nha hay không vì lúc này biểu hiện lệch hàm đã rõ. Thời điểm tốt nhất để chỉnh nha là khi trẻ được 12 - 13 tuổi, vừa hoàn tất bộ răng vĩnh viễn. Cũng có trường hợp 10 tuổi trẻ đã mọc xong răng vĩnh viễn và có thể chỉnh nha kịp thời. Việc nắn chỉnh răng cho trẻ là liệu trình kéo dài, có trường hợp điều trị chỉ trong vài tháng nhưng có trường hợp kéo dài đến ba-bốn năm. Để con có hàm răng đẹp giúp bé tự tin, phụ huynh cần tuân thủ lịch hẹn khám và lời khuyên của bác sĩ.