Ráng sinh con ở tuổi mãn kinh để giữ chồng

13/06/2019 - 22:15

PNO - Kết hôn ở tuổi 40,50, nhiều phụ nữ đã rơi vào giai đoạn tiền mãn kinh, phải đi khắp các bệnh viện chạy chữa để có con. Người may mắn thì thành công, người lại hỏng cả sức khỏe và hỏng luôn cuộc hôn nhân.

Liệu rằng có nhất thiết lấy chồng là phải sinh con?

Chúng ta đều biết, ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, việc sinh con với phụ nữ là rất khó khăn, tốn kém, vất vả, tổn hại cả về sức khỏe thể chất, tinh thần. Thế nhưng, tại sao nhiều chị em trong hoàn cảnh ấy vẫn muốn sinh con?

Câu trả lời chung chung là, các chị cần con để có người cho mình nương tựa lúc về già, muốn có con để ràng buộc tình cảm với chồng, muốn có con để trọn vẹn hạnh phúc!

Rang sinh con o tuoi man kinh de giu chong
Niềm vui con cái không tới với tất cả mọi người. Hình minh họa.

Cả ba mong muốn trên đều chính đáng, song vẫn có gì đó sai sai đối với phụ nữ tuổi ngũ tuần. Bởi khi mình đã già thì con chưa kịp lớn, không những thế, mục đích sinh con ra để con chăm sóc mình chẳng phải cũng mang màu sắc ích kỷ đó sao?

Việc dùng con như sợi dây trói người đàn ông với mình cũng ích kỷ nốt. Và khi chính mình không đủ hấp dẫn với chồng, thì người thứ ba nào đó, dù là con đẻ, làm sao có thể giúp mình giữ người đàn ông ấy lại cho mình?

Lấy chồng ở tuổi 48, khi dấu hiệu tiền mãn kinh đã rõ ràng, chị Ngoan chưa kịp nhâm nhi cho trọn tuần trăng mật ngọt ngào, thì đã lo lắng tới kế hoạch mang thai. Chị căng thẳng bận bịu với các phương pháp kỳ cục để làm sao có thể dính bầu nhanh nhất. Càng căng thẳng, chị càng khó có bầu, dù đã tìm mọi cách ép chồng “làm nghĩa vụ” hàng đêm.

Chị bàn với chồng đến bệnh viện để can thiệp. Chiều chị, anh đành chấp nhận theo vợ. Thế là chuỗi ngày đến bệnh viện bắt đầu, sự ngọt ngào của hôn nhân đã nhanh chóng biến thành nỗi ám ảnh âu lo. Sau hai liệu trình can thiếp thất bại, chồng chị bất hợp tác. Anh chị cãi nhau khiến cuộc sống vợ chồng vô cùng mệt mỏi.

Rang sinh con o tuoi man kinh de giu chong
Ảnh minh họa

Còn Đăng, anh kết hôn với một người chồng trẻ, kém chị 12 tuổi. Anh chị cũng khó có con, và sau 10 năm chung sống, Đăng phát hiện chồng có bồ. Chị đau khổ vô cùng và muốn níu kéo chồng bằng việc có một đứa con.

Chị bỏ việc đi chạy chữa các nơi, nhưng ở tuổi 51, các dấu hiệu tiền mãn kinh cũng đã ngừng hẳn, cả năm không thấy dấu hiệu "đèn đỏ", nên việc mang bầu khó như hái sao trên trời. Đăng đốt hết số tiền tiết kiệm cả tỷ đồng để chạy chữa, nhưng vẫn không kết quả. Cuối cùng, chị đành chia tay chồng, suy sụp tinh thần và phải vào bệnh viện.

Nhưng cũng có người đàn ông biết yêu người phụ nữ của mình, và biết làm yên lòng vợ khi cô ấy khó có thể mang thai. Kiên là một ví dụ, anh cưới Hoàn, một bạn học cùng lớp khi cả anh, chị đều đã ngoài 40 tuổi. 

Khi Hoàn dằn vặt khôn nguôi vì đợi mãi không thấy tin vui, Kiên đã nói với vợ: “Anh lấy em là lấy vợ, lấy bạn đời, chứ không phải lấy cái máy đẻ. Chúng ta hãy tận hưởng hạnh phúc cùng nhau, đừng bận tâm chuyện sinh con nữa. Không có con, chúng ta càng có nhiều thời gian dành cho nhau, yêu thương nhau nhiều hơn các cặp đôi khác”.

Rang sinh con o tuoi man kinh de giu chong
Đàn bà đâu phải cái máy đẻ, điều ấy không phải ai cũng dám nói ra. Ảnh minh họa

Chị Minh, một chuyên viên truyền thông, đã thẳng thắn trả lời Giáo sư Yun Insun rằng: “Tôi không phải là nhà máy sản xuất trẻ con!”, khi ông hỏi chị tại sao không sinh con dù đã lấy chồng gần chục năm. Ông giáo sư ngành Việt Nam học đến từ Hàn Quốc đã bật cười giòn giã, bật ngón tay cái khen ngợi trước câu trả lời thông thái của chị.

Chị lựa chọn hạnh phúc, chứ không lựa chọn trách nhiệm con cái, bởi chị kết hôn ở tuổi gần bốn mươi, anh chị thuộc dạng rổ rá cạp lại, đều đã có con riêng, họ thống nhất coi con vợ, con chồng như con đẻ, không sinh thêm con chung nữa. Sự lựa chọn đó trong trường hợp của chị Minh là tỉnh táo, phù hợp.

Lựa chọn đúng, quan trọng hơn nỗ lực mù quáng.

Kiều An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI