Ráng sinh con để về già nhờ vả?

26/04/2023 - 18:35

PNO - Họ sợ rằng không lấy chồng thì đời tôi sau này sẽ bể khổ, nên phàm đã là phụ nữ thì sống chết cũng phải kiếm được một tấm chồng, không thì "làm lẽ" người ta cũng được, để còn sinh lấy đứa con.

 

Rất nhiều người nói tôi nếu không thể lấy chồng thì phải sinh đứa con, để còn nhờ vả (ảnh minh họa)
Rất nhiều người khuyên tôi nếu không thể lấy chồng thì phải "kiếm đứa con", để sau này còn nhờ vả (ảnh minh họa)

"Thôi, không lấy chồng thì cũng kiếm lấy một đứa con, sau này còn nhờ vả nó chứ”. Đó là câu tôi thường nghe từ các bà các chị, các ông anh, chú em... mỗi khi họ lo ngại vấn đề muộn chồng của tôi.

Năm ấy, tôi 35 tuổi mà chưa lấy chồng. Lo lắng cho tương lai của tôi nhất không phải là tôi, mà là những người xung quanh. Họ sợ rằng không lấy chồng thì đời tôi sau này sẽ bể khổ, nên phàm đã là phụ nữ thì sống chết cũng phải kiếm được một người chồng, không thì "làm lẽ" người ta cũng được, để còn sinh lấy đứa con, về già còn nhờ con.

"Sinh con là để được nhờ vả", hầu hết mọi người tôi quen có tư tưởng đó. Với họ, một đứa trẻ, ngay từ khi hình thành trong bụng mẹ, nó đã phải mang một trách nghiệm, nghĩa vụ lớn là trở thành chỗ dựa cho cha mẹ nó. Chỗ dựa này là cả về vật chất và tinh thần. Nếu nó được sinh ra, vấn đề áp lực con cái của cha mẹ nó được giải phóng, rồi khi lớn lên, nó phải có trách nhiệm và nghĩa vụ làm con ngoan, trò giỏi, học hành tấn tới.

Khi trưởng thành, con có nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao là lập gia đình, giàu có, thành đạt... để cha mẹ nở mày nở mặt với đời, rồi khi cha mẹ già, con có trách nhiệm và nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ.

Nghe thì ai cũng thấy điều đó là hiển nhiên. Việc cha mẹ sinh con, nuôi dạy con lớn khôn, lo cho con công việc là trách nhiệm của cha mẹ. Rồi đến lượt các con, chăm sóc, hiếu đễ khi cha mẹ già là nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả.

Minh Thư, cô bạn tôi, năm nay đã 42 tuổi, nhưng bất chấp những lời khuyên nhủ hay dọa dẫm về một tương lai già cả cô đơn, cô vẫn không vì thế mà lấy cho được 1 ông chồng hay sinh bằng được 1 đứa con.

Cô nói: "Tôi thấy việc các ông bố, bà mẹ vừa sinh con ra đã đổ lên đầu nó cái nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao là trở thành chỗ dựa cho bản thân mình là không đúng đâu. Họ vì họ, chứ đâu vì con. Nếu vì con, thì đừng trói buộc chúng ngay từ đầu như thế, hãy để chúng sống cho chúng đã".

Để chứng minh điều mình nói, cô kể chuyện cha mẹ cô. Mặc dù con gái đã qua tuổi 40, không lấy chồng cũng không làm mẹ đơn thân, ông bà cũng không vì thế mà tự dằn vặt mình, tự làm mình đau buồn, cũng không gây áp lực gì cho cô. Vì thế, Minh Thư vẫn sống rất vui vẻ, làm việc hiệu quả, và là một biên kịch của những bộ phim truyền hình nhiều người yêu thích.

Còn bạn T.H của tôi, năm nay 37 tuổi, mới kết hôn hồi đầu năm. Cô nói, khi gia đình nhà trai đến đón dâu, cô đã nói với cha cô, trước mặt mọi người: “Con cảm ơn cha vì đã không hối con lấy chồng, để hôm nay con đã gặp được người chồng mà con thực sự yêu thương.”

Là phụ nữ nông thôn, nhưng những điều cô nói khác xa với hình dung của mọi người. Trong suốt hơn 20 năm qua, cha cô đã luôn bị mọi người gây áp lực, rằng không biết cách "dạy bảo" con gái việc lấy chồng, sau này thì lấy ai mà nhờ cậy. Mặc cho những lời đàm tiếu, cha vẫn để cô được sống với chính mình, với những gì cô tin tưởng và mong đợi.

Còn tôi, sau khi kết hôn với người mà tôi yêu thương, chúng tôi sinh một bé trai. Ngay từ khi sinh con, chúng tôi xác định nuôi dạy con trưởng thành, rồi để con được sống với những ước mong của riêng con, lựa chọn hạnh phúc của riêng  con, không buộc con phải biến thành... cây cột để chúng tôi dựa dẫm khi về già.

Tư tưởng này của chúng tôi tất nhiên vấp phải sự phản đối của cha mẹ chồng tôi. Họ cho rằng chúng tôi đang suy nghĩ lệch lạc. Má chồng tôi còn ép chúng tôi phải sinh thêm một cô con gái, với lý do “không có con gái thì chỉ có thiệt thôi”.

Để thay đổi được suy nghĩ đã ăn sâu vào ý thức đó, không chỉ giải thích bằng lời, mà phải chờ đợi thời gian chứng minh. Tuy nhiên, tôi, T.H và Minh Thư đều cho rằng, tư tưởng sinh con để nhờ cậy con là một tư tưởng tự trói, là tự gây áp lực cho mình và đổ áp lực lên con cái. Yêu thương con, trước hết là trao cho chúng một tình yêu vô điều kiện.

Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI