"Ráng lên em, đừng gục ngã, bệnh nhân đang cần chúng ta"

10/07/2021 - 07:41

PNO - Trong trang phục bảo hộ và tấm kiếng chắn giọt bắn, một bác sĩ ở bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương đã ghi lại khoảnh khắc xúc động ở nơi đầy rẫy virus SARS-CoV-2 đầy nguy hiểm, đang đe dọa tất cả nhân viên y tế.

Ngày 26/6, bác sĩ H., 39 tuổi đã cùng các đồng nghiệp được điều động tham gia chăm sóc những bệnh nhân bị bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương (TPHCM). Ngày trở lại, quang cảnh quen thuộc của nơi anh gắn bó hơn 16 năm có quá nhiều đổi khác. Từ một bệnh viện tuyến thành phố nơi đây đã được trưng dụng để hoàn toàn trở thành một trong nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 tại TPHCM. Số lượng giường tại đây dự kiến sẽ đủ cho 1.000 người.

Một nữ điều dưỡng đút cháo cho một cụ già bị mắc COVID-19 tại BV điều trị COVID-19 Trưng Vương.
Một nữ điều dưỡng đút cháo cho một cụ già bị mắc COVID-19 tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương

Là nhóm thứ 2 tham gia nhiệm vụ, bác sĩ và các đồng đội có 21 ngày làm việc, sau đó được cho nghỉ ngơi 21 ngày trước khi được điều động nhiệm vụ tiếp theo. 

Làm việc trong môi trường nói nôm na là virus corona bay la đà trong không khí, những nhân viên y tế ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương phải tự bảo vệ mình bằng bộ đồ bảo hộ được mặc đúng chuẩn nhất, kỹ lưỡng nhất. Bởi sơ hở chút xíu thôi thì chuyện gì xảy ra, ai cũng rất dễ hình dung rồi.

Những đứa trẻ F0 được nhận quà của nhà hảo tâm gửi vào bệnh viện
Những đứa trẻ F0 được nhận quà của nhà hảo tâm gửi vào bệnh viện

Chiếc điện thoại quen thuộc cũng được mang vào bệnh viện. Chúng cũng được bảo vệ chu đáo như con người, thường bọc kín trong túi ni lông. Nhờ nó, bác sĩ ghi lại được những khoảnh khắc anh cùng các đồng đội chiến đấu bảo vệ con người trước sự tấn công hung hãn của virus SARS-CoV-2 cũng như cuộc sống của người bệnh đang nằm điều trị.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do chính các y bác sĩ tại BV Trưng Vương tự chế tạo.
Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do chính các y bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương tự chế tạo

Một ngày sau ca trực, ở lại khu cách ly của bệnh viện, bác sĩ H. đã viết đôi dòng gửi các đồng nghiệp:

Nơi tình yêu thương bắt đầu...

Chỉ đơn giản là một vài tấm ảnh về công việc thường nhật của những bạn điều dưỡng, hộ lý trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19  nặng.

Âm thầm, lặng lẽ, quên đi cuộc sống đang xô bồ ngoài kia. Cũng không để ý đến những quy định cứng nhắc ràng buộc nào hoặc không quan tâm luôn cả đến những hình thức PR này nọ. Chỉ đơn giản đó là lương tâm của thầy thuốc.

Một điều dưỡng chuẩn bị thay tã cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Một điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19

Rời xa gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, những đồng đội của tôi vào đây để vào chăm nom từng ly, từng tí cho mỗi bệnh nhân, không phải người thân, ruột thịt của họ. Đơn giản chỉ là trách nhiệm với cộng đồng.

Đồng đội của tôi - có khi đó không chỉ là bác sĩ, không phải trưởng phó khoa - phòng, họ chỉ đơn giản là họ, những điều dưỡng viên hoặc hộ lý.

Những phần cơm như thế này sẽ đi vào kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành nghề y của những nhân viên y tế tại đây.
Những phần cơm như thế này sẽ đi vào kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành nghề y của những nhân viên y tế tại đây

"Ráng lên em, đừng ngất xỉu"

Giữa bộn bề hối hả, bác sĩ H. cũng viết cho mình những điều tâm đắc, để sau này nhớ lại.

“Vừa mặc áo xanh xanh đi lấy mẫu đợt tháng 5 xong lại phải khoác cái áo trắng vào để vô điều trị tháng 6. Mà cái khẩu trang bịt kín mũi, ngộp thở, thở không ra hơi. Cái áo ướt đẫm mồ hôi còn hơn tắm. Cái bàn tay rộp phỏng lên vì không lúc nào ngơi nghỉ.  

Chào tạm biệt nhau vào cuối ngày làm việc
Chào tạm biệt nhau vào cuối ngày làm việc

 

Những buổi chiều tan ca trực, trở về phòng cách ly xa vắng gia đình khiến y bác sĩ không khỏi chạnh lòng nhớ nhà.
Những buổi chiều tan ca trực, trở về phòng cách ly xa vắng gia đình khiến y bác sĩ không khỏi chạnh lòng nhớ nhà

Vô điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng có cái vui, có cái buồn. Vui khi một ai đó được hết bệnh, chia tay nhau về. Rạng rỡ hết sức. Vui khi nhìn thấy đám nhóc F0 nhảy cò cò trong sân bệnh viện, vô tư, lạc quan kinh khủng. Vui khi thấy mấy bạn trẻ F0 rủ rê mấy ông già, bà lão F0 ra cùng tập... yoga. Thấy tình người trong khu điều trị, già trẻ lớn bé đều như nhau.

Vui vì trong làm việc, liên tục sáng tạo và đọc sách chuyên môn nhiều hơn. Dù đọc mà hiểu có được bảo nhiêu đâu... Chắc già rồi...

Một điều dưỡng chuẩn bị thay tã cho bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19
Một điều dưỡng chuẩn bị thay tã cho bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19

Vui vì xã hội bắt đầu lắng nghe, quan tâm đến chúng tôi, nơi tuyến cuối... Có để ý anh em y tế cũng vui vui rồi.

Nhưng cũng rất buồn, mà nỗi buồn thì nhiều hơn hẳn niềm vui. Buồn khi thấy một người bệnh lịm dần, tắt thở. Buồn khi có một người bệnh cáu gắt, quậy phá, rồi khó chịu với mọi người xung quanh, cả nhân viên y tế.

Các em điều dưỡng, họ cực hơn các bác sĩ mình nhiều. Bác sĩ bọn mình vẫn chịu được. Cố gắng lên nữa.

Những bác sĩ trẻ rất ham học hỏi. Họ đang đọc một tài liệu về sử dụng máy thở dùng để cấp cứu bệnh nhân mắc COVID-19.
Những bác sĩ trẻ rất ham học hỏi. Họ đang đọc một tài liệu về sử dụng máy thở dùng để cấp cứu bệnh nhân mắc COVID-19

Tự anh em động viên lẫn nhau, lên tinh thần cho nhau... Ráng lên em, đừng ngất xỉu ... Ráng lên anh, đừng gục ngã. Bệnh nhân cần chúng ta. Xã hội cần chúng ta. Ráng lên, cố lên, lạc quan lên và hãy vui lên...

Chỉ mong càng ít người bị nhiễm bệnh, càng nhiều người ý thức hơn cho bản thân và gia đình mình thì là niềm động viên lớn lắm rồi.

Bác sĩ và bệnh nhân chia tay nhau vì không còn nhiễm virus corona nữa.
Bác sĩ và bệnh nhân chia tay nhau vì không còn nhiễm virus corona nữa

Bà con nhà ta nhớ giữ sức khoẻ thật tốt để cùng nhau đập nát con "Cô Vy" này nhé.

Cố lên các bạn.

Thành phố mình sẽ chiến thắng - nhất định!

Hiếu Nguyễn (ghi) 

Ảnh: BS H. – Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI