Rắn trong đời sống tâm linh

27/01/2025 - 09:56

PNO - Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hiếu Tín, trong 12 con giáp, có thể xem rắn là con vật mang tính người rõ nhất vì vừa có thiện, có ác.

Linh vật rắn sẽ được trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ năm nay
Linh vật rắn sẽ được trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ năm nay - Ảnh: Quốc Thái

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Tín cho biết trong các nền văn hóa hay tôn giáo lớn trên thế giới, rắn được tôn vinh như một vị thần.

Trong Phật giáo, rắn thần Naga bảo vệ cho Đức phật. Theo nguồn gốc Hindu giáo, rắn Naga có tướng mặt người thân rắn, với cổ bành của loài rắn hổ mang. Loài rắn này ngoài bảo vệ Đức phật còn là biểu trưng cho sự thịnh vượng, mùa màng, mang nguồn nước tưới cho đồng lúa.

Còn với các vị Pharaoh, trên mũ của họ luôn có một vị thần rắn uốn quanh mang ý nghĩa như một sự soi sáng, cho tâm trí luôn thông suốt.

“Trong 12 con giáp, có thể xem rắn mang tính người rõ nhất vì vừa có thiện, có ác. Người đời thường nhớ đến điều ác nhiều hơn nên mang tâm lý lo sợ trước rắn. Nhưng, các nền văn hóa hay tôn giáo lớn đều có liên quan đến rắn. Rắn rất linh hoạt, thông minh. Ở góc độ tâm linh, rắn thần được thờ rất nhiều” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.

Linh vật rắn của Phú Yên năm nay được khen đẹp, hoành tráng. Ảnh: Thổ địa Phú Yên.
Linh vật rắn của Phú Yên năm nay được khen đẹp, hoành tráng - Ảnh: Thổ địa Phú Yên

Với văn hóa gắn với vùng sông nước như Việt Nam, con rắn đại diện cho thủy thần vì sự mềm mại, uyển chuyển ở hình dáng. Thậm chí rắn được xem là khởi nguyên của dân tộc Việt vì người xưa quan niệm rắn và cá sấu là 2 con vật tạo nên con rồng - biểu tượng lớn trong văn hoá Á Đông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Tín hiện giảng dạy bộ môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Anh nghiên cứu nhiều biểu tượng văn hóa Việt và có hơn 20 năm sưu tầm cổ vật. Thế nhưng, khi đi sâu, tìm hiểu về con rắn trong đời sống văn hóa tâm linh, anh mới thấy nhiều điều thú vị.

Trong quá trình tìm hiểu về các cổ vật trong nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Tín ít thấy các cổ vật liên quan đến rắn. Điều đó phần nào thể hiện người Việt không thờ hay không tạc tượng những con vật mà họ thấy sợ, không muốn gần gũi trong đời sống.

“Theo một số nghiên cứu, con người có hội chứng sợ rắn. Nỗi sợ này khiến nhiều người không dám nhìn dù rắn nhỏ vô hại hay rắn không độc… Cũng vì sợ, người Việt không thờ hay đưa hình ảnh con rắn vào đời sống như nhiều con giáp khác. Dù vậy, không thể phủ nhận trong đời sống tâm linh ở các quốc gia, rắn là vị thần linh thiêng. Rắn trong Phật giáo; rắn là biểu tượng của y khoa; rắn đại diện cho sự thông minh, sáng suốt…” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI