Rạn san hô lớn nhất thế giới giờ chỉ còn một nửa

17/10/2020 - 06:48

PNO - Rạn san hô Great Barrier của Úc đã mất 50% trong ba thập niên qua. Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân chính gây xáo trộn môi trường sống của san hô.

Các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Rạn san hô ARC, ở bang Queensland, đông bắc nước Úc, đánh giá các cộng đồng san hô và kích thước của chúng dọc theo chiều dài Great Barrier Reef (GBR), từ năm 1995 đến năm 2017. Báo cáo vừa công bố cho thấy sự suy giảm của hầu hết các quần thể san hô.

Rạn san hô GBR là một trong những hệ sinh thái biển sôi động nhất trên hành tinh, ước tính từ 1/4 đến 1/3 tổng số loài sinh vật biển sống dựa vào rạn san hô tại một số thời điểm trong vòng đời.

Rạn san hô Great Barrier Reef, lớn nhất thế giới, là nơi sinh sống của hơn 1.500 loài cá, 411 loài san hô cứng và hàng chục loài khác.

Rạn san hô là hệ sinh thái sôi động nhất hành tinh.
Rạn san hô là hệ sinh thái sôi động nhất hành tinh

Đồng tác giả Terry Hughes - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô ARC - cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy số lượng san hô nhỏ, trung bình và lớn tại Great Barrier Reef đã giảm hơn 50% kể từ những năm 1990”.

Rạn san hô là nền tảng cho sức khỏe của các hệ sinh thái biển, nếu không có chúng, các hệ sinh thái sẽ sụp đổ và sinh vật biển chết dần.

Kích thước quần thể san hô là yếu tố rất quan trọng khi nói đến khả năng sinh sản của san hô.

Andy Dietzel - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô ARC - giải thích: “Một quần thể san hô sôi động có hàng triệu san hô nhỏ, cũng như nhiều san hô lớn - vốn chịu trách nhiệm sinh sản”.

Ông Dietzel nói thêm: “Kết quả của chúng tôi cho thấy khả năng phục hồi của rạn san hô Great Barrier thấp hơn so với trước đây, bởi vì hiện tại có ít san hô non hơn và ít cá thể trưởng thành giúp sinh sản”.

Theo các chuyên gia, sự suy giảm số lượng xảy ra ở cả các loài san hô nước nông và nước sâu, nhưng san hô phân nhánh và san hô hình bàn - cung cấp môi trường sống cho cá - bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự kiện "tẩy trắng" hàng loạt vào năm 2016 và 2017, khi nhiệt độ vượt mức kỷ lục.

Nhiệt độ nước biển ấm là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô, khiến san hô chuyển sang màu trắng do phản ứng với nước quá ấm. Tẩy trắng không giết chết san hô ngay lập tức, nhưng nếu nhiệt độ vẫn cao, cuối cùng san hô sẽ chết, phá hủy môi trường sống tự nhiên của nhiều loài sinh vật biển.

Nhiệt độ tăng từ biến đổi khí hậu khiến san hô chết dần và khó hồi phục.
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu khiến san hô chết dần và khó hồi phục

Nghiên cứu còn cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng các quần thể san hô cụm ở phía bắc và đoạn giữa rạn san hô GBR, theo sau các sự kiện tẩy trắng hàng loạt vào năm 2016 và 2017.

Rạn san hô GBR hứng chịu nhiều lần tẩy trắng hàng loạt trong 5 năm qua và các chuyên gia cho biết, phần phía nam của rạn san hô này cũng đang chịu nhiệt độ kỷ lục vào đầu năm 2020.

Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự gia tăng tần suất "nhiễu động ngầm" như sóng nhiệt biển.

Nhóm tác giả đưa ra cảnh báo trên tạp chí Proceedings of the Royal Society: “Không có nhiều thời gian để mất - chúng ta phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng sớm càng tốt”.

Linh La (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI