Rằm tháng Chạp, bà nội trợ, anh thợ hồ... tranh thủ lặt lá mai kiếm tiền lo tết

31/01/2021 - 20:17

PNO - Từ rằm tháng Chạp, nhiều công nhân, thợ hồ, nội trợ… tất bật đi lặt lá mai thuê tại các vườn mai ở TPHCM để kiếm tiền trang trải tết.

 

Nội trợ, thợ hồ, công nhân… tranh thủ lặt lá mai thuê kiếm thêm tiền lo tết

Ăn cơm trên đồng, không nghỉ trưa

Từ rằm tháng Chạp, các vườn mai ở TPHCM lại rôm rả tiếng cười nói, í ới của người lặt lá mai thuê. Ngày thường, họ làm nhiều công việc khác nhau như thợ hồ, nội trợ, công nhân… nhưng đến mùa lặt lá mai thì sẽ tụ họp ở các vườn quen thuộc.

Công đoạn lặt lá mai diễn ra từ 2-3 ngày tại các vườn mai ở TPHCM - Ảnh: Lâm Ngọc
Công đoạn lặt lá mai diễn ra từ 2-3 ngày tại các vườn mai ở TPHCM - Ảnh: Lâm Ngọc

Chị Nguyễn Ngọc Hiền (36 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ: “Bình thường tôi ở nhà lo chuyện nuôi gà, bếp núc thôi. Đến mùa lặt lá mai tôi mới đi làm kiếm thêm ít tiền trang trải mấy ngày tết. Mấy người làm chung ở vườn này đều quen biết nhau. Năm nào chúng tôi cũng làm cùng nhau ở các nhà vườn làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM)”.

Theo chị Hiền, lặt lá mai rất dễ, chỉ cần tước hết lá và hoa đã nở, chừa lại nụ hoa. Nếu chủ không hối thúc thì người làm thuê sẽ lặt lai rai trong khoảng 3 ngày từ rằm tháng Chạp trở đi. Người lặt lá mai thuê được trả công theo giờ, mỗi giờ được nhận dao động từ 30.000 - 40.000 đồng.

Vừa lặt lá mai, các nhân công làm việc tại vườn mai của anh Trương Minh Tuấn (45 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa tranh thủ tám chuyện rôm rả, những câu chuyện giúp họ vơi đi mệt mỏi khi phải đội nắng lặt lá mai.

Nhiều thanh niên phải trèo lên những cây mai cao hơn 2m để lặt lá. - Ảnh: Lâm Ngọc
Nhiều thanh niên phải trèo lên những cây mai cao hơn 2m để lặt lá - Ảnh: Lâm Ngọc

“Quê tôi ở Trà Vinh. Tôi lên đây làm hồ được mấy năm rồi. Năm nào cũng vậy, gần tết tôi lại đi lặt lá mai để kiếm thêm tiền. Công việc này không nặng nhọc như làm hồ nhưng mất thời gian hơn, và phải phơi nắng cả ngày ngoài đồng. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi bắt đầu công việc từ 6g đến 6g tối mới về. Chúng tôi ăn cơm trên đồng, ăn xong làm liền không có nghỉ”, anh Thắng cho biết.

Lặt lá mai là công việc tương đối dễ, ai cũng có thể làm nhưng nó đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm. Nhiều người than lặt lá mai đau hết mấy đầu móng tay. Để giảm bớt đau đớn, nắng gắt, họ đeo bao tay, che khẩu trang, mặc áo khoác, đội nón kín mít. Những thanh niên khỏe mạnh còn leo lên các cây mai nhiều năm tuổi, cao hơn 2m để lặt lá.

“Làm nghề nào cũng có cái vui cái khổ. Tôi làm quen rồi, thấy thu nhập cũng tốt nên cố làm quen nhiều nhà vườn. Nhờ vậy, năm nào cũng có việc. Tôi còn lãnh thêm vườn rồi giao cho mấy chị em khác làm nữa. Tiền công năm nào cũng thế thôi, dao động cỡ 30-40.000 đồng/giờ”, vừa lau những giọt mồ hôi trên gương mặt, chị Hiền vừa hồ hởi nói.

Gác lại việc nội trợ, nhiều phụ nữ ra đồng lặt lá mai thuê. - Ảnh: Lâm Ngọc
Gác lại việc nội trợ, nhiều phụ nữ ra đồng lặt lá mai thuê - Ảnh: Lâm Ngọc

Tại vườn của anh Tuấn, các nhân công lặt lá mai cho biết chỉ cần 2 ngày nữa sẽ hoàn thành công việc. Mai của vườn này còn ít tuổi nên ít bán, công việc lặt lá vì vậy mà không có gì khó khăn.

Ở các vườn mai, ngoài những người trẻ còn có những công nhân lớn tuổi như cô Hoài (63 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức). Cô Hoài chia sẻ: “Thường ngày tôi đi làm cỏ, gần tết mới đi lặt lá mai. Công việc này dễ làm mà thu nhập cũng tốt hơn làm cỏ. Mình chỉ việc lặt hết lá cây và người ta sẽ xử lý hoa để bán tết. Ở đây đông người làm nên tôi thấy vui, mau hết ngày, đỡ mệt”.

Ngoài những người làm thuê mùa vụ, có rất nhiều người gắn bó với cây mai suốt cả năm, làm đủ các công đoạn như tỉa cành, dọn cỏ, lặt lá. Chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) tâm sự: “Tôi gần như gắn bó với cây mai mỗi ngày. Bình thường tôi tỉa cành, dọn cỏ cho mai. Từ rằm tháng Chạp là đi lặt lá mai. Làm nhiều năm nên tôi có kinh nghiệm, lặt nhanh hơn những người mới vào và không làm rụng nhiều nụ”.

Chị Mai chia sẻ kinh nghiệm: “Mình phải xuôi tay theo cành để không làm rụng nụ hoa. Nếu vuốt đại, tuốt ngược sẽ làm hư hoa. Lặt lá mai cũng có 2 loại: lặt lá sống và lặt lá khô. Lặt lá sống khó hơn. Lặt lá khô là người ta đã xịt thuốc rụng lá rồi mới thuê người đến lặt. Lặt như vậy dễ và nhanh hơn lặt lá sống. Tuy nhiên, tiền công đều như nhau”.

Lặt lá mai tuy đơn giản nhưng cũng cần có kinh nghiệm để giữ nụ hoa đẹp còn nguyên trên cành. - Ảnh: Lâm Ngọc
Lặt lá mai tuy đơn giản nhưng cũng cần có kinh nghiệm để giữ nguyên nụ hoa đẹp trên cành - Ảnh: Lâm Ngọc

Chị Mai cho biết, nhiều chủ vườn khó tính, quý hoa sẽ rất kỹ lưỡng trong việc chọn người lặt lá mai. Họ chỉ thuê những người quen việc, làm nhanh mà không để hoa bị hư. Chị còn cho biết thêm, do phải làm nhanh để hoa mai ra đúng dịp tết, người lặt lá làm việc không nghỉ, họ làm liên tục từ sáng sớm cho đến tờ mờ tối.

Nhà vườn “nhăn mặt” trả tiền thuê

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ vườn mai lo lắng và thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, đến mùa lặt lá mai, họ vẫn phải chi một số tiền lớn để thuê nhân công.

Năm nay, nhiều chủ vườn chủ động thuê ít người lặt lá mai để giảm bớt chi phí. - Ảnh: Lâm Ngọc
Năm nay, nhiều chủ vườn chủ động thuê ít người lặt lá mai để giảm bớt chi phí - Ảnh: Lâm Ngọc

Anh Tuấn chia sẻ: “Mai năm nay bán không bằng năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương lái không dám mua trước. Tuy vậy, tôi vẫn phải tốn tiền để thuê gần 20 người lặt lá”.

“Năm nay, tôi thuê người lặt lá mai ít hơn mọi năm và chỉ lặt những cây có nhiều nụ thôi. Mai năm nay bông nhiều, đẹp hơn năm ngoái nhưng ít người mua hơn. Sợ không ai mua, tôi không dám cho người lặt lá, lên chậu những gốc mai lớn, nhiều tuổi. Bởi, nếu bán không được, đem về trồng lại tại vườn thì phải chăm 2 năm sau mới có thể đem đi bán tiếp. Chưa kể, việc đào lên trồng lại có thể khiến cây chết. Do đó tôi đành để cây lại, sau tết xả tàn, nuôi cây đợi năm tới”.

Vườn mai của anh Tuấn có nhiều cây lớn, nụ đặc cành nhưng anh không dám lặt lá cũng không dám bứng. “Vườn này, tôi chỉ bứng đem đi bán tại các bãi khoảng 30% thôi. Như cây này bán mấy triệu bạc, tôi lo không có người mua. Năm ngoái, tôi thuê một điểm bán ở Bình Dương nhưng năm nay, tôi thuê 2 bãi, phải chia ra để thu hút sức mua. Thuê người lặt lá mai xong, 21 tháng Chạp, tôi đem cây lên Bình Dương bán”, anh Tuấn vừa nói vừa mân mê từng nụ mai.

Nhiều nhà vườn khác tại TP. Thủ Đức (TPHCM) cho biết, do số lượng mai tết lên đến hàng nghìn cây, cần xuống lá đúng thời điểm nên họ phải thuê nhiều người lặt lá cùng lúc.

Một chủ vườn mai ở TP. Thủ Đức cho biết: “Mỗi người lặt lá mai, tôi phải trả từ 300.000 đồng/ngày. Thuê hơn 20 người lặt lá trong vòng 2-3 ngày, chi phí cũng đã gần 50 triệu đồng. Mai chưa bán được mà đã phải mất tiền”.

Từ Rằm tháng Chạp, nhà vườn đã thuê người lặt lá mai để kịp ra bông đúng dịp Tết. - Ảnh: Lâm Ngọc
Từ rằm tháng Chạp, các nhà vườn đã thuê người lặt lá mai để cây kịp ra bông đúng dịp tết - Ảnh: Lâm Ngọc

Anh Hiếu, chủ vườn mai ở quận 12, TPHCM, cho biết: “Trước rằm tháng Chạp hai tuần, tôi đã phải tìm người lặt lá mai. Bây giờ, nhân công khan hiếm, phải trả tiền công cao, mình phải bao ăn ở thì người ta mới từ các tỉnh đến vườn mình làm thời vụ. Còn nữa là những người lao động tự do sống ở địa phương, cứ tới mùa thì họ đến phụ vài ngày”.

Hiện tại, do tình hình dịch bệnh khó khăn, để giảm phần nào chi phí, một số chủ nhà vườn không thuê người mà huy động người thân lặt lá mai. Tất bật, nhọc nhằn, họ chỉ mong mai có thể nở đẹp đúng vào ngày tết.

Lâm Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI