Rầm Rộ vay nóng qua app đang “đẻ” ra nhiều hệ lụy

28/06/2020 - 12:30

PNO - Nhu cầu vay nhanh sau dịch COVID-19 tăng cao khiến nhiều người tìm đến các kênh cho vay qua website trực tuyến, qua ứng dụng… Tuy nhiên, không ít nguồn cho vay trên các kênh này là của các nhóm tín dụng “đen”, cho vay với lãi suất cắt cổ.

Ngộp thở vì nợ

Sau thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19, xuất hiện dày đặc thông tin trên mạng, quảng cáo cho vay với nhiều lời lẽ thu hút như: “Ngân hàng nói NO, Cashwagon nói YES. Bị ngân hàng từ chối không phải đường cùng, Cashwagon sẵn sàng hỗ trợ bạn vượt ải tài chính, miễn lãi 0% khoản vay đầu”… 

Rất nhiều app (ứng dụng) vay tiền hiện được điều khiển bởi các nhóm người Trung Quốc (Ảnh minh họa).
Rất nhiều app (ứng dụng) vay tiền hiện được điều khiển bởi các nhóm người Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Vài ngày trước, Cashwagon đã bị cơ quan chức năng đánh sập sau khi phát hiện đây là một đường dây cho vay nặng lãi, với lãi suất hơn 1.000%. Tuy nhiên, trước khi bị phát hiện, hàng ngàn người đã tin vào những lời quảng cáo bùi tai, đăng ký vay và không lâu sau đó phải chịu áp lực trả nợ đến ngộp thở. 

Cầm chiếc điện thoại với hàng loạt tin nhắn đòi nợ của các công ty cho vay “nóng”, chị Lê Thị H. - ở hẻm Sinco, Q.Bình Tân, TP.HCM - kể, chị vay 4 triệu đồng trong bảy ngày với lãi suất 0,02%/ngày, nhưng thực tế, chị chỉ nhận được 2,5 triệu đồng. Phía cho vay giải thích, 1,5 triệu đồng bị trừ là phí thẩm định và tiền lãi thu trước (tương đương lãi suất 5,5%/ngày, tức 165%/tháng). Đến hạn mà chưa có tiền, chị tiếp tục vay trên một app khác để đáo nợ cũ. Chị vay qua app Vinavay 5 triệu đồng nhưng thực lãnh cũng chỉ 3,5 triệu đồng. Cứ như vậy, chị vay từ app này để trả nợ cho app trước, giờ số tiền chị nợ đã hơn 20 triệu đồng.

Thất nghiệp do dịch bệnh, con bệnh nhập viện, anh V.Q.N. - ở Q.4, TP.HCM - cũng vay tiền qua ứng dụng Cashwagon 2 triệu đồng, thời hạn trả 20 ngày, tiền lãi phải đóng là 600.000 đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày, anh N. phải chịu thêm phí dịch vụ 20.000 đồng/1 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 60%/tháng, chịu thêm phí tư vấn 585.000 đồng. Cứ ba ngày đóng muộn, anh N. phải chịu khoản phạt 250.000 đồng. Từ số tiền vay chỉ 2 triệu đồng, sau hơn một tháng, số nợ đã nhân lên gần gấp ba lần.

Ông Nguyễn Thế Long - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM - cho rằng, việc người dân phải tìm đến các app tín dụng đen một phần do khó tiếp cận ngân hàng, thủ tục vay tại các ngân hàng khá phức tạp.

Quản lý tốt thay vì cấm hoặc thả nổi

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh TP.HCM - nhìn nhận, sau thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần vốn đột xuất đã “cầu viện” các kênh vay ngang hàng (P2P lending - loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng), thay vì tìm đến các tổ chức tín dụng. NHNN đã nhiều lần cảnh báo về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng tín dụng “đen” sử dụng công nghệ cao, cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả bên vay và cho vay. 

Theo ông Minh, trước thực trạng hoạt động cho vay đang biến tướng, NHNN Việt Nam vừa đưa ra dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sẽ giám sát các hoạt động thí điểm như thanh toán, tín dụng và cả vay ngang hàng. 

Thiếu tá - tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường đại học An ninh Nhân dân - cho rằng, việc thí điểm quản lý vay ngang hàng vào thời điểm này là cần thiết vì nhu cầu vay tiền qua các ứng dụng, các trang web trực tuyến rất lớn. Trong khi đó, hạn mức cho vay thấp (từ 3-7 triệu đồng), lãi suất lại cao (từ 130-150%/tháng). Nhưng khi giải ngân, khách hàng chỉ nhận được số tiền rất ít do bị trừ mất những khoản phí do bên cho vay soạn ra. Có nhiều khoản phí vô lý nhưng người vay phải chấp nhận do đã rơi vào thế đường cùng. Do thời gian cho vay ngắn (chỉ tính theo ngày) nên khả năng xoay xở để trả nợ rất khó khăn, phí phạt lại rất cao. Hơn nữa, khi vay qua ứng dụng, toàn bộ danh bạ trong điện thoại của khách hàng bị sao chép, nội dung tin nhắn bị lộ, điện thoại của khách hàng bị định vị… nên nguy cơ mất an toàn thông tin cao.

“Các công ty cho vay đa phần do các đối tượng “xã hội” có máu mặt và tín dụng “đen” thành lập nên khách hàng thường xuyên bị đe dọa, quấy rối khi chậm thanh toán. Nói chung, khách hàng chịu thiệt thòi rất lớn. Nếu không sớm đưa vào khuôn khổ pháp luật để quản lý, sẽ có nhiều hệ lụy, khiến thị trường tài chính không lành mạnh” - tiến sĩ Lâm nhận định.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc thí điểm cho vay ngang hàng để kiểm soát của NHNN là đúng đắn và cần thiết bởi đây là một xu thế tất yếu, là sáng tạo của thời đại công nghệ số. Nên quản lý thay vì cấm đoán hay thả nổi như hiện nay. 

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Yến lan 29-06-2020 22:06:28

    Dù cashwagon đang bị công an điều tra nhưng vẫn gọi điện và nhắn tin liên tục khủng bố những người không liên quan. Tổng đài lentech vẫn hoạt động như thường. Phải chăng những công ty này đã quá coi thường pháp luật? Hay là họ được thế lực nào chống lưng? Mong quý báo có thể vì dân mà lên tiếng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI