Đại diện các trung tâm thương mại lớn khẳng định, các fanpage, trang web, thương hiệu nêu trên đều bị mạo danh nên sản phẩm quảng cáo chắc chắn là hàng giả, hàng dỏm. |
|
Fanpage Vincom Đồng Khởi - một trang Facebook mạo danh - quảng cáo giảm giá son dưỡng môi Dior 45% và dẫn dụ khách đến các trang web lạ để mua hàng |
Mạo danh để bán hàng dỏm
Khi vào mạng xã hội Facebook, người dùng thường thấy fanpage "Vincom Đồng Khởi" quảng cáo bán son dưỡng môi Dior (thuộc thương hiệu thời trang Christian Dior của Pháp) với giá giảm 45%, từ 750.000 đồng/sản phẩm xuống còn 399.000 đồng/sản phẩm. Kèm theo đó là đường dẫn (link) đến trang web có tên miền là diorbeauty.com.vn.
Giao diện của trang web này chỉ có mục quảng cáo dòng son dưỡng môi, mẫu điền thông tin đặt hàng, được trình bày chỉ bằng tiếng Việt. Phía bên dưới trang là địa chỉ “cửa hàng trưng bày của Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) và Vincom Center Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)”.
Mẩu quảng cáo khác về son môi Dior của fanpage “Vincom Đồng Khởi” lại đưa đường dẫn đến một trang web khác, có tên miền diorlipglow.com.vn, với giao diện y chang trang web có tên miền diorbeauty.com.vn.
Để tạo niềm tin cho người dùng, fanpage “Vincom Đồng Khởi” này thường xuyên cập nhật các chương trình khuyến mãi của các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng đang được bán ở trung tâm thương mại Vincom. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, fanpage này được lập vào tháng 12/2021 với tên "Vinh Hiếu", đến tháng 4/2022 thì đổi thành "Công ty Chứng khoán Mihi", sang tháng 11/2022 thì đổi thành “Chuyên thanh lý sang shop, nhận ký gửi quần áo số lượng lớn” rồi lại đổi thành “Chuyên cung cấp Poodle chất lượng”. Đến tháng 12/2022 thì fanpage này lại đổi thành “June Store - chuyên túi xách Quảng Châu”, sau đó là “Vincom Đồng Khởi”.
Các đối tượng còn chụp ảnh rồi chia sẻ địa điểm các trung tâm thương mại lớn lên mạng xã hội (check-in) rồi đăng bài dẫn dụ khách hàng đến các trang web lạ mua hàng. Các mẩu quảng cáo nổi lên gần đây là check-in tại trung tâm thương mại Aeon Mall, kèm bài viết và hình ảnh đoàn người chen lấn trước cửa hàng nước hoa Le Labo (nhãn hiệu nước hoa nổi tiếng của Mỹ) suốt 5-6 giờ để chờ mua nước hoa. Nội dung bài viết kêu gọi: “Mua hàng chính hãng, chỉ còn 1.275.000 đồng/chai 100ml thay vì 5 triệu đồng/chai, không cần xếp hàng chen lấn” và dẫn link đến trang web có tên miền luxyperfume.info, mạo nhận là “website chính thức của hãng Le Labo”.
Mẩu quảng cáo “đồng hồ nổi tiếng của Nhật Bản giảm giá 70%, mua 1 tặng 1 với giá 799.000 đồng/2 cái” cũng cắt ghép hình ảnh khách hàng chen lấn ở trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân (TPHCM), kèm theo hướng dẫn “nên mua hàng trực tuyến tại website tashakijapan.store”.
Mẩu quảng cáo khác lại đăng cảnh chen lấn mua hàng tại trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (TP Hà Nội), Vincom (TPHCM và TP Hà Nội) chờ mua máy rửa mặt Luna mini của Foreo (thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển) kèm hướng dẫn “nên mua hàng tại các website foreoluna.asia, foreovn.site”.
Doanh nghiệp đối phó không xuể
Đại diện Công ty cổ phần Vincom Retail (gọi tắt là Vincom) cho biết, công ty nhiều lần tiếp nhận phản ánh về hiện tượng giả mạo website, fanpage, sử dụng trái phép tên và logo của Vincom nhằm mục đích lừa đảo. Các fanpage đăng quảng cáo rầm rộ trên đều mạo danh Vincom để dẫn dụ người dùng đến trang web lạ, bán hàng không rõ nguồn gốc.
Trang web và fanpage chính thức của Vincom thông báo: “Chúng tôi không liên quan đến các tổ chức, cá nhân nói trên. Chúng tôi chưa có các website thương mại điện tử, giao dịch chuyển khoản online. Hiện tại, Vincom chỉ đăng thông tin trên website chính thức và duy nhất là vincom.com.vn, một fanpage chính thức và duy nhất là Vincom có dấu tích xanh (dấu xác nhận chính chủ của Facebook). Khách hàng chỉ nên nhận và gửi thông tin qua các kênh chính thống này, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không mua sản phẩm hoặc chuyển tiền cho các tổ chức, website, fanpage không rõ nguồn gốc”.
|
Nhiều trang Facebook check-in địa điểm là trung tâm thương mại lớn kèm hình ảnh dàn dựng, cắt ghép để quảng cáo bán sản phẩm dỏm |
Theo đại diện một trung tâm thương mại, tình trạng giả mạo fanpage, website quá phổ biến và các tổ chức sở hữu Google, Facebook vẫn chưa bảo vệ an toàn cho doanh nghiệp trên các nền tảng này. Khi phát hiện fanpage giả mạo, doanh nghiệp chỉ có thể làm thao tác báo cáo đối với từng trang giả cho Facebook, các bước báo cáo khá rườm rà, nhưng vừa báo cáo trang này thì trang giả mạo khác lại xuất hiện tiếp.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc phát triển Kaspersky Lab - đánh giá, Facebook, Google hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào cũng đều có bộ phận kiểm duyệt nội dung, có cả con người và trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ nhưng gần như không thể kiểm duyệt xuể bởi lượng người dùng quá đông, lượng thông tin đăng tải quá lớn.
Các đơn vị như Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, trực thuộc Bộ Công an) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đều có các phòng ban chuyên phòng, chống những hành vi lừa đảo như kể trên và đã triệt phá được nhiều ổ, nhóm tội phạm. Vừa qua, trang web chongluadao.vn cũng được vinh danh. Nhưng các cơ quan trên cũng không thể theo dõi hết mọi vụ việc.
Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh, các hành vi lừa đảo trên không gian mạng rất nhiều, biến tướng theo rất nhiều hình thức, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của rất nhiều bên, gồm đơn vị cung cấp nền tảng, đơn vị bị mạo danh và người dùng. Kinh doanh trên nền tảng công nghệ là mô hình kinh doanh mới nhưng các luật vẫn chưa có quy định liên quan. “Cách tốt nhất là cần nâng cao nhận thức của công dân về quyền riêng tư, bảo mật, về lừa đảo trên không gian mạng. Hiện nay, chúng ta đang rất yếu về công tác này” - ông nói.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena - cho biết, mỗi tháng, Athena nhận được hàng chục đơn nhờ hỗ trợ xử lý tình trạng bị mạo danh trên Facebook. Thoạt nhìn, sẽ rất khó phân biệt fanpage thật với fanpage giả mạo bởi hiện nay, có cả dịch vụ “hỗ trợ tích xanh”. Đã có trường hợp Facebook cấp dấu tích xanh cho tài khoản giả mạo một tỉ phú thế giới để lừa đảo. Các doanh nghiệp sở hữu fanpage chính chủ phải lên tiếng cảnh báo thường xuyên, công bố thông tin về đường dẫn trang của mình.
Ông Võ Đỗ Thắng cũng nhận định, điều quan trọng nhất là người dân phải tự cảnh giác, bảo vệ mình, kiểm tra xem các trang web được dẫn link có phải là website chính thống của doanh nghiệp, của nhãn hàng thật hay không trước khi quyết định đặt mua hàng. Song song đó, Chính phủ cần chỉ đạo soạn và đưa chương trình giáo dục an toàn thông tin, an ninh mạng vào trường học giống như chương trình giáo dục an toàn giao thông.
Hiện nay, nhiều ngân hàng, hãng hàng không, tổ chức nhà nước, tổ chức tôn giáo cũng bị giả mạo website, fanpage. Các website giả mạo này có thiết kế, logo, màu sắc, đăng thông tin, dịch vụ giống hệt các website chính thống, thậm chí còn đăng thông tin cảnh báo về lừa đảo… khiến người truy cập dễ bị nhầm lẫn. Để xử lý tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả, ra mắt đầu số tiếp nhận tin giả 18008108.
Không khó để người tiêu dùng có thể kiểm tra, phát hiện các sản phẩm giả, nhái. Hầu hết hàng chính hãng đều có website, tài khoản mạng xã hội… chính chủ. Giá bán, sản phẩm khuyến mại, giảm giá… đều được công khai. Người mua chỉ cần đối chiếu thông tin sản phẩm, giá bán có thể biết hàng thật hay giả. Chẳng hạn, son dưỡng môi Dior Addict Lip Glow bảng màu từ 001-004 đang được rao bán tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử với giá chỉ 157.000-565.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, giá sản phẩm này ở cửa hàng Dior (tại trung tâm thương mại Vincom) là 40 USD/sản phẩm, tương đương khoảng 944.400 đồng/sản phẩm. Một số dòng Dior Addict Lip Glow có giá khoảng 135 USD/sản phẩm, tương đương khoảng 3,1 triệu đồng. Đây là mức giá được nhà sản xuất áp dụng toàn thị trường, không riêng Việt Nam. Tại các trang thương mại điện tử nước ngoài như Ebay, Amazon, Sephora (chuỗi cửa hàng mỹ phẩm của Pháp tại các nước trên thế giới)..., giá son được niêm yết cao hơn giá của nhà sản xuất từ 7-50 USD (tùy dòng bình dân hay cao cấp) do có cộng thêm phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), mỗi năm đơn vị này phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu giả mạo thương hiệu nổi tiếng như Dior, Le Labo, Chanel, Lancôme, Versace, GiorGio… Các sản phẩm này đều được bán trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook. |
Thanh Hoa