Râm ran mùa sửa sang

30/01/2024 - 06:18

PNO - Sự thân tình, rộn rã của phố trong những ngày này giúp tôi cảm nhận được sự ấm áp như đang sống ở quê.

Nắng lên, sau một vòng chạy chợ, mẹ chồng tôi mang về mấy lon sơn nhỏ. Chẳng nói gì, mẹ để vào góc sân rồi đi tiếp. Càng đến sát tết, mật độ đi lại, mua sắm của mẹ càng nhiều. Cảm giác sẽ còn lâu mới gom đủ những thứ cần dùng.

Qua hơn nửa buổi, mẹ trở về. Lúc lỉu bên hông xe nào thịt, cá, rau củ và cả mấy lọ keo, loại dùng để pha với sơn. Chẳng cần bàn bạc, giao nhiệm vụ rình rang, chồng tôi thấy mẹ mang sơn về liền xắn tay áo, sửa soạn vôi ve.

Bằng những lưỡi cạo tự chế đơn giản, anh bắt đầu loại bỏ dần những vết lở, rêu bám trên tường. Vì thiết kế theo kiểu sân vườn truyền thống của người Huế nên ngoài căn nhà chính 3 gian, phía sân trước nhà tôi còn có các công trình phụ như bức bình phong, hòn non bộ, hồ cạn với những chú cá đang bơi lội tung tăng. Những mảng tường vôi năm ngoái được sơn đồng bộ màu vàng tươi, giờ đã đến lúc “thay áo” cho sáng sủa.

Chồng tác giả đang sơn lại cổng nhà
Chồng tác giả đang sơn lại cổng nhà

Những ngày chỉnh trang nhà cửa, thời gian như đảo lộn, lúc chậm lúc nhanh. Chẳng nề hà, mỗi người tự chia việc. Bữa sáng sẽ được đẩy lên thật sớm, còn bữa trưa có khi lùi lại đến chiều. Lúc nào ngớt việc, mọi người mới tính chuyện ăn tạm thứ gì đó cho xong. Người trong nhà bận rộn, hàng xóm cũng “ra quân” nhộn nhịp.

Khác với việc xây nhà hệ trọng cả đời người, chỉnh trang nhà cửa mùa tết là truyền thống. Nhà có điều kiện thì sửa nhiều, sửa đẹp; nhà khó khăn, eo hẹp thì cũng “tống cựu” bằng những thủ tục đơn giản như quét vôi ve… 

Vì không khoan, cắt ầm ĩ, không đổ cát, xúc đất, lấn chiếm lòng lề đường, mùa sửa nhà dịp tết diễn ra đồng loạt và nhận được sự hân hoan, ưu ái của mọi người. Thấy hàng xóm sau 1 năm dài khó khăn vẫn rộn ràng sửa sang, bổ sung cái mới, nhà mình cũng vui lây. Người này xách xô sơn ra cổng gặp người khác đang sắp lại mấy chậu cảnh dọc lối đi, ngó sang, trông về, không khí đón xuân khiến ai cũng nô nức, muốn hỏi han, trò chuyện - những câu chuyện về sức khỏe, về công việc mà cả năm vì mưu sinh bận rộn nên chưa có dịp mở lời.

Tôi nói với chồng, dù phải xa quê, tôi vẫn rất thích mùa tết. Sự thân tình, rộn rã của phố trong những ngày này giúp tôi cảm nhận được sự ấm áp như đang sống ở quê. Vì ngăn sông, cách chợ, nên làng tôi trước đây thường hùn nhau làm bánh, chia nếp, chia thịt, mổ heo chung.

Ảnh mang tính minh họa - Valuavitaly
Ảnh mang tính minh họa - Valuavitaly

Cứ qua rằm tháng Chạp, mấy nhà trong xóm thường ngồi lại bàn chuyện ăn tết. Nhà ai có gì góp nấy, sau đó các vật phẩm sẽ được tính toán để đắp đổi, chia đều. Ngày nay, đường sá mở mang, cầu xây lên nối nhịp, việc “chung chi” như ngày trước đã dần vắng bóng, nhưng không khí náo nức, đoàn kết trước thềm mùa xuân vẫn không thay đổi. “No dồn, đói góp”, nhà nào có người bệnh, thất bát chuyện làm ăn vẫn được xóm làng, tình thân dành cho sự chia sẻ, cưu mang. 

Những sắc màu vàng, đỏ dần in dấu tinh tươm, phố vẫn râm ran cắt ngang dòng suy tưởng. Từ nay cho đến hết tết, khi những vệt sơn đã khô đi, nhà ai đã ngăn nắp nhà nấy thì tôi biết, mọi người vẫn niềm nở muốn được đi ra đường chia sẻ, nói cười nhiều hơn.

Mùa tết mà, đôi khi, việc sửa soạn chỉ là bước đệm, cái cớ cho những râm ran. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI