Ngày nay, khán giả hầu như quen thuộc với Tom Cruise trong hình tượng hành động nam tính, như trong loạt phim Mission Impossible hay Top Gun. Thế nhưng, tài tử hạng A Hollywood cũng từng ghi dấu với các vai diễn tâm lý ở những phim như A Few Good Men (1992) hay Eyes Wide Shut (1999).
Một trong những tác phẩm ghi dấu ấn lớn của anh là Rain Man (1988), đóng cùng Dustin Hoffman. Bộ phim của đạo diễn Barry Levinson nhận nhiều sự tán dương bởi câu chuyện cảm động và cách xây dựng nhân vật người tự kỷ. Ra mắt ở liên hoan phim Berlin (Đức), Rain Man giành giải cao nhất là Gấu Vàng. Ở giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ, tác phẩm cũng thắng Oscar ở hạng mục Phim xuất sắc. Cho đến nay, Rain Man vẫn là phim duy nhất đoạt giải cao nhất ở cả liên hoan phim Berlin và Oscar.
|
Tom Cruise (phải) và Dustin Hoffman trong phim |
Hành trình của 2 người thân xa lạ
Tom Cruise hóa thân Charlie Babbitt, một người chuyên nhập xe để bán lại. Một phi vụ của Charlie gặp trục trặc khi những chiếc xe anh phải giao đến tay người mua đang bị giữ lại bởi không đạt các bài kiểm tra. Charlie phải “hoãn binh” bằng cách nói dối khách hàng, đồng thời tìm cách xoay xở. Đứng trước rủi ro lớn, anh đang cần rất nhiều tiền để vượt qua tình thế đó.
Đúng lúc này, Charlie hay tin cha mình qua đời và để lại gia sản lớn. Trong nhiều năm, 2 cha con bất hòa và Charlie đã không gặp ông từ khi bỏ nhà ra đi. Sau cái chết của ông, anh hy vọng nhận được khoản tiền lớn để giải quyết khó khăn của mình. Vậy nhưng khi đến nơi, Charlie biết anh chỉ được thừa kế 1 chiếc xe mui trần Buick Roadmaster cổ điển cùng vài bụi hoa hồng. Theo di chúc, số tiền 3 triệu USD của cha anh sẽ được chuyển cho 1 người được ủy thác giấu tên.
Charlie phát hiện người sẽ nhận tiền là Raymond (Dustin Hoffman), người anh trai mà cả đời anh không biết đến sự tồn tại. Raymond mắc hội chứng tự kỷ và thiên tài, giao tiếp theo cách khác thường. Charlie quyết định cố gắng giành quyền giám hộ anh trai để có thể kiểm soát số tiền.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, anh phải đưa Raymond về thành phố Los Angeles, trong khi người đàn ông tự kỷ này lại không chịu đi máy bay. Thế là anh phải chở Raymond bằng xe hơi trên 1 chuyến hành trình dài và chịu đựng những thói quen kỳ lạ của anh trai. Chính chặng đường này lại mở ra sự gắn kết giữa 2 anh em tưởng chừng cực kỳ khác biệt.
|
Charlie trải qua hành trình dài để thấu hiểu anh mình |
Rain Man có phần kịch bản được xem là kinh điển đối với dòng phim tâm lý gia đình Hollywood thời điểm đó. Đường dây chính của phim dựa trên sự tương phản lớn giữa 2 anh em Charlie và Raymond. Charlie là con buôn chính hiệu, mê tiền bạc và sự thành đạt, có lối sống thực dụng, thậm chí sẵn sàng lừa dối để đạt mục đích. Dưới mắt anh, Raymond là một gã điên hay làm những điều ngớ ngẩn, chỉ sống trong thế giới riêng của mình. Người anh trai này giống như cục nợ và chỉ có duy nhất 1 giá trị với Charlie: khoản tiền thừa kế mà anh ta đang muốn chiếm lấy.
Trong khi đó, Raymond có lối cư xử thật kỳ lạ. Anh sống theo thời gian biểu cứng nhắc, phải đi ngủ lúc 11 giờ, chỉ mặc đồ mua ở K-Mart, hay bị hoảng loạn trước tiếng động lớn và sợ đi máy bay. Tuy nhiên, khi câu chuyện dần mở ra, khán giả biết được Raymond có tài trong việc ghi nhớ các chi tiết và con số đồng thời có khả năng tính nhẩm siêu phàm.
Trailer phim Rain main:
Bức tượng vàng Oscar được yêu mến nhất thế giới
Rain Man là bộ phim cực kỳ xúc động về tình cảm anh em, được thể hiện qua diễn xuất tuyệt vời của Tom Cruise và Dustin Hoffman. Trên hành trình, Charlie càng lúc càng gắn bó với người anh của mình. Anh cũng phát hiện Raymond chính là Rain Man, người bạn từ thuở nhỏ từng chơi đùa cùng mình mà bấy lâu nay anh cứ nghĩ do mình tưởng tượng ra. Cốt truyện khéo léo lồng ghép 1 sự kiện năm xưa để kết nối các sự kiện và tô đậm thêm về chuyển biến tâm lý của Charlie.
2 nhà biên kịch Barry Morrow và Ronald Bass đã khéo léo phát triển tính cách nhân vật trên nền 1 bộ phim hành trình. Câu chuyện dẫn dắt người xem nhẹ nhàng qua các điểm nút để nhân vật tự ngộ ra những cảm xúc bên trong. Tác phẩm lấy nước mắt người xem mà không cần các tình tiết quá bi lụy hay sắp đặt quá đà. Tổng thể tác phẩm gần gũi với đời thực và còn cài cắm một số tình huống hài nhẹ nhàng. Bộ phim cũng có những ngã rẽ thú vị và hợp lý, như chuyện Charlie lợi dụng anh mình để tìm cách… thắng bạc ở Las Vegas.
|
Dustin Hoffman nhận tượng vàng Oscar nhờ vai diễn xuất thần |
Trên hết, bộ phim mang thông điệp về sự đoàn viên, tình yêu thương và chấp nhận sự khác biệt. Cuối phim, dù không đạt được mục đích ban đầu, Charlie lại có được “phần thưởng” là trở thành một người tốt hơn, biết quý mến người khác. Tấm di chúc của người cha dù vô tình hay cố ý đã trở thành tiền đề tuyệt vời để 2 người con của ông tìm đến và thấu hiểu nhau.
Tom Cruise có đầy đủ phẩm chất để thể hiện vai diễn Charlie. Khi đóng phim này, anh vẫn đang là 1 tài tử thuộc thế hệ trẻ của Hollywood, với gương mặt điển trai và những khao khát thể hiện mình rất giống nhân vật. Sau mâu thuẫn với cha năm xưa, Charlie đã bỏ nhà đi và quyết tâm trở thành người thành công mà chẳng cần sự giúp đỡ của gia đình.
Năm tháng dần trôi, trớ trêu là Charlie lại bị đẩy vào một thế khó mà muốn vượt qua, anh phải đối mặt với những ký ức thời thơ ấu. Sau tất cả, Charlie cũng là đứa trẻ bị tổn thương và mang những vết hằn đó đến lúc trưởng thành. Tom Cruise đã khéo léo diễn tả cả 2 mặt của nhân vật: sự kiêu ngạo, khó ưa lúc đầu phim, chỉ để dần hé lộ 1 trái tim cũng biết rung cảm, biết thương yêu về sau.
Tuy nhiên, Dustin Hoffman mới là người để lại dấu ấn lớn hơn trong vai Raymond. Từ dáng đi, cách lắc đầu đến những câu thoại ngắt quãng, Hoffman như đang không diễn mà thật sự trở thành một người đàn ông mắc chứng tự kỷ. Lối diễn của Hoffman duy trì được sự giản dị và không bị rơi vào cách thức “làm quá” mà một số diễn viên non tay hơn có thể sẽ mắc phải. Theo diễn biến câu chuyện, khán giả càng thêm cảm thông và yêu thích Raymond bởi sự chân thành và trái tim hướng thiện. Để nhập vai, Dustin Hoffman phải dành 1 năm để tìm kiếm các tài liệu và nghiên cứu về người tự kỷ. Ông được trao tượng vàng Oscar nam chính cho màn hóa thân đặc biệt nhất sự nghiệp này.
Rain Man ra đời vào thời điểm đang nở rộ các nghiên cứu về người tự kỷ. Ngoài chất lượng nghệ thuật, tác phẩm mang ý nghĩa xã hội: giúp công chúng quan tâm hơn đến hội chứng này. Tuy nhiên, bộ phim cũng nhận một số chỉ trích khi mô tả 1 nhân vật cùng mắc chứng tự kỷ và hội chứng thiên tài. Một số khán giả có thể hiểu lầm rằng người tự kỷ nào cũng có những khả năng đặc biệt như Raymond trong khi thực tế không phải vậy.
|
Kim Peek - hình mẫu của nhân vật trong phim |
Bộ phim cũng gắn liền với 1 câu chuyện cảm động ngoài đời thực. Để viết nên nhân vật Raymond, biên kịch Barry Morrow dựa trên nguyên mẫu là Kim Peek - một người Mỹ mắc hội chứng thiên tài, có trí nhớ siêu phàm nhưng gặp khó khăn khi giao tiếp. Sau khi thắng giải Oscar ở hạng mục biên kịch, Morrow đã trao tượng vàng cho Peek để mang theo trong những lần xuất hiện trước người khác.
Bức tượng không ngừng di chuyển đến nhiều nơi trên thế giới, được nhiều người chạm vào đến nỗi bong tróc lớp mạ vàng bên ngoài, thậm chí còn có vết móp do bị rơi. Đổi lại, nó được gọi là “bức tượng vàng Oscar được yêu mến nhất thế giới” bởi hành trình ý nghĩa và truyền cảm hứng.
Ân Nguyễn - Ảnh: Internet