Rác y khoa và bẫy truyền thuyết hoang đường

08/04/2019 - 06:31

PNO - Thông tin thiếu kiểm chứng, không có cơ sở khoa học tràn ngập mạng xã hội, khiến nhiều người chẳng thể nhận ra mình đang chìm trong bãi rác nguy hại.

Cách làm của “thần y” Ngô Đức Vượng - tùy tiện đưa ra kết luận bệnh, cung cấp công thức chữa trị mà không hề có bất cứ chứng cứ y khoa nào - có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Với cách gieo rắc thông tin đầy hoang mang, họ đã đẩy nhiều bệnh nhân đến bước đường cùng bằng những “truyền thuyết” hoang đường.

Niềm tin hoang đường

Vài tháng trước, tòa án Mỹ tuyên Robert Oldham Young án tù 3 năm 8 tháng, đồng thời buộc bồi thường 105 triệu USD cho bệnh nhân ung thư Dawn Kali. Dawn Kali bị ung thư vú và đã tin theo lời khuyên của Robert Oldham, uống nước kiềm điều chỉnh pH, rồi áp dụng “thực dưỡng chữa ung thư”. Hiện bệnh tình của Dawn Kali đang xuống dốc, ung thư đã di căn qua xương.

Rac y khoa va bay truyen thuyet hoang duong
Robert Oldham Young và một trong những quyển sách đình đám của mình

Những năm gần đây, Robert Oldham là hiện tượng ở Mỹ, nhờ một lý thuyết nghe tưởng rất có lý, nhưng lại là những lập luận sai trái về mặt khoa học. Robert Oldham Young từng viết cả chục quyển sách, cho rằng thực dưỡng, nước kiềm có khả năng chữa ung thư cũng như những căn bệnh nan y. Từ khi xuất hiện trên chương trình danh giá - The Oprah Winfrey, Robert Oldham nghiễm nhiên trở thành chuyên gia và không ít người răm rắp tin vào những điều y chia sẻ. Giống với luận điệu của những “thần y” khác trên mạng, Robert Oldham đả kích việc chữa trị ung thư bằng các liệu trình hóa trị, xạ trị.

Nhiều người tin rằng, để nước trong chai nhựa trong tủ lạnh hoặc để bình nước nhựa trong xe có hơi nóng sẽ sinh ra chất gây ung thư. Thông tin này từng xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản năm 2002 và sau đó bị gán là do Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đưa ra, khiến nhiều người hoang mang. Đại học Johns Hopkins và nhiều tổ chức uy tín khác đã phải nghiên cứu và sau đó lên tiếng phủ nhận nội dung trên, vì không tìm thấy bất cứ bằng chứng khoa học nào. Tuy nhiên, tin đồn đã lan xa và đến giờ vẫn còn nhiều người tin là thật.

Nghiên cứu "Thái độ và niềm tin về thông tin liên quan đến ung thư ở Anh", do Đại học Leeds thực hiện năm 2016, đã đưa ra những con số khiến nhiều nhà khoa học giật mình. Gần 42% người được hỏi nghĩ rằng, căng thẳng là yếu tố có thể gây ung thư. 26% cho rằng, sử dụng điện thoại di động có thể tăng nguy cơ mắc ung thư, bất chấp việc vào năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã phân tích những nghiên cứu về mối liên hệ giữa ung thư và việc sử dụng điện thoại di động và kết luận không có đủ bằng chứng cho thấy mối quan hệ nguyên nhân - hệ quả trong trường hợp này.

Từ năm 2000-2006, Tổ chức Y tế thế giới đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn trên 13 quốc gia và cũng không thấy được chứng cứ chứng minh việc dùng điện thoại di động hay wifi gây ra khối u não. Dù vậy, vẫn còn nhiều người tin, sóng điện thoại gây ung thư não, tạo ra tâm lý sợ hãi phi lý.

Một trong những “hiểu lầm” phổ biến hiện nay là cứ hóa chất thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Chuyên gia Katie Edmunds từ Cơ quan Nghiên cứu ung thư của Anh nói: “Trong thời đại thông tin giả tràn lan, có rất nhiều truyền thuyết mà mọi người không nên tin, như sử dụng chai nhựa hay xịt khử mùi thì gây ra ung thư”.

Cái chết oan uổng

Các chuyên gia từ Đại học London cho biết: “Việc mặc định một số nguyên nhân chưa được kiểm chứng bằng khoa học là nguyên nhân gây ra ung thư sẽ tạo nên phản ứng lo sợ trong cộng đồng. Hệ quả là người dân sẽ không tin những thông tin có kiểm chứng khoa học, có tính xác thực, mà dễ dãi nghe theo những nguồn tin “có vẻ đúng” mà thực ra là sai lệch để phòng bệnh, chữa bệnh”. Chuyện ăn chay hay sử dụng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ thường được “thần thánh hóa” là phương pháp chữa ung thư thần kỳ.

Rac y khoa va bay truyen thuyet hoang duong
Sylvia Kang từ giã cuộc đời, để lại những lời cảnh báo về ung thư

Nhà nghiên cứu Michelle McCully thuộc Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới cho biết: “Hiện không có chứng cứ xác đáng và đủ mạnh mẽ để ủng hộ ý tưởng dùng thực phẩm nguồn gốc hữu cơ có thể giúp tránh hoặc chữa trị ung thư”. Hiệp hội Đất trồng ở Anh cũng chia sẻ: “Lợi ích từ thực phẩm hữu cơ là có thật, nhưng nói nó giúp ngăn chặn ung thư là không có cơ sở. Niềm tin ấy từ lập luận xuôi tai, nhưng không mang tính khoa học”.

Một trường hợp nữ bệnh nhân ung thư vú, trước khi qua đời, đã để lại dòng thư nhắn nhủ người ở lại, khiến nhiều người phải suy ngẫm. Năm 2016, chị Sylvia Kang - một blogger nổi tiếng ở Brunei - đã từ giã cõi đời ở tuổi 29, sau thời gian chiến đấu với ung thư. Nếu chị tuân theo một phác đồ điều trị hợp lý và có quá trình chống chọi ung thư vú giai đoạn một bằng cách tỉnh táo hơn, có lẽ chị đã không phải ra đi oan nghiệt như thế. Những dòng thư cuối, Sylvia Kang khuyên bệnh nhân hãy hợp tác với bác sĩ và giữ lấy tinh thần lạc quan, lối sống tích cực thay vì chạy theo những liệu pháp detox (thải độc), ăn uống cân bằng pH…

Rác y khoa giờ đây không chỉ là rác thải từ bệnh viện hay các trung tâm y tế mà còn là những thông tin gây nhiễu, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI