Rác thải từ mua sắm trực tuyến gây áp lực lớn cho môi trường

18/12/2024 - 06:18

PNO - Mua sắm trực tuyến tạo ra nhiều rác thải bao bì hơn so với mua sắm truyền thống, nhiều món hàng được gia cố bao bì khi trả lại tiếp tục làm tăng lượng rác thải ra môi trường.

Quá nhiều rác thải từ bao bì

Mua sắm trực tuyến là vấn đề trăn trở đối với cô Jian Ai - một nhà thiết kế trang web và ứng dụng đang sống, làm việc tại TP Thượng Hải (Trung Quốc). Giống như hàng triệu người đồng trang lứa trên khắp đất nước thường tăng mua sắm trực tuyến vào dịp lễ cuối năm, cô gái 30 tuổi này tìm đến các trang web phổ biến như Taobao để chọn quà tặng, quần áo và phụ kiện.

Cô cố gắng tìm mua hàng từ những người bán có trách nhiệm với môi trường, sử dụng bao bì có thể phân hủy sinh học. Thế nhưng điều đó không dễ dàng vì có rất ít người bán hàng thân thiện với môi trường trên hầu hết các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Nhiều cửa hàng không phản hồi khi Jian Ai đưa ra các đề xuất nhằm giảm bao bì vận chuyển. Cô chia sẻ: “Tôi muốn sử dụng ít nhựa hơn nên nếu có thể, tôi sẽ chọn bao bì đơn giản nhất để giảm rác thải. Nhưng nhiều cửa hàng có xu hướng đóng gói sản phẩm vào bao bì quá to hoặc sử dụng nhiều vật liệu đệm”.

Hàng hóa  bán trực tuyến thường được đóng gói kỹ  đã tạo ra lượng rác thải rất lớn -  ẢNH: LU XIN (CNA)
Hàng hóa bán trực tuyến thường được đóng gói kỹ đã tạo ra lượng rác thải rất lớn - ẢNH: LU XIN (CNA)

Theo CleanHub - một công ty Đức chuyên cung cấp giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa - mua sắm trực tuyến có thể tạo ra lượng bao bì nhiều hơn 4,8 lần so với cách bán hàng truyền thống.

Mặt khác, số sản phẩm bị trả lại có thể góp phần tạo ra thêm chất thải bao bì, do một số nhà bán lẻ khuyến khích khách hàng “gia cố” kỹ gói hàng trước khi bàn giao cho đơn vị vận chuyển.

Theo báo cáo của CleanHub, trung bình 30% sản phẩm mua trực tuyến bị khách hàng từ chối nhận, tạo ra khoảng 24 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Thời trang nhanh góp phần vào tỉ lệ trả hàng rất cao của ngành thời trang với tỉ lệ trả lại trung bình là 32%. Một số nhà bán lẻ còn bỏ sản phẩm hoàn trả ở bãi rác thay vì tìm cách bán lại vì cách này tiết kiệm chi phí hơn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), khối lượng sản xuất bao bì giấy đã tăng 65% trong 2 thập niên qua, với hơn 3 tỉ cây xanh bị chặt mỗi năm để phục vụ làm bao bì. Đáng chú ý là các công ty bán hàng thường lựa chọn kích thước thùng chứa to hơn nhiều so với kích thước sản phẩm do tâm lý người tiêu dùng có phần coi trọng các sản phẩm được đựng trong thùng chứa lớn.

Cần giải pháp bền vững

Những người tiêu dùng trẻ như Jian Ai ngày càng hướng đến lối sống bền vững khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn. Các cuộc khảo sát ở Trung Quốc cho thấy: thế hệ Z (những người sinh từ 1997-2012) sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn “xanh”. Jian Ai cho biết cô sẽ chọn bao bì thân thiện với môi trường dù phải trả thêm tiền.

Đối với cô, đó chỉ đơn giản là “làm một chút gì đó trong cuộc sống hằng ngày vì môi trường”. Trung Quốc - quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới - đã đặt ra các mục tiêu lớn về việc giảm lượng khí thải các bon và đạt được mức trung hòa các bon vào năm 2060.

Các giải pháp bao gồm cấm sản xuất, buôn bán túi nhựa không phân hủy sinh học và một số sản phẩm nhựa khác trên toàn quốc vào năm 2025; triển khai các sáng kiến “​​xanh” như chương trình đổi đồ gia dụng, đồ điện tử, xây dựng các cộng đồng “không rác thải”…

Về phía doanh nghiệp, Amazon đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Hipli của Pháp - nổi tiếng với các giải pháp đóng gói thương mại điện tử có thể tái sử dụng - như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính bền vững. Bao bì của Hipli có thể tái sử dụng tới 100 lần, giúp giảm đáng kể lượng rác thải so với loại bìa cứng dùng 1 lần thông thường. Dự án thí điểm tại Pháp có thể dẫn đến việc triển khai rộng rãi giải pháp bao bì tái sử dụng trên khắp các thị trường của Amazon.

Theo Introspective Market Research - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Canada và Ấn Độ - thị trường bao bì giấy và nhựa phân hủy sinh học toàn cầu đã đạt giá trị 13,3 tỉ USD vào năm 2023 và đang tăng trưởng đáng kể, dự kiến ​​vượt mốc 31,6 tỉ USD vào năm 2032.

Linh La (theo CNA, Globe News Wire, Pack World, Packaging Europe)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI