Rác thải nhựa gia tăng do dịch COVID-19

03/05/2022 - 06:04

PNO - Dịch COVID-19 khiến các loại bịch ni-lông, hộp nhựa, ly nhựa được dùng nhiều hơn thông qua việc mua đồ ăn, thức uống, hàng hóa online. Giảm thiểu rác thải nhựa là một yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ môi trường sống.

Đồ nhựa dùng một lần “lên ngôi”

Bà Phạm Thị Thanh (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) cho biết, bà mở quán bán bún chả gần chục năm nay. Trước đây, quán phục vụ khách tại chỗ, họa hoằn lắm mới có người mua mang về. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, quán chỉ được phép bán mang về nên bà phải dùng rất nhiều ly nhựa, hộp nhựa, các loại túi ni-lông… để phục vụ khách hàng. 

“Thông thường, mỗi suất bún chả cần một ly nhựa đựng nước mắm, một túi ni-lông đựng bún, một túi đựng rau sống, một túi đựng thịt, hai túi đựng gia vị và một túi to để đựng toàn bộ số đồ trên. Tất cả các túi đều bằng ni-lông. Ngoài ra, còn có đũa, thìa dùng một lần” - bà Thanh vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc máy dập miệng ly mà quán này đầu tư trong năm 2021, để tránh nước mắm vương vãi khi giao hàng.

Theo khảo sát do WWF Việt Nam thực hiện ở TP.Hà Nội và TP.HCM, xu hướng tiêu dùng sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần tăng lên khi có dịch COVID-19 ẢNH: BẢO KHANG
Theo khảo sát do WWF Việt Nam thực hiện ở TP.Hà Nội và TPHCM, xu hướng tiêu dùng sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần tăng lên khi có dịch COVID-19 - Ảnh: Bảo Khang

Những ngày cao điểm, quán của bà Thanh bán khoảng 250-300 suất bún, ngày bình thường cũng khoảng 200 suất. Mỗi tháng, riêng tiền mua đồ nhựa dùng một lần cũng khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Thời gian gần đây, khi dịch COVID-19 lắng xuống, cuộc sống dần trở lại bình thường, khách ăn tại chỗ đông nhưng theo bà Thanh, vẫn còn khoảng 30% lượng khách mua về nhà hoặc công sở để ăn. “Giá cốc nhựa, bọc ni-lông không tăng nhưng lúc giãn cách, chúng tôi phải mua sớm, chứ để hết hàng mới gọi thì sẽ phải đợi lâu do lượng tiêu thụ quá lớn, chủ hàng vận đơn liên tục” - bà Thanh nói thêm.

Anh Nguyễn Hùng - chủ một quán cà phê ở phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội - cho hay lúc có dịch COVID-19, các sản phẩm nhựa dùng một lần như bịch ni-lông, cốc nhựa, ống hút… được dùng nhiều bởi chúng tiện cho việc vận chuyển. “Đến nay, nhiều khách hàng của chúng tôi ngồi tại quán vẫn yêu cầu dùng cốc nhựa (xài một lần) thay vì dùng cốc thủy tinh”, ông Hùng cho biết thêm.

Dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện đã qua giai đoạn cao điểm, số ca nhiễm giảm mạnh và các hoạt động thường ngày đang trở lại bình thường. Dù vậy, nhiều người vẫn giữ thói quen dùng đồ nhựa một lần. Chị Thùy Linh (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho hay, dù không còn e ngại dịch bệnh nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn chủ yếu gọi đồ ăn giao tận nơi. Các món đồ này được đóng trong các dụng cụ dùng một lần. Chị lý giải, các ứng dụng (app) gọi đồ ăn ngày càng nhiều, đi kèm với các chương trình khuyến mãi, ưu đãi nên việc đặt mua khá tiện lợi và rẻ. Thêm vào đó, các loại đồ xài một lần rất tiện, xài xong thì bỏ vào thùng rác, không cần phải rửa. 

Thách thức không nhỏ về môi trường 

Ông Tạ Anh Tuấn - Quản lý truyền thông chương trình Giảm nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam - đánh giá thói quen của người dân đã có một số thay đổi kể từ khi có dịch COVID-19: “Trong dịch vụ ăn uống, đại dịch đã phần nào thúc đẩy hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần như ly, hộp, khay, bịch ni-lông. Biện pháp giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu đặt mua thức ăn, đồ uống mang đi khiến lượng rác thải nhựa cũng tăng lên đáng kể”.

Các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần đang có xu hướng gia tăng sau dịch COVID-19 (trong ảnh: Nhiều hàng quán ở Hà Nội sử dụng hộp, ly nhựa để bán thức ăn và đồ uống cho khách) - Ảnh: Bảo Khang
Các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần đang có xu hướng gia tăng sau dịch COVID-19 (trong ảnh: Nhiều hàng quán ở Hà Nội sử dụng hộp, ly nhựa để bán thức ăn và đồ uống cho khách) - Ảnh: Bảo Khang

Theo một khảo sát do WWF Việt Nam thực hiện ở TP.Hà Nội và TPHCM năm 2020, có 44% xác nhận, việc tiêu dùng sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần tăng lên. Hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng xác nhận xu hướng tăng này. 49% người tiêu dùng khẳng định, họ mua sắm trực tuyến nhiều hơn; đặc biệt, ở nhóm có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, tỷ lệ này là 61%. 

Theo ông Tạ Anh Tuấn, dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, các hoạt động đang trở lại bình thường, nhưng một số người vẫn duy trì thói quen mua hàng online và dùng các sản phẩm nhựa xài một lần, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đó là do sự phát triển của thương mại điện tử trong lĩnh vực giao đồ ăn. Hầu hết các nhà hàng hiện nay đều mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, các sàn này thường xuyên có chương trình giảm giá thực phẩm, phí vận chuyển… 

Rác thải nhựa đang gia tăng mạnh, nhưng theo ông Tạ Anh Tuấn, chưa có nhiều người thực sự quan tâm tới vấn đề này. Theo một nghiên cứu do WWF Việt Nam và một số đơn vị phối hợp tổ chức ở chín tỉnh, thành phố về hành vi tiêu dùng đồ nhựa, chỉ có 2,3% số người được hỏi biết đến các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, 43% cho rằng trách nhiệm này thuộc về xã hội, chỉ có khoảng 22% cho rằng “chính tôi cần giảm thiểu rác thải nhựa”. Đặc biệt, 35% cho rằng, việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần là nhu cầu của xã hội nên khó thay đổi được.  

Ông Tạ Anh Tuấn cho hay, Việt Nam đã có các quy định pháp luật, chương trình nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, nhưng việc truyền thông về chúng còn nhiều hạn chế: “Truyền thông hiệu quả không chỉ là thông tin về các quy định, chương trình mà còn phải tổ chức thực hiện, làm gương, làm mẫu để đưa các quy định, chính sách thành hành động thực tiễn. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện mẫu ở các địa phương còn rất nhiều hạn chế”. 

Theo một báo cáo của WWF Việt Nam, các sản phẩm thân thiện môi trường chưa có nhiều “đất sống” là do sản phẩm dùng một lần tiện lợi hơn. Bao bì tự phân hủy chưa có nhiều trên thị trường, chưa tiện dụng, giá cao, khó cạnh tranh. Các loại hộp xốp làm bằng bã mía đựng cơm bị dính và thức ăn kém ngon; ly giấy không thể mang đi với số lượng lớn, không thể dập nắp, dễ bị đổ… Các chính sách về bảo vệ môi trường, giảm thiểu túi ni-lông, phát triển bao bì tự hủy chưa đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo được động lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Công nghệ sản xuất, xu hướng cải tiến quy trình, phương thức thu gom, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh rất e ngại khi phải tính thêm chi phí khi bán sản phẩm thân thiện với môi trường cho khách hàng. Theo khảo sát của WWF, có hơn 50% số người được hỏi cho rằng, việc tính thêm chi phí bao bì cho khách hàng là không phù hợp. Đây cũng là một rào cản khiến các sản phẩm “xanh” khó tiếp cận người tiêu dùng.

 

Minh Quang
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI