Rác thải “gặm nhấm” môi trường nước ở Thừa Thiên - Huế

30/11/2021 - 06:18

PNO - Rác thải đang ngập ngụa ở phá Tam Giang, bãi biển Thuận An và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Rác bẩn tràn lan bờ biển, đầm phá

Bãi biển Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) từng được vua Thiệu Trị xem là danh thắng thứ mười trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh. Nơi đây có vẻ đẹp yên bình, mộc mạc, thu hút du khách thập phương. Tuy nhiên, bãi biển này đang bị những người thiếu ý thức xả rác tràn lan.

Không chỉ Thuận An, những bãi biển khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang bị rác gây ô nhiễm.

Rác thải nhựa tràn ngập ở gần cầu Thuận An, TP.Huế
Rác thải nhựa tràn ngập ở gần cầu Thuận An, TP. Huế

Theo tiến sĩ Đường Văn Hiếu - Trưởng khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học, thuộc Đại học Huế - bãi biển xã Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tình trạng xả rác thải xuống biển Thuận An và Phú Thuận đã diễn ra nhiều năm nay. Người dân và du khách thường đưa rác đủ các loại - trong đó có cả thức ăn thừa - vứt ngổn ngang khiến khu vực này như bãi tập kết rác.

“Việc không có nhiều thùng rác cũng như biện pháp xử lý rác phù hợp khiến rác thải xuất hiện ngày càng nhiều. Đã có các đợt ra quân thu gom rác thải và tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường bờ biển, nhưng chưa mang lại hiệu quả” - tiến sĩ Đường Văn Hiếu nhận xét.

Tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, rác thải sinh hoạt như chai nhựa, túi ni lông, vỏ trái cây, bao tải bị vứt khắp nơi, nổi đầy trên mặt nước, có nơi chất thành đống. Người dân cho biết, rác thải xuất hiện ở đây khiến ruồi, nhặng sinh sôi nhiều vô kể. Những ngày mưa, mùi hôi thối bốc lên, bay thẳng vào khu dân cư khiến người dân luôn phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Mùa mưa, rác thải trôi lềnh bềnh trên khắp mặt phá.

Các đường làng, ngõ xóm ở xã Phú Mỹ, TP.Huế tràn ngập rác thải nhựa
Các đường làng, ngõ xóm ở xã Phú Mỹ, TP. Huế tràn ngập rác thải nhựa

Tình trạng xả rác bừa bãi đang gây ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến môi trường tự nhiên của phá Tam Giang. “Nước bị ô nhiễm nặng, nguồn thủy hải sản ngày càng ít đi. Mùi hôi thối khiến ai cũng phải bịt mũi, nhất là vào mùa nắng. Chúng tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này” - anh Nguyễn Trọng Hùng, ở xã Phú Thuận, nói.

Hàng trăm tấn rác nhựa trôi ra sông, biển

Theo đánh giá các chuyên gia dự án “Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, TP. Huế - bao gồm cả phần diện tích mở rộng - có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào cửa biển Thuận An và phá Tam Giang - đầm Cầu Hai. Khu vực này đã và đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng do các hoạt động xả thải trực tiếp trên sông Hương và các khu dân cư dọc theo hệ thống các sông.

Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở TP. Huế đạt 98% vào năm 2020 nhưng ô nhiễm rác thải nhựa vẫn nghiêm trọng ở một số lưu vực sông, hồ xung quanh Hoàng thành, các khu chợ ngoài trời, bãi biển… 

Theo UBND TP. Huế, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%. Khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở TP. Huế ước tính khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh.

Có 19 điểm nóng rác thải ở vùng TP. Huế vừa mở rộng, phân bố ở khu vực hạ lưu sông Hương và một phần phá Tam Giang thuộc phường Thuận An và xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Hằng năm, có 350 tấn rác thải nhựa thất thoát ở vùng trung tâm TP. Huế và 366 tấn rác thải nhựa thất thoát ở vùng TP. Huế mở rộng. 

Thanh niên tình nguyện dọn dẹp vệ sinh trên đầm Chuồn trong ngày Chủ nhật xanh
Thanh niên tình nguyện dọn dẹp vệ sinh trên đầm Chuồn trong ngày Chủ nhật xanh

Hiện nay, Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) và Công ty TNHH Hằng Trung là hai đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt ở TP. Huế, trong đó HEPCO thu gom, vận chuyển ở vùng trung tâm, còn Hằng Trung phụ trách thu gom, vận chuyển rác ở năm xã, phường mới sáp nhập từ huyện Phú Vang vào TP. Huế.

Theo khảo sát, đánh giá của nhóm nghiên cứu dự án “Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, có sự khác biệt khá lớn trong hệ thống thu gom, vận chuyển rác ở vùng Huế trung tâm và vùng Huế mở rộng. Có một lượng lớn rác thải không được thu gom hoặc xả trực tiếp vào cống rãnh, sông ngòi ở vùng Huế mở rộng.  

Ông Trần Song - Phó chủ tịch UBND TP. Huế - cho rằng, chất lượng dịch vụ và phương án thu gom rác thải phụ thuộc vào kinh phí đặt hàng: “Sang năm 2022, khi hợp đồng cũ kết thúc, UBND thành phố sẽ đánh giá lại, sau đó sẽ tính toán, có phương án trình Thành ủy, HĐND thành phố quyết định và tổ chức đấu giá công khai, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ tốt nhất cũng như có đơn giá hợp lý để thu gom, vận chuyển rác tốt hơn”. 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI