Rắc rối của Boeing có thể kéo dài đến năm 2021

03/07/2019 - 06:27

PNO - Dù hy vọng 737 Max có thể quay lại đường băng vào tháng Tám, nhưng một vấn đề khác đã xuất hiện trong quá trình thử nghiệm.

Boeing đã loại bỏ dòng máy bay 737 Max khỏi bầu trời từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng. Dù các chuyên gia hy vọng 737 Max có thể quay lại đường băng vào tháng Tám, hãng Boeing vừa đưa ra thông báo trì hoãn nỗ lực vì một vấn đề tiềm năng khác đã xuất hiện trong quá trình thử nghiệm. 

Ngay lập tức, ba hãng hàng không Mỹ: Southwest Airlines, United Airlines và American Airlines đồng loạt hủy các chuyến bay sử dụng 737 Max, dự kiến cho đến đầu tháng 9/2019.

Rac roi cua Boeing co the keo dai den nam 2021
Ngày quay trở lại bầu trời của những chiếc máy bay Boeing 737 Max vẫn còn là ẩn số

Một quan chức của Boeing xác nhận, công ty khó lòng gửi bản sửa lỗi phần mềm mới cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thử nghiệm cho đến ít nhất là đầu tháng Chín và chẳng cơ quan nào dám chắc chắn việc sửa chữa phần mềm sẽ giải quyết được các vấn đề của 737 Max.

Vấn đề mới phát sinh do lỗi của bộ vi xử lý, có thể đẩy mũi máy bay hướng xuống đất. Tuy chưa rõ liệu lỗi của bộ vi xử lý đóng vai trò gì trong hai sự cố rơi máy bay, đây vẫn là một rủi ro quá lớn mà hãng không thể bỏ qua. Nếu FAA yêu cầu bổ sung sửa chữa phần cứng máy bay bên cạnh sửa chữa phần mềm, điều đó có thể tiếp tục trì hoãn các chuyến bay 737 Max. Boeing cho biết, họ luôn đồng tình với mọi quyết định của FAA về các thay đổi khác; nhưng ngay cả khi chỉ cần sửa chữa phần mềm, sẽ mất vài tháng kiểm định trước khi FAA phê duyệt cho máy bay bay trở lại.

Nguy cơ chậm trễ xuất phát từ thực tế rằng, FAA và Boeing cần sự chấp thuận từ các nhà chức trách trên toàn thế giới để máy bay hoạt động trên không phận các nước. Hơn 80% trong số gần 400 máy bay 737 Max đã xuất xưởng thuộc sở hữu của nhiều hãng hàng không nước ngoài.

Ngoài rắc rối “bay hay không bay”, Boeing còn gặp rắc rối về xử lý hàng tồn kho và bảo hành. Kể từ tháng 3/2019, hãng vẫn tiếp tục chế tạo 737 Max theo hợp đồng, nhưng không thể giao hàng cho khách, cho đến khi sửa chữa hết các máy bay đã bán.
Jim Corridore - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu tài chính CFRA - cho biết, Boeing cần thời gian để sửa chữa, thử nghiệm và giao những chiếc máy bay đã sản xuất, khiến tiến độ kéo dài sang năm 2020. Trong khoảng thời gian đó, hãng gần như không có lợi nhuận.

Kết hợp cùng khoản bồi thường mà Boeing nợ các hãng hàng không về lệnh cấm bay và sự chậm trễ trong việc giao hàng cũng như chi phí sửa chữa, quy trình chứng nhận và bất kỳ thỏa thuận pháp lý nào với gia đình nạn nhân của các vụ tai nạn, khủng hoảng kinh tế mà “đại gia máy bay” nước Mỹ hứng chịu hoàn toàn không nhỏ. Ngoài ra, Boeing cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra mở rộng quanh các cáo buộc về lao động dưới chuẩn tại nhà máy sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner ở Nam Carolina.

Mặc khó khăn, Boeing đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với hầu hết các công ty hàng không đối mặt khủng hoảng. Cuối tháng 3/2019, hãng nắm giữ 7,7 tỷ USD tiền mặt trong tay và đã ngừng mua lại cổ phần nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Cổ phiếu của Boeing vẫn tăng 13% trong nửa đầu năm 2019. Dù các đơn đặt hàng máy bay thương mại mới gần như dừng lại, Boeing vẫn tiếp tục cung cấp các loại máy bay khác, theo các hợp đồng đã ký trong quá khứ. Ông Corridore nhận định: “Boeing phải vay nợ, thâm hụt dự trữ tiền mặt; miễn là các máy bay hoạt động trở lại, công ty rồi sẽ ổn. Nhưng liệu rắc rối sẽ chấm dứt vào năm 2020 hay kéo dài đến 2021 là điều khó đoán trước”. 

Từ khóa FAA737 MaxBoeing
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI