PNO - PNCN - Khi ly hôn, việc phân chia tài sản thường được nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên trên thực tế có nhiều vụ rất phức tạp, kéo dài. Khó...
edf40wrjww2tblPage:Content
“Ém” đồng nào hay đồng nấy
Trong một buổi trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), lúc chương trình vừa kết thúc, chị Thanh Hà (*) rón rén theo chân các luật sư thuộc Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 khi đoàn chuẩn bị ra về. Níu vai một nữ luật sư, chị ngượng ngùng kể: Vợ chồng chị đang làm thủ tục ly hôn, nhờ tòa chia tài sản. Biết chị có gửi tiết kiệm, chồng đòi chia phần. Cho đó là khoản tiền tích cóp riêng, chị không chấp nhận. Chồng lục tung cả nhà, lấy sổ tiết kiệm, giấy chứng minh nhân dân của chị và chứng nhận kết hôn, ra ngân hàng rút tiền, nhưng không được vì không phải là chủ tài khoản. Sau đó, chồng giấu giấy tờ của chị và lên tòa án bổ sung số tiền trong sổ tiết kiệm vào danh sách tài sản đã kê khai.
Chị nài nỉ: “Luật sư làm ơn chỉ tôi cách để giữ nguyên số tiền tiết kiệm gần hai trăm triệu này”. Luật sư giải thích, khoản tiền đó có được nhờ thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên phải kê khai đầy đủ vào khối tài sản chung. Chị đổi giọng: “Nhưng chia cho anh ta có đáng không? Anh ta kiếm tiền nhiều hơn tôi nhưng là người vô trách nhiệm với gia đình, suốt ngày ăn chơi đàn đúm, bạo hành vợ con. Nếu tôi không quản chặt hầu bao thì giờ này làm gì còn tài sản để mà chia với chác. Chia nhà đất đã là may phước với anh ta rồi. Tôi không tham lam, không muốn tranh giành, cả đời nhịn ăn nhịn mặc chỉ mong để dành chút gì cho con. Có tiền, anh ta sẽ nướng hết vào những cuộc chơi chứ làm gì đến phần các con mình. Với người đàn ông như thế, tôi ém lại được đồng nào hay đồng nấy mà không sợ tiếng xấu”. Phải mất khá nhiều thời gian, chị mới có thể tiếp nhận lời tư vấn của luật sư, thừa nhận công sức đóng góp của chồng vào khối tài sản chung, trong đó có tài khoản ngân hàng.
Thâu tóm
Chị Kim Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) ít quan tâm đến công việc làm ăn của chồng. Giỏi giang, năng động, quan hệ rộng, anh Nguyễn Hải, chồng chị kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, khi thì hùn hạp mở quán ăn, khi thì góp vốn vào dịch vụ mát xa, karaoke, khi lại “đánh” sang mảng tập thể hình… Anh chị sống ở nhà ba mẹ chồng, hai căn nhà mua được thì cho thuê, anh thu tiền hàng tháng. Khi cần vốn đầu tư, anh Hải đề nghị ký giấy bán nhà, chị Hồng không mảy may nghĩ ngợi.
12 năm chung sống, không có con, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần. Anh có vợ bé, con rơi. Từ chỗ lén lút, anh dần “chơi bài ngửa”: “Đàn ông phải năm thê bảy thiếp. Cô vô sinh, không biết thân biết phận còn đòi hỏi. Cô muốn sống êm ấm, sướng thân thì phải chấp nhận, còn không thì cứ tay trắng ra đi”. Không chịu nổi, chị Hồng nộp đơn ly hôn và nhờ tòa giải quyết vấn đề tài sản.
Của cải khá nhiều nhưng hiện chị Hồng chỉ “nắm” được mỗi cái nhà mua bốn năm sau ngày cưới. Nhà đang ở là của ba mẹ chồng, chị chỉ có thể chứng minh đã góp ít tiền sửa chữa. Chị phỏng đoán tiền vốn trong tay chồng không dưới hai tỷ đồng nhưng chẳng biết làm sao để chồng kê khai đầy đủ. Hỏi đến, chồng chị trả lời nhát gừng: “Làm ăn thua lỗ hết rồi. Bây giờ chỉ làm công ăn lương cho mấy thằng bạn”. Nhìn cách tiêu xài và thái độ của chồng, chị biết chồng đang giấu.
Suốt thời gian dài, chị Hồng loay hoay khổ sở thu thập manh mối tài sản. Chị quyết định kê khai tất cả những công ty, cơ sở, dịch vụ mà trước đây chồng từng nói có hùn vốn, gồm 11 nơi, “thà nhầm hơn bỏ sót”.
So với “của nổi” thì “của chìm” dễ tẩu tán hơn, nhất là khi mối quan tâm, hiểu biết về vợ/chồng đã lỏng lẻo trong giai đoạn tiền ly hôn. Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi. Kéo nhau ra tòa, nhiều người mới hối hận vì trước đây đã quá vô tư, không biết bạn đời đã lấy phần tài sản, thu nhập của gia đình để cho người khác mượn, gửi hoặc đầu tư nơi nào. Dù đó là tài sản chung của vợ chồng nhưng khi gửi tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phần… không cần khai báo tình trạng hôn nhân như khi mua bất động sản, dẫn đến chuyện một người toàn quyền giao dịch. Trường hợp đối phương không khách quan, trung thực khi kê khai tài sản, người còn lại phải chịu thiệt hay vẫn có cách để bắt những “hộp đen” mở miệng?
TÔ DIỆU HIỀN (*) Tên các nhân vật đã được thay đổi
NHỜ TÒA XÁC MINH TÀI SẢN KÊ KHAI
Khoản 1, điều 27, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 nêu rõ: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Có thể thấy tài sản chung được hình thành từ nhiều nguồn do vợ chồng cùng đóng góp. Nếu không minh bạch ngay từ đầu, đến khi trở thành một khối tài sản khổng lồ thì không thể kiểm soát được. Việc công khai minh bạch tài sản chung là điều cần thiết, thể hiện sự tôn trọng chứ không phải là thiếu tin tưởng nhau. Nếu các cặp vợ chồng cùng công khai thu nhập của mình, phân định rõ tiền nào đóng góp chung vào sinh hoạt hàng ngày, tiền cho con ăn học, đầu tư kinh doanh... thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình huống nghi ngờ lẫn nhau. Lỡ khi “cơm không lành, canh không ngọt”, các cặp vợ chồng sẽ ly hôn trong êm thấm, văn minh, lịch sự; thẩm phán giải quyết ly hôn cũng nhẹ nhàng vì tài sản rõ ràng cứ theo luật mà phân xử.
Vì những lý do nào đó không thể minh bạch tài sản trong hôn nhân, có thể khéo léo vận dụng những phương pháp nhẹ nhàng, tình cảm để nắm rõ công ăn việc làm của nhau, tự đưa ra những mức đóng góp vào sinh hoạt chung thì không quá khó để biết được hầu hết tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Ra tòa ly hôn, chia tài sản, nghĩa vụ chứng minh tài sản thuộc về các đương sự. Tuy nhiên, khi nghi ngờ đối phương đang che giấu tài khoản ngân hàng, phần góp vốn trong các công ty hay những khoản khác, vợ/chồng có thể nhờ tòa án xác minh để đưa tài sản đó vào khối tài sản chung và phân chia. Nếu có yêu cầu, tùy trường hợp, tòa án cân nhắc việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.