Rác phản chiếu trình độ phát triển

26/05/2022 - 06:08

PNO - Dự án cải tạo kênh Ba Bò - một công trình xử lý ô nhiễm ở khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương - thường xuyên phải dừng hoạt động sau khi đưa vào vận hành.

 

Rác phản chiếu trình độ phát triển 

 

Đó là do rác từ phía Bình Dương chảy về kênh Ba Bò quá nhiều nên đơn vị quản lý, vận hành dự án là Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM không thể bơm nước lên hồ để xử lý. Theo công ty này, khi thiết kế, các đơn vị liên quan đã không lường trước được lượng rác quá lớn dồn về kênh nên công trình không có hệ thống vớt rác đầu vào, khiến công tác vận hành gặp nhiều khó khăn, tốn kém. 

Tương tự, trạm bơm khổng lồ thuộc dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, cũng hoạt động khó khăn do không thể chắn, lọc hết lượng rác từ kênh chảy về. Vì vậy, mỗi năm, UBND TPHCM phải chi hàng tỷ đồng từ ngân sách cho công tác vớt rác trên tuyến kênh này.

Nước kênh Ba Bò ô nhiễm trở lại do nước thải chưa được xử lý
Nước kênh Ba Bò ô nhiễm trở lại do nước thải chưa được xử lý

Hồ nước cuối cùng của Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (H.Bình Chánh, TPHCM) cũng thường xuyên có vô số mảnh rác nhỏ. Đó là do rác trong đường cống thoát nước nhiều đến mức đã chảy qua hàng chục cây số, qua nhiều hệ thống chắn, lọc mà vẫn còn nhiều. Mỗi năm, ngân sách thành phố phải tốn cả trăm tỷ đồng cho công tác nạo vét cống.

Khi chạy xe trên đường phố, rất dễ bắt gặp cảnh trẻ em, người lớn vứt rác ra môi trường. Có những người ngồi trong xe hơi sang trọng cũng thản nhiên hạ kính, vứt ly nhựa xuống đường. Cảnh vứt rác phổ biến đến nỗi hầu như không ai phản ứng với nó.

Hiện nay, ở TPHCM, lượng rác phát sinh mỗi ngày trung bình khoảng 10.000 tấn, phần lớn cũng chỉ mới được xử lý bằng phương án chôn lấp hợp vệ sinh. Chính quyền thành phố đã cố gắng chuyển đổi công nghệ của các khu xử lý và các nhà máy xử lý rác để biến rác thành nhiên liệu phát điện, nhưng tiến độ vẫn còn chậm. 

Ở hầu hết khu đô thị của Việt Nam, rác thải chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Ở những vùng nông thôn đang đô thị hóa, rác sinh hoạt phát sinh rất nhiều nhưng chưa được thu gom, xử lý.

Dịp tết Nhâm Dần vừa rồi, trở về quê sau nhiều năm, tôi rất mừng khi thấy rác thải ở các gia đình trong thôn đã được thu gom, không còn bị vứt ra những khu đất trống như trước. Ấy nhưng, sau khi tìm hiểu, tôi mới biết, sau khi thu gom, rác được đưa lên một ngọn đồi xa khu dân cư để đốt lộ thiên, khói đen mù mịt. Đó là ví dụ điển hình cho tình trạng đang xảy ra phổ biến ở nước ta: Biến ô nhiễm từ dạng này sang dạng khác.

20 năm trước, khi mới đến TPHCM, tôi sửng sốt khi thấy nhiều tiệm hớt tóc gom cả đống lưỡi dao lam đã qua sử dụng vứt chung vào rác sinh hoạt, sau đó được đưa về các bãi chôn. Đến nay, lưỡi dao lam từ hàng ngàn tiệm hớt tóc ở TPHCM vẫn bị trộn chung như thế. Không chỉ vậy, do chưa được phân loại tại nguồn, trong rác thải sinh hoạt, vẫn còn trộn lẫn vô số loại chất thải độc hại, như pin từ thiết bị điện tử.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất thải rắn phát sinh có mối tương quan với sự phát triển kinh tế. Khi thu nhập của một quốc gia tăng lên, thành phần chất thải sẽ thay đổi, lượng rác được tái chế sẽ tăng lên. Ở những nước phát triển, chất thải được tái chế chiếm tỷ lệ cao, còn ở những nước chưa phát triển, chất thải tái chế chiếm tỷ lệ rất thấp. Những quốc gia có tỷ lệ rác thải chưa tái chế cao cũng đồng nghĩa với chi phí xử lý rác cao và tình trạng ô nhiễm còn nhiều.

Hình ảnh rác thải ngập ngụa khắp nơi, từ đường phố cho đến kênh rạch, không chỉ phản ánh hành vi kém văn minh mà còn cho thấy chặng đường để tiến đến tuần hoàn trong xử lý rác - tức biến rác thành tài nguyên - ở TPHCM nói riêng và ở Việt Nam còn ở rất xa nếu không có những quyết sách kịp thời. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI