PNO - Có thể thấy rác thải có mặt ở bất cứ đâu: không gian công cộng, địa điểm du lịch… Rất nhiều chương trình cùng nhau dọn rác, bảo vệ môi trường đã được phát động, thực hiện; nhưng tình trạng xả rác bừa bãi vẫn chưa được cải thiện trong cộng đồng.
Chị Ngọc Mai - chủ farmstay Bản Yên tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng - đã chia sẻ những hình ảnh đẹp: các thành viên tại farm, khi đến những điểm vui chơi, ngắm cảnh gần khu vực lưu trú, thường mang theo dụng cụ dọn, nhặt rác và đưa về đúng nơi quy định. Đây cũng là việc tốt mà nhiều nhóm du khách đã cùng thực hiện khi đến các khu du lịch cắm trại, dã ngoại, những nơi thiên nhiên còn hoang sơ. Một bộ phận cộng đồng vẫn đã và đang cố gắng tốt nhất trong khả năng của họ để góp tay làm sạch đẹp môi trường sống. Đó cũng là cách lan tỏa giá trị ý nghĩa, góp phần làm thay đổi nhận thức của số đông.
Các bạn trẻ TPHCM thu gom rác trong một hoạt động bảo vệ môi trường - Nguồn ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM
Tuy vậy, tình trạng chung bao lâu nay vẫn là nạn xả rác bừa bãi khắp nơi. Nơi nào càng đông người tham quan/vui chơi giải trí, nơi đó lại càng dễ trở thành “bãi rác công cộng”. Rác xuất hiện không chừa chốn nào: đường phố, chân cầu, dưới kênh, trên núi, bãi biển, thậm chí ở chốn tâm linh, nơi thờ tự… Thực tế đã cho thấy: sau các chương trình lễ hội hay các kỳ nghỉ lễ, không gian công cộng cũng như nhiều điểm du lịch đã tràn ngập rác thải. Đây là hình ảnh xấu xí mà báo đài, mạng xã hội, cộng đồng đã lên tiếng nhiều năm nay, thế mà vẫn chưa thể khắc phục, vẫn cứ tái diễn trước sự bức xúc của mọi người.
Những năm qua, rất nhiều tổ chức đã phát động các phong trào bảo vệ môi trường. Nhiều cá nhân tình nguyện dọn rác trên các dòng kênh, khu phố, bãi biển… Nhiều bạn trẻ dành ngày cuối tuần tham gia hoạt động dọn rác, làm sạch môi trường sống. Mạng xã hội cũng góp phần tạo sự cộng hưởng tích cực khi lan tỏa những phong trào, “thử thách dọn rác”, những chương trình “hành động vì môi trường xanh” thu hút nhiều người cùng tham gia. Không ít người nước ngoài cũng đã chủ động dọn/nhặt rác, góp phần làm sạch các dòng kênh… Nhưng người đi nhặt một thì người vô tư xả rác lại nhiều gấp mười, gấp trăm lần. Những nỗ lực làm xanh/sạch, bảo vệ môi trường sống của một bộ phận công dân có ý thức tốt cũng chỉ góp phần giải quyết phần ngọn. Điều cốt lõi nhất vẫn là sự nhận thức của mỗi người trong ứng xử văn hóa với môi trường sống.
Tự dọn rác của mình, có khó không?
Câu chuyện nhỏ từ khu du lịch Thủy Châu (Bình Dương): một thanh niên uống hết chai nước, tiện tay vứt vào bụi cây, người phụ nữ lớn tuổi đi ngang, nhắc nhở: “Thùng rác kìa cháu”. Chàng thanh niên thoáng chút ngại ngần và xấu hổ khi có nhiều người nhìn vào hành vi kém văn minh của mình. Rồi anh bẽn lẽn cúi nhặt lại chai nước mình vừa ném, mang đến bỏ vào thùng rác.
Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Điều 25 quy định, xử phạt hành vi xả rác trái quy định (với mức phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng).
Điều 26, khoản 1 có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình/cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Tuy nhiên, có vẻ việc xử phạt vẫn chưa nghiêm hoặc mức phạt chưa đủ sức răn đe. Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan. Trong thành phố, rất nhiều tuyến đường/bờ kênh/vỉa hè/gốc cây… trở thành “điểm tập kết” của các loại rác sinh hoạt - từ hộp giấy, chai nhựa, ống hút, vỏ lon bia/nước ngọt… đến mùng mền, bàn ghế cũ, “xà bần”, phế liệu…
Việc tiện đâu vứt đó dường như đã trở thành một thói quen: du khách làm xấu cảnh quan còn người dân góp phần làm ô nhiễm môi trường sống của chính mình. Nơi nào có ghi dòng chữ “cấm đổ rác” thì nơi đó lại dễ trở thành bãi rác. Nhiều trường hợp người dân gom rác nhà mình đùn đẩy qua nhà hàng xóm, rồi phát sinh cãi vã. Cũng không ít người xả rác bừa bãi, khi bị nhắc nhở, lại nổi cáu, sinh sự, không nhận ra đó là hành vi kém văn hóa.
Trên các tuyến đường, khu dân cư, điểm du lịch, không gian công cộng… đều có đặt thùng rác. Hành động “bỏ rác vào thùng” rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, rất nhiều người đã không chịu làm điều đó. Vì sao vậy? Những suy nghĩ kiểu “ai cũng vậy”, hay “mình không vứt thì người khác cũng vứt”, “sẽ có người dọn rác” được nhiều người nói ra thực chất chỉ là ngụy biện cho sự thiếu ý thức của mỗi cá nhân. Tình trạng “cha chung không ai khóc” càng khiến cho những bãi rác dễ dàng mọc lên bất chấp hậu quả.
Khi tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn tràn lan, sẽ rất khó để nói đến ý thức trong việc phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ trong cộng đồng; càng khó khăn gấp bội khi đề cập đến việc hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và các sinh vật biển.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn