|
Rác treo lơ lửng trên trụ điện đường Nguyễn Văn Quá, Q.12 |
Trên Quốc lộ 1A hướng từ H.Bình Chánh vào trung tâm thành phố, đập vào mắt người đi đường là những hàng cây xanh bị các tấm pa-nô quảng cáo, khẩu hiệu quấn kín. Từ hướng Quốc lộ 22 vào trung tâm thành phố, cây xanh cũng bị người dân dùng dù, bạt quây kín, làm nơi buôn bán.
Bà Trần Ngọc Hoa - ngụ tại đường Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp - rùng mình nhớ lại: “Ngày 6/7/2017, tôi đang chạy xe máy trên Quốc lộ 1A từ Q.Thủ Đức về Q.2 thì gặp gió mạnh, bị một mảnh pa-nô từ hai thân cây ven đường bay ra, quật vào mặt. Cũng may, lúc tôi té ngã, tài xế xe tải chạy phía sau đã kịp thắng xe. Nếu không, tôi đã chết vì bị rác bay vào mặt”.
Ở nội thành TP.HCM, cảnh nhếch nhác cũng không kém. Trên trục đường Lê Văn Sỹ hướng từ Q.3 đi Q.Phú Nhuận, đoạn gần đường rầy xe lửa, những bình nước, giẻ lau, chổi rơm… treo lủng lẳng ở nhiều gốc cây trông rất phản cảm. Nhiều gốc cây trên đường Hoàng Sa hướng từ Q.Tân Bình đến Q.3 còn bị những tấm băng-rôn cũ kỹ, tả tơi, bạc màu quấn chặt.
Bà Nguyễn Thị Phương - ngụ trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3 - lắc đầu: “Nhìn mấy gốc cây bị người ta đóng đinh để mắc đồ mà thương. Con gái tôi ở nước ngoài về, nhìn cảnh này cứ kêu trời. Nó hỏi sao không có cảnh sát môi trường bảo vệ cây xanh, tôi không biết giải thích sao. Người ta xả rác không đúng nơi quy định còn chưa bị xử phạt, huống gì phạt người treo ly cà phê nhựa ở gốc cây ven đường”.
Ngoài cây xanh, các vách tường, trụ điện, trạm biến áp… cũng bị rác xâm chiếm, bao vây. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, không ít cột điện bị chiếm dụng để buôn bán, kinh doanh. Người ta treo váy chống nắng, cột nệm, phơi mền để bán.
Ở góc ngã tư Lê Văn Sỹ - Hoàng Văn Thụ, P.2, Q.Tân Bình, chủ các tiệm tạp hóa cũng thản nhiên “trưng bày” hàng ngay cột điện bằng móc sắt, ổ khóa, dây ràng mà không biết đang gây nguy hiểm cho chính mình và
khách hàng.
|
Trụ điện thành nơi quảng cáo sản phẩm của các hộ kinh doanh tạp hóa trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình |
Thời gian qua, ngành điện lực TP.HCM đã nhiều lần khuyến cáo về mối nguy hiểm đối với hành vi vi phạm an toàn điện. Tuy nhiên, ngành điện lực lại không có chức năng xử phạt hành vi vi phạm này.
Chưa hết, tình trạng rác thải tràn ngập đường phố mặt cầu cũng đang trở nên rất phổ biến. Đơn cử như cầu dẫn từ cầu Nguyễn Tri Phương xuống đại lộ Võ Văn Kiệt, mặt cầu Chữ Y, cầu Chà Và hay một số cầu vượt khu vực Ngã tư hàng xanh, đường Điện Biên Phủ, rác chất thành đống hai bên thành cầu. Đặc biệt, tại những khu vực giáp ranh các quận 7 và 8, quận 7 và Bình Chánh hoặc quận 12 và Hóc Môn… rác tràn ngập trên các tuyến đường. Thậm chí, chất thành đống bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Lâm, người dân cư ngụ đường Phạm Hùng, P.5, Q.8 chia sẻ, tình trạng rác thải vứt bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đã tồn tại từ nhiều năm qua. Rất nhiều người dân, người buôn bán xe đẩy, thậm chí nhiều trường hợp có cả xe tải nhỏ chở rác và đổ bỏ ra lề đường, có những lúc họ đổ cả xe rác xuống cả kênh rạch. Họ thường lợi dụng lúc trời tối để vứt rác. Tuy nhiên, chưa thấy có lực lượng chức năng nào xử phạt những hành vi xả rác nơi công cộng này.
Một vị lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, những loại rác ở không trung này không thuộc phạm vi quản lý của công ty. Hiện theo quy định, công ty chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải xà bần, quét dọn và thu gom rác sinh hoạt (thuộc khu vực Q.Tân Phú và Q.Bình Tân). Ngoài ra, công ty đang chịu trách nhiệm thu gom rác (không quét dọn, chỉ thu gom từ điểm tập kết đến khu liên hiệp xử lý chất thải) tại một số quận, huyện.
Được biết, theo quy định, các đơn vị treo băng-rôn có trách nhiệm tự hạ xuống. Nếu không hạ, chính quyền xã, phường hoặc đơn vị thu gom rác sẽ tự thu gom. Từ năm 2015, UBND TP.HCM chính thức phát động chương trình Mỗi tuần 15 phút vì thành phố an toàn - văn minh - sạch đẹp.
Theo đó, mỗi tuần, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cấp khu phố, ấp, xã, phường đồng loạt ra quân tổng vệ sinh khu dân cư, tháo dỡ băng-rôn, tờ quảng cáo, xóa các số điện thoại trên vách tường… ở các nơi công cộng. Tuy nhiên, lực lượng thiện nguyện này quá mỏng, lại không có chức năng xử phạt, nên hết đợt tổng vệ sinh, rác lại xuất hiện như cũ.
Các luật, nghị định đã trao quyền xử phạt các hành vi vi phạm môi trường, vi phạm an toàn điện cho chính quyền cấp phường xã, quận huyện, nhưng không mấy khi họ thực thi quyền này, nên rác cứ tồn tại ở dạng này dạng khác, hành vi xả rác vẫn cứ ngang nhiên diễn ra.
|
Cây xanh bị quấn băng-rôn hơn 3 tháng qua trên đường Hoàng Sa, Q.3 |
Rác tràn ngập khu dân cư Bắc Rạch Chiếc
Cư dân sống tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM vô cùng bức xúc vì rác ngày càng ngập ngụa tại khu vực này. Trên đường Ven Sông chạy dọc theo bờ sông Rạch Chiếc, rác thải xây dựng lẫn với rác thải của các hộ buôn bán, rác sinh hoạt được đổ thành đống nối tiếp nhau.
Trên những con đường cắt ngang đường Ven Sông cũng tràn ngập rác. Cuối khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, rác hai bên đường số 10 và số 14 (P.Phước Bình) tràn ra cả lối đi. Trời mưa, nước rác theo nước mưa lênh láng khắp nơi; lúc trời nắng, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Trên đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn tiếp giáp giữa hai phường Phước Long A và Phước Long B (gần chung cư Hoa Anh Đào) cũng đầy rác. Rác được đổ xuống các hố nước ven đường, lâu ngày bị phân hủy, bốc mùi rất khó chịu.
Rất mong chính quyền các cấp ở Q.9 quan tâm, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực trên.
Phương Dung
|
30/8 là hạn chót nhận hồ sơ tham gia giải thưởng môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hạn chót để gửi hồ sơ tham gia Giải thưởng môi trường 2018 - một giải thưởng thường niên về môi trường của TP.HCM - là đến hết ngày 30/8.
Giải được xét tặng theo 6 nhóm lĩnh vực: quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào bảo vệ môi trường; phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hồ sơ tham gia giải thưởng nộp tại Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, 227 Đồng Khởi, P.Bến Nghé, Q.1, điện thoại: 028 3827 9669 - 13, fax: 028 3822 4551.
Đại Dương
|
Thăng Long