Ra toà

24/01/2021 - 15:46

PNO - Máu tự ái nổi lên, tôi nói: “Vậy thì tha tôi ra, cho tôi được tự do”. Ai ngờ cô ấy viết đơn ly hôn rồi ký cái rẹt. Tôi cũng ký luôn, không băn khoăn.

Vị thẩm phán phiên tòa nhìn về phía vợ chồng tôi. Với người có kinh nghiệm lâu năm trong những vụ xử ly hôn, ông thừa biết nguyên đơn và bị đơn vẫn còn chưa dứt tình với nhau.

"Tại sao anh chị xin ly hôn?". "Tại chúng tôi không hợp nhau về tính cách!" - vợ tôi ấp úng trả lời. "Còn anh?". "Dạ... bà xã tôi nói đúng ạ!".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vợ tôi nguýt tôi một cái rách đuôi con mắt. Ý muốn nói đã dắt nhau tới đây rồi mà còn “bà xã, ông xã” nỗi gì?

Vị thẩm phán cười cười. "Nguyên đơn có thể kể trước tòa những tính cách không hợp nhau của hai người không?". Tự dưng nước mắt vợ tôi chảy dài, sụt sịt. Rồi những lỗi lầm của chúng tôi được cả hai thay phiên nhau kể ra, lộn xộn.

Tôi khá siêng năng, có thể làm bất cứ việc gì ngoài công việc chính là kiếm tiền nuôi con, xây dựng cơ ngơi gia đình. Tôi làm hết mình từ việc công xưởng, nghề mộc cho tới việc nhà như giặt đồ, nấu cơm, rửa chén. Chỉ khi nào bạn bè chiến hữu hú đi "lầu cái lảm" (làm cái lẩu) mới cho phép mình tự do thoải mái vài tiếng đồng hồ. Bà xã tôi không biết quản lý kinh tế gia đình, nên tiền bạc giao hết cho chồng, khi nào chợ búa, mua sắm gì là kêu tôi móc bóp ra chi, không cần biết tiền trong nhà còn hay hết. 

Tôi là người ưa sạch sẽ, hở ra là cầm cây chổi quét ngược quét xuôi, rồi vừa dọn dẹp vừa làu bàu mắng bà xã hay bày biện.

Bà xã tôi rất yêu quý chồng con, có gì cũng nhường nhịn, vậy mà con nhỏ năm tuổi chỉ thích chơi với ba, không muốn gần mẹ. Bà xã tôi hay cáu gắt bất tử, bặm môi trợn mắt với con nên thằng nhỏ sợ. Đàn bà gì mà hung dữ, xấc xược cả với ba mẹ mình.

Mỗi lần cô ấy nói hỗn với ông bà ngoại là tôi lại rầy la, có lần suýt tặng cho một bạt tai nữa. Cô ấy thường nói với mấy bà bạn, rằng ông chồng cái gì cũng được hết, chỉ ghét tính gia trưởng, hay "chửi" vợ, và mỗi lần ăn nhậu thì quên luôn đường về. "Đàn ông gì mà tối ngày ôm cây chổi! Thấy ớn!".

Thì tôi không ôm chổi sao được, khi bà xã là chúa hay bừa bộn. Áo quần thay ra, thích đâu vứt đó, đồ lót dơ có khi ném ngay đầu giường nằm. Mỗi lần cô ấy lặt rau, mổ cá thì ôi thôi rác xả từ sàn nước vào bếp, từ bếp ra phòng khách, tôi thu dọn muốn xỉu.

Bà xã tôi có tật mê mua hàng online, nên mỗi khi mở máy ra là nghe tiếng léo nhéo quảng cáo đồng hồ, quần áo, giày dép. Cô ấy không quản lý tài chính nên không biết tiền còn hay hết, làm tôi nhiều lúc dở khóc dở mếu. Hàng đặt mua, người ta chuyển tới, cô ấy hí hửng mở ra coi, rồi quay qua bảo tôi: "Ba trả cho mẹ 250.000 đồng với".

Đó là những lúc trong bóp tôi còn tiền. Rất nhiều lần hàng giao tới mà tôi phải chạy qua hàng xóm mượn tiền về trả. Cũng có lần không mượn được đành phải hồi lại cho chủ hàng, bị họ gọi điện chửi tắt bếp. Một lần thấy cô ấy hí hoáy đăng ký mua ba chiếc quần mặc ở nhà, tôi bực quá, la: "Tiền còn đâu mà cứ đặt hàng hoài vậy? Mẹ muốn mua gì cũng phải hỏi ba xem tiền bạc ra sao chứ!". "Ủa! Tiền mẹ giao hết cho ba mà?". 

Giận quá, tôi nổi xung thiên: “Tôi giữ tiền chứ có được xài tiền đâu. Thứ đàn bà gì mà vô tâm vụng tính”. Bả cũng khùng lên: “Vậy sao còn sống chung làm chi? Ông tưởng mình ngon lắm hả? Tôi ớn mấy người đàn ông tính gia trưởng, hay càm ràm lắm rồi". Máu tự ái nổi lên, tôi nói: “Vậy thì tha tôi ra, cho tôi được tự do”. Ai ngờ cô ấy viết đơn ly hôn rồi ký cái rẹt. Tôi cũng ký luôn, không băn khoăn. 

...

Đó là chuyện của bốn năm trước. Hôm ấy, thấy cô ấy nước mắt ngắn dài, tôi bảo: "Thôi về với con! Ráng chịu đựng nhau vậy". Tới bây giờ, chúng tôi chấp nhận "sống chung với lũ", bởi ngoài cái dở, ai cũng có nhiều cái tốt cần cho nhau. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI