|
Người dân ở khu Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) không được chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, không được xây nhà mới, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chủ quyền nên nhà cửa nhếch nhác, xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Quang |
Phóng viên: Theo ông, tình trạng “treo” là do đâu?
Ông Huỳnh Xuân Thụ: Có một số nguyên nhân khách quan. Thứ nhất, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ. Có nhiều luật chi phối việc quy hoạch, lại không được xây dựng và ban hành cùng lúc và do nhiều cơ quan xây dựng. Dưới luật thì có nghị định, thông tư, rồi các địa phương lại có các quyết định nữa.
Thứ hai, mô hình lý luận trong công tác quy hoạch của Việt Nam vẫn nặng tính bao cấp, trong đó khẳng định vai trò lớn của Nhà nước. Nhưng chủ trương chung là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và đó mới là thành phần có nguồn lực vô cùng to lớn, quan trọng. Trên thực tế, thành phần nắm nguồn lực quan trọng đó lại tham gia không đến nơi đến chốn vào quá trình quy hoạch. Hệ thống pháp luật chưa tạo ra hành lang pháp lý cho họ. Về lý thuyết, quy hoạch chỉ chiếm 10% thành công, 90% còn lại thuộc về khâu tổ chức thực hiện. Nhưng giữa nội dung quy hoạch và nguồn lực thực hiện lại không khớp nhau, quy hoạch thế này, thực hiện thế khác.
Thứ ba, kinh tế, xã hội phát triển rất nhanh chóng, các dự báo dễ bị lạc hậu do cơ sở dữ liệu đô thị rất yếu, đầu tư cho công tác thống kê chưa được quan tâm đúng mức. Cái mà chúng ta thấy đang “treo” hôm nay là do quy hoạch của cách đây 10 năm, do số liệu của cách đây 20 năm. Các bài toán quy hoạch hiện không ước lượng được giá đất tăng nhanh, không ngân sách nào chịu nổi. Kế đến là quản lý vĩ mô về đất đai và tài chính yếu kém, biến đất đai thành “cờ bạc”. Ngành ngân hàng quản lý đầu tư hở, cho vay dễ dãi, định giá dễ dàng khiến nguồn lực tài chính quốc gia chảy qua đất. Cả hai đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho các địa phương, bộ, ngành trong việc thực thi.
Về nguyên nhân chủ quan, cũng do công tác quy hoạch lạc hậu nên “vẽ” nhiều mà thực hiện không được bao nhiêu. Lẽ ra, công tác quy hoạch và xác định nguồn lực phải song song nhau để thấy tính khả thi cao hay thấp. Một vấn đề cũng mang tính chủ quan là khâu tổ chức thực thi quy hoạch. Cách làm của tỉnh Bình Dương được đánh giá cao. Họ cho các tổng công ty nhà nước tập trung phát triển đất, không phát triển nhà, tức là tạo lập ra quỹ đất có quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao rồi đấu thầu, kêu gọi khu vực tư nhân phát triển sản phẩm còn lại. Như vậy, nếu như tổ chức thực thi tốt, sẽ giảm “treo” đáng kể.
Rồi còn việc rà soát quy hoạch. Luật ghi 5 năm phải rà soát 1 lần nhưng thực tế thì công tác này không được thực thi kịp thời, chưa tập trung vào những điểm nóng. Luật cũng đòi hỏi tiêu chuẩn, quy phạm trong ngành quy hoạch như phải bao nhiêu mét vuông cây xanh/người nên rà soát xong, thấy chưa đạt nhưng không biết gỡ cách nào.
“Hệ lụy lớn nhất của quy hoạch “treo” là làm mất thời cơ phát triển. Người dân, doanh nghiệp mất cơ hội chuyển đất đai thành nguồn lực tài chính, thành phố mất cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, kể cả cơ hội đầu tư công”. Ông Huỳnh Xuân Thụ |
Các quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong khu quy hoạch cũng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng. Chúng ta cũng chưa khai thác tốt quỹ đất công vào quy hoạch; nếu làm tốt, sẽ giảm đi những quy hoạch khó thực hiện.
* Ông nghĩ gì về việc thu hồi dự án ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1) hay các dự án “treo” mà Báo Phụ nữ TPHCM đã đề cập trong các số trước?
- Các dự án “treo” này đều ứng vào hầu hết nguyên nhân đã nêu trên. Tôi nghĩ, trong bối cảnh dân khó khăn, doanh nghiệp lao đao, quyết sách thu hồi dự án là hợp lòng các bên. Nhưng, quy hoạch và dự án là 2 vấn đề khác nhau. Trước mắt, chính quyền thành phố đã có những chỉ đạo liên quan đến phần dự án và chắc chắn sẽ nghiên cứu, chỉ đạo về vấn đề quy hoạch, bởi nội dung quy hoạch đối với khu vực đó cũng đã quá lâu rồi nên mức độ khả thi đã giảm nhiều.
* Như vậy, giải pháp đối với quy hoạch “treo”, dự án “treo” là gì, thưa ông?
- Phân tích các vấn đề khách quan, chủ quan như tôi đã nêu là một cách đưa ra giải pháp. Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, thể chế liên quan đến quy hoạch theo hướng đồng bộ, chẳng hạn đã sửa đổi 37 luật có liên quan đến điều khoản quy hoạch. Bên cạnh đó, theo tôi, cần đổi mới phương pháp làm quy hoạch. Những gì là chiến lược chính thì bất biến, còn cụ thể thì có thể linh hoạt.
* Xin cảm ơn ông.
|
Phần lớn bán đảo Thanh Đa trông hệt như một vùng quê với những con đường đất dài, rợp bóng cây và đầy cỏ dại - Ảnh: Nguyễn Quang |
Dùng thuế để hạn chế dự án “treo” Pháp luật về đất đai quy định, người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, mức bổ sung này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng bởi khả năng lợi nhuận thu được sau này thừa sức bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung. Do vậy, cần có sắc thuế đánh vào hành vi này với thuế suất cao, nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chống đầu cơ. Ngoài ra, đối với những trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất, cần cụ thể hóa các tiêu chí yêu cầu nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án phải có năng lực tài chính thật sự bằng báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán hằng năm. Đồng thời, cần có cơ chế cho chuyển nhượng dự án tự do bởi đa số dự án chậm triển khai là do chủ đầu tư không có năng lực về tài chính. Thực tế cho thấy, nhiều dự án bị dở dang, da beo, không thể triển khai thực hiện hoặc hoàn thành chủ yếu là do vướng ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, mà nguyên nhân chính là do chủ đầu tư dự án yếu kém năng lực, nhất là năng lực tài chính. Các dự án này làm nhếch nhác bộ mặt đô thị, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi, gây bức xúc trong xã hội. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Bích Trần (ghi) |
Quốc Ngọc (thực hiện)