Rà soát giá bán, phương thức thanh toán để phù hợp nhu cầu mua nhà ở thực

27/10/2023 - 21:47

PNO - Đó là ý kiến chỉ đạo các doanh nghiệp bất động sản của Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàn Quân tại toạ đàm “Triển vọng thị trường bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức chiều 27/10.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàn Quân cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, TPHCM đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Qua các số liệu trên cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Gần hai năm qua, thị trường bất động sản TPHCM không có nguồn cung nhà ở giá trung bình.
Gần hai năm qua, thị trường bất động sản TPHCM không có nguồn cung nhà ở giá trung bình.

“Thành phố đã nhận thấy những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ và Thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” - ông Quân nói.

Cũng theo ông Trần Hoàng Quân, thời gian tới, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, đề nghị HoREA nghiên cứu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản mở rộng không gian phát triển; nghiên cứu cơ chế phát triển đồng bộ thị trường vốn, xây dựng, lao động…

Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giảm bộ máy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo,... để tiết giảm chi phí hoạt động. 

Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác; tái cơ cấu sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp. Rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán,... phù hợp thực tế, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA chia sẻ, hiện nay các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đang được hoàn thiện, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ liên tục được ban hành.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nhìn chung kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi theo từng quý, tuy nhiên kinh tế thế giới còn nhiều biến động, do đó, kinh tế năm 2023 khó tăng trưởng cao. Trước bối cảnh kinh tế hiện nay thị trường bất động sản sẽ còn khó vì liên quan đến thị trường tài chính, tín dụng.

Trong khi đó, cái nghẽn của thị trường bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn. Hiện nay hai điểm nghẽn này đang xảy ra cùng lúc, thời gian qua đã có nhiều tháo gỡ về thể chế, còn điểm nghẽn về hấp thụ vốn, có thể thấy từ quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn về nguồn vốn, bên cạnh đó, cả năm qua lãi suất rất cao. Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang tháo gỡ, tôi dự báo sẽ có sự tích cực từ đây đến cuối năm và qua năm 2024. 

Tuy nhiên, kinh tế năm 2024 chưa hy vọng sẽ khởi sắc mạnh mẽ, nhưng sẽ tốt hơn năm 2023, còn thị trường bất động sản thì cần giải quyết vấn đề cung lẫn cầu. Vì thời gian qua, sản phẩm phục vụ cho đầu cơ quá nhiều, sản phẩm phẩm cao cấp thì chiếm tỷ lệ cao, còn sản phẩm phục vụ cho người nhu cầu thực thì quá ít. “Không phải ngẫu nhiên Chính phủ mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội, mà là để cung cầu gặp nhau, để phù hợp với người tiêu dùng”- ông Lịch chia sẻ thêm.

Bích Trần 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI