Ra sao, ngày mai?

12/04/2014 - 19:20

PNO - PN - Kết thúc việc dọn vệ sinh ở trạm y tế phường, bà Nguyễn Thị Thu tất tả về nhà (39/10 đường 102, tổ 6, KP.7, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM). Việc đầu tiên là bà điểm danh xem đủ các con không. Nếu thiếu, bà gọi giật chồng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chưa một ngày mẹ yên giấc

Vì tham gia hoạt động cách mạng, năm 1973 ông Chơi bị chính quyền Sài Gòn bắt, đày ra Côn Đảo. Sau năm 1975, ông trở về quê nhà ở huyện Thủ Đức (nay là Q.9, TP.HCM) cưới bà Thu. Con trai đầu (Lê Hồng Vũ) chào đời năm 1977, khỏe, chẳng có biểu hiện gì về bệnh thần kinh. Ông bà cứ “hai năm một” liên tục sinh thêm ba người con trai nữa là Lê Minh Châu (SN 1978), Lê Thanh Bình (1980), Lê Thanh Hải (1982). Khi các con còn nhỏ, đời sống kinh tế khó khăn, ông bà buộc phải gửi cả bốn cho một nhà trẻ để đi làm. Sáng đưa đàn con vào nhà trẻ, hai vợ chồng vào làm công nhân ở một công ty xây dựng, tối mịt mới rời công trường để đón các con. Với nhiều người, như vậy đã là cực, nhưng đó lại là quãng thời gian đẹp nhất trong đời sống hôn nhân của ông bà Chơi. Khi các con vào lớp 1, ông bà mới biết mình phải chịu một sự thật khủng khiếp.

Khi Hồng Vũ sáu tuổi, ông bà nhận thấy con có những biểu hiện không bình thường. Vũ không thể tiếp thu bài, ương ngạnh, chỉ đòi bỏ học. Người mẹ đáng thương đã cố gắng mỗi tối để giúp con theo kịp bạn bè, nhưng càng cố càng bất lực. Năm 11 tuổi, Vũ bỏ đi, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Bà Thu lại cất công đi tìm con. Có khi bà tìm được con sau vài tuần, có khi cả tháng trời vẫn tìm chưa ra. Vũ cứ đi lang thang, ai thuê gì làm nấy, không thích thì đi tiếp. Dăm ba tháng, bị “bắt về”, Vũ ở nhà được một thời gian lại bỏ đi.

Chưa quen được với căn bệnh của Vũ, ông bà lại phát hiện cả ba người con sau có vấn đề thần kinh còn nặng hơn. Cũng như anh mình, lần lượt vào lớp 1 là Châu, Bình, Hải bị cô giáo trả về vì không tiếp thu được bài. Càng ngày, bệnh càng trầm trọng. Các con đã không nghe lời, lại còn tìm mọi cách phá phách, khiến bà Thu phải bỏ việc để giữ con. Bà nghẹn ngào: “Người ta chăm con, hạnh phúc vì con mình ngày một lớn khôn, trong khi tôi nuôi con mà phải chứng kiến cảnh con càng lớn càng bệnh nặng, lòng cứ thắt lại”.

Khó kể hết những đêm dài bà mất ngủ để canh con. Con lên cơn, đập phá, la hét ầm ĩ giữa khuya là chuyện nhỏ, bà sợ nhất là trong giấc ngủ chập chờn, liếc nhìn thấy thiếu con...

Chỉ có Vũ là đỡ, có thể tự chăm sóc bản thân, ba người còn lại bị bệnh tâm thần khá nặng. Việc tắm rửa của các con phải nhờ đến bàn tay người cha, còn người mẹ lo đút cơm vì có bữa các con dở chứng không chịu ăn. Châu có thói quen bốn giờ sáng đã rời khỏi nhà. Nếu bị ngăn cấm, Châu đập phá cửa, đi cho bằng được. Thường thì sau khi lang thang, Châu biết tìm đường về nhà, nhưng có hôm cũng lạc đường, khiến cha mẹ phải đi tìm. Bình khá hung dữ, vừa đi lang thang vừa “thích” đập phá. Nhà đã nghèo, ông Chơi lại phải thường xuyên đền tiền cho những nhà bị Bình đập phá. Cũng có khi phát bệnh nặng, Bình còn vác dao rượt chém mẹ, bà Thu phải gọi chồng về ứng cứu.

Cuối năm 2008, Bình bỏ nhà đi. Hai ông bà đi tìm ròng rã vẫn bặt tăm. Lúc này, ông làm bảo vệ, bà làm nhân viên vệ sinh, rất nghèo. Ông đi vay nợ, đổ đầy bình xăng cho những người hàng xóm tốt bụng cùng mình đi tìm con nhưng không có kết quả. Tám tháng sau, trong một lần đi ngang Trại tâm thần Tam Hà (Q.Thủ Đức), linh tính của người mẹ đã mách bảo bà Thu tạt vào tìm con. Gặp mẹ, Bình nhe răng cười, trong khi mẹ khóc òa.

Ra sao, ngay mai?

Dù đã ngoài 30 tuổi, Thanh Hải vẫn phải nhờ mẹ lau mặt

Con càng bệnh, càng thương

Năm 2000, Vũ đòi cưới vợ. Ông bà khấp khởi hy vọng “lập gia đình, không chừng tính của Vũ thuần hơn”. Thế nhưng, những cuộc cãi vã, thậm chí đánh nhau vô cớ của vợ chồng Vũ khiến ông bà càng đau đầu hơn. Thương con, bà Thu cố năn nỉ con dâu chịu đựng, bắt Vũ hứa tu tỉnh làm ăn, nhưng chẳng ăn thua. Năm 2004, vợ của Vũ không may bị tai nạn giao thông, qua đời, Vũ cũng không chăm nổi đứa con gái, phải đưa về cho bà ngoại của bé nuôi.

Sau đó, Vũ lại đòi lấy vợ. Hai vợ chồng dọn về ở chung với ông bà. Thương con, bà vay tiền để mua xe nước mía, mở quán bán đồ ăn sáng cho con dâu có việc làm. Sau hai năm, bỗng có người đến đòi nợ, bà mới tá hỏa khi biết con dâu chơi đề, thiếu nợ chồng chất. Riêng Vũ vui thì ở nhà, buồn là "lặn" mất tăm. Người con dâu bỏ đi, để lại cho ông bà một khoản nợ không nhỏ. Ông Chơi thở dài: “Riêng Vũ, chẳng biết nghe ai xúi mà lên tiếng từ mặt cha mẹ, sợ sau này cha mẹ chết đi, phải cưu mang ba đứa em tâm thần”. Vũ biệt tích đã hai năm. Ông Chơi hờn: “Nó đi kệ nó, ở đâu ra có loại con dám từ cha mẹ? Cha mẹ thương không hết, chịu đắng cay cả đời vì con, mà con lại vô ơn như vậy”. Bà Thu đỡ lời: “Ông nói là nói vậy thôi, chứ con cái có ra sao, cha mẹ cũng thương. Vũ bị tâm thần nên mới như vậy. Con càng bệnh, cha mẹ càng thương hơn chứ”. Đã hai năm nay, cứ rảnh một chút là bà Thu lang thang khắp Sài Gòn để tìm con.

Những ngày này, cái nóng hầm hập của Sài Gòn khiến những người con tâm thần của ông bà càng phát bệnh nặng hơn. Ông Chơi khóa cửa để ba người con không thể ra ngoài gây họa, nhưng cánh cửa sắt đã bị đập gãy, đành chấp nhận phương án cho Châu và Bình ra ngoài, riêng Hải chịu nghe lời hơn, để ở nhà. Có hôm, hàng xóm đến báo Bình nằm ngất giữa đường dưới trời mưa. Riêng Châu thì có sở thích đi theo đám đông. Một lần, có xe tang đi ngang nhà, Châu đã đu theo xe và cuối cùng không biết đường về. Ông bà lại bỏ việc đi tìm con.

Lẽ thường, khi con bị tâm thần, cha mẹ phải đưa vào bệnh viện, nhưng ông bà không nỡ. Bà Thu gạt nước mắt: “Ngoài những lúc phát bệnh nặng, bình thường các con của tôi dễ thương lắm, đến giờ ăn là tập hợp về, ngồi ngay ngắn. Đôi lúc cũng biết nghe lời mẹ. Nuôi con mấy chục năm, bao nhiêu vất vả, chưa một lần con khiến mình vui, nhưng tôi không thể sống thiếu con”. Còn với người cha, dù nhiều lúc quá cơ cực, nghĩ con là “cục nợ” nhưng cũng không thể bỏ con.

Hiện, ba người con của ông bà được Nhà nước hỗ trợ 350.000đ/tháng/người. Ngoài việc dọn vệ sinh ở trạm y tế, bà Thu còn tranh thủ đi giúp việc nhà theo giờ. Ông Chơi làm bảo vệ theo giờ hành chính, nhiều năm nay còn làm tổ trưởng tổ dân phố. Ông tổ trưởng nhiệt tình, luôn quan tâm đến mọi người, nên được bà con trong khu phố giúp lại gia đình ông rất nhiều. Mỗi lần con ông đi lạc là nhiều người xung phong đi tìm cùng ông.

Người ta vẫn nói, con cái là tương lai của cha mẹ. Với người cha, người mẹ này, sẽ ra sao ngày mai?

 Trần Triều

Bài 7: "Chạy đua" với tử thần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI