Ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn tại TPHCM

06/09/2023 - 10:10

PNO - Ngày 6/9, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC). Trung tâm là sự kết hợp của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC).

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM - quyết định này giúp hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 2 ngành mũi nhọn của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Đây cũng là bước chuẩn bị trong công tác xúc tiến đầu tư vào công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, củng cố mục tiêu định vị Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.        

Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh: Anh Nhàn
Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh: Anh Nhàn

“Để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế sản phẩm và vi mạch. Để làm được điều này, chúng ta cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong nước, đồng thời thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại thung lũng Silicon” - ông Nguyễn Anh Thi nói.

Ông nhìn nhận kinh tế khi Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Đánh giá về ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đội ngũ tri thức, các nhà khoa học chính là nguồn tài nguyên vô giá. Bên cạnh việc thành lập trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn, việc trung tâm đẩy mạnh hợp tác tác với các trường ĐH uy tín chính là sự lựa chọn thông minh, góp phần tạo nên ngành công nghiệp vi mạch “made in Việt Nam". Đào tạo nhân lực không nằm ở số lượng đào tạo mà phải được tính toán dựa trên nguồn cung - cầu của thị trường. 

Anh Nhàn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI