Cuối tuần qua, buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay mang tên Không gì ngoài cơn mưa của tác giả trẻ Triều Dương (sinh năm 2001) với sự góp mặt của nhà văn Đức Anh (tác giả Nhân sinh kép, Đảo bạo bệnh,...) đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Dòng-chữ - một dự án văn chương trẻ hướng đến sự sáng tạo và thể nghiệm - tổ chức.
|
Tác giả Triều Dương (Ảnh: Ban Tổ chức) |
Nhắc đến văn chương trẻ, giới chuyên môn và một bộ phận không nhỏ độc giả vẫn luôn hoài nghi. Trước sự lên ngôi của mạng xã hội, văn hóa nghe - nhìn, những hình thức giải trí mới mẻ và tiện nghi..., liệu người trẻ có lãng quên văn chương khi đời sống quanh đây có vạn lời mời?
Tuy nhiên, với những ai tham dự buổi ra mắt sách, chắc chắn câu trả lời sẽ là: Không, người trẻ không hề quên văn chương. Người trẻ chỉ tiếp cận văn chương theo một cách khác.
Điều này được thể hiện ngay từ phần mở đầu chương trình, với phần đọc trích đoạn truyện Tái sinh theo lối biểu diễn sân khấu của hai diễn viên trẻ không chuyên. Dù dàn dựng còn đơn giản và đôi chỗ chưa trau chuốt, song màn trình diễn đã cho thấy một tư duy mới, một hướng đi mới trong cách Gen Z thưởng thức văn chương và đa dạng hóa những khả thể của sáng tạo.
|
Khán giả tham gia tọa đàm (Ảnh: Ban Tổ chức) |
Câu chuyện siêu thực của Tái sinh mang hơi hướng trinh thám, xoay quanh lời tường thuật của hai nhân vật: một viên thanh tra luôn đau đáu với vụ án giết người hàng loạt cách đây 10 năm, cùng một nạn nhân năm xưa vừa… sống lại.
Màn trình diễn làm nổi bật những thủ pháp lấy cảm hứng từ điện ảnh và văn học trinh thám được tác giả áp dụng, như unreliable narrator (người kể chuyện không đáng tin) hay cliffhanger (kết thúc bỏ ngỏ), đem lại không khí điện ảnh cho câu chuyện và chạm đến cảm xúc của khán giả.
Với Triều Dương, trích đoạn này cũng là cơ hội để cô dẫn dắt người đọc vào thế giới văn chương của mình. Tự nhận là một người chịu ảnh hưởng lớn từ điện ảnh - đặc biệt là những tác phẩm khám phá bản chất của cái ác và góc khuất trong tâm hồn con người, Triều Dương đã viết những truyện ngắn với nỗ lực đào sâu vào đề tài này, để thấy được “con người bên trong con người”.
Triều Dương cho rằng: “Dù rất khó để đi đến tận cùng bản chất của cái ác hay tâm lý, hành vi của con người, song tôi mong muốn phần nào chạm đến những góc khuất, những "gương mặt" chúng ta không để lộ ra với thế giới”.
Cùng với đó, khách mời - nhà văn Đức Anh cũng phát biểu: “Tôi đã đọc một số truyện ngắn của Triều Dương từ khi cô mới bắt đầu viết. Sáng tác của Dương nhìn nhận con người như những âm bản của chính họ - không phải trong cuộc sống thường ngày, mà trong những tình thế đặc biệt buộc con người đó phải bộc lộ những cảm xúc, suy tư đè nén và đưa ra lựa chọn”.
|
Sự kiện thu hút độc giả trẻ |
Khi được host Minh Tâm (đồng sáng lập Dòng-chữ) đặt câu hỏi liệu văn chương của mình có quá tập trung vào sự đen tối, tiêu cực hay không, tác giả Triều Dương đã trả lời rằng, dù xây dựng câu chuyện xoay quanh cái ác, nhưng cô luôn hướng độc giả đến với những điều đẹp đẽ như khát vọng tự do, lựa chọn sống với con người thật của mình bất chấp những chấn thương tinh thần và sự bất hòa với thế giới, với bản thân.
Nhan đề của tập truyện Không gì ngoài cơn mưa không nhắm đến sự u uất, buồn bã, mà thực chất là khoảnh khắc thăng hoa của tự do, của sự can đảm đối diện với những biến cố lớn trong đời.
Quay trở lại với câu chuyện sáng tạo nghệ thuật - văn chương của người trẻ, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa - khách mời của buổi ra mắt, nhận định: “Ngày nay, nhiều tác giả trẻ - không chỉ có thế hệ 9X mà còn là thế hệ 10X, đã đường hoàng công bố những sáng tác của mình trên mạng xã hội và tạo được dấu ấn riêng. Đây là điều chúng ta cần nhìn thấy và ghi nhận.
|
Nhà thơ - Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa phát biểu tại sự kiện |
Mặt khác, có sự tồn tại khoảng cách thế hệ trong sáng tác văn chương, dẫn đến việc người viết trẻ dễ bị nhìn nhận là thiếu vốn sống, hời hợt, xa rời thực tế. Tuy nhiên, là người hoạt động phê bình và luôn quan sát đời sống văn chương đương đại, tôi thấy điều này không đúng”.
Đồng tình với ý kiến trên, tác giả Triều Dương cho rằng, hiện tượng này không chỉ vì người trẻ ngày nay coi mạng xã hội là không gian để bộc lộ cá tính, tiếng nói riêng, mà còn xuất phát từ nhu cầu gây dựng, chăm sóc cho thế giới tinh thần ngày một bị bào mòn, chai sạn đi trước áp lực của việc kiếm tiền, và sống theo những kỳ vọng, tiêu chuẩn của xã hội.
Khép lại buổi giao lưu, Triều Dương nói: “Ngày nay, trong thời đại của văn hóa nghe - nhìn, một người viết văn gần như không thể có "địa vị", danh tiếng ngang với một ca sĩ hay diễn viên - trừ những trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Đứng trong bóng tối cũng không sao, vì có một chỗ đứng là tốt rồi. Nếu nghiêm túc theo đuổi văn chương, ta vẫn có thể tìm được ánh sáng của riêng mình”.
Thanh Phạm