Ra mắt sách 100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế

24/11/2024 - 16:16

PNO - Lễ giới thiệu ra mắt sách "100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) - Một góc nhìn" diễn ra vào sáng 24/11 tại Bảo tàng văn hóa Huế (TP Huế).

Tham dự buổi ra mắt có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; ông Phan Thiên Định - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, giảng viên, sinh viên, học sinh khoa Ngữ văn Trường đại học Huế đang sinh sống, học tập, sáng tác, làm việc tại Huế.

Đây là công trình chào mừng Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc- Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa cho các tác giả
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (thứ 3, từ trái sang) - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế - tặng hoa cho các tác giả

Sách 100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) - Một góc nhìn do nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong - Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐHKH Huế - làm chủ biên. Các tác giả tham gia biên soạn gồm: Ths. - nghiên cứu sinh Phạm Phú Uyên Châu, TS. Trần Thị Vân Dung, TS. Nguyễn Văn Hùng, TS. Phan Trọng Hoàng Linh, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương, TS. Lê Văn Thi thực hiện, NXB Thuận Hóa ấn hành.

Sách 100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)- Một góc nhìn do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành
100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) - Một góc nhìn do NXB Thuận Hóa ấn hành

Sách gồm 3 chương. Chương 1: Những năm đầu văn học quốc ngữ (1920-1945). Chương 2: Văn học hai cuộc kháng chiến (1945-1975). Chương 3: Văn học thời hòa bình, thống nhất và đổi mới (1975-2020). 2 phụ lục gồm, phụ lục 1: Văn học xứ Huế sau 1986 - thành tựu và đổi mới thể loại, phụ lục 2: Văn học xứ Huế, nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975).

Các đại biểu tham dự buổi ra mắt sách
Các đại biểu tham dự buổi ra mắt sách

Công trình đã ghi nhận những thành tựu 100 năm qua của văn học quốc ngữ xứ Huế, khởi đầu từ Đạm Phương Nữ sử rồi đến Lê Cương Phụng, Cung Giũ Nguyên, Đào Đăng Vỹ, Bửu Đình… cho đến sau này, qua các thời kỳ lịch sử đầy biến động của đất nước và của Huế.

Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong (thứ 2, từ trái sang) chụp hình kỷ niệm cùng người thân, học trò, đồng nghiệp

Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cho biết, khi dừng lại ở cột mốc năm 2020, các tác giả muốn nhìn lại tròn 100 năm văn học xứ Huế, mà chủ yếu là văn chương quốc ngữ (sau 1920 văn học Hán Nôm vẫn còn tồn tại với những sáng tác của Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi, Thượng Tân Thị, Nguyễn Đôn Du, Hòa thượng Bích Phong... nhưng dòng chảy đang cạn dần và đang trên đà tàn lụi), với mong mỏi hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại buổi lễ ra mắt, giới thiệu sách Sách 100 năm văn học Quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)- Một góc nhìn
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại sự kiện


“Tự lượng sức mình, chúng tôi chỉ giới hạn trong một góc nhìn có ý nghĩa khái quát, còn có quá nhiều hiện tượng, các sự kiện văn học, các tác giả tác phẩm, cũng như sự tác động liên tục, không ngừng và mạnh mẽ của dòng chảy văn học xứ Huế vào đời sống tinh thần, xã hội, mà do hạn chế về tầm nhìn, công trình này đã nỗ lực hết sức cũng chưa thể với tới một cách bao quát hết được. Chúng tôi mong có dịp quay lại vấn đề này và cũng xin mong chờ các đồng nghiệp, những nhà nghiên cứu có uy tín cùng hưởng ứng với tấm lòng ngưỡng vọng di sản văn học đồ sộ của xứ Huế” - nhà phê bình Phạm Phú Phong chia sẻ.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI