PNO - Đầu năm mới, sau lễ “hành thuyền” cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân vùng biển Cửa Lò lại ra khơi bắt đầu một mùa đánh bắt mới.
Đầu năm mới là thời điểm thời tiết thuận lợi, nhiều luồng cá vào gần bờ. Ngoài những thuyền lớn đánh bắt xa bờ thì ghe đi lộng (đánh bắt cách bờ khoảng 2 hải lý) cũng nhộn nhịp ra khơi.
Khi bình minh chưa lên, người dân đã ra đón đoàn đi lộng về, hòng bắt gặp những cá, tôm... còn tươi rói. |
Thuyền thúng rẽ sóng vào bờ, kết thúc một chuyến lộng đầu năm. Nghề đi lộng trước thường dành cho những ngư dân nghèo không có thuyền lớn, hoặc những lão ngư có tuổi đã mỏi gối chồn chân sau nhiều năm ăn sương uống gió, cũng là cái nôi cho những đứa trẻ miền biển chập chững vào nghề rẽ sóng mưu sinh. |
Để đi lộng, ngư dân ra khơi từ 4 giờ sáng bằng những chiếc thuyền thúng chèo tay mang theo các tay lưới ra vũng có các luồng cá, thả đến tay cuối thì quay lại kéo tay đầu lên và gỡ cá mang vào. |
Những con cá nhỏ còn bơi mạnh mẽ trong nước. Với người sành ăn, hải sản đi lộng được ưa chuộng hơn các loại cá tôm được đánh bắt xa bờ, dài ngày. |
Thành quả của chuyến đi lộng. Hải sản đi lộng thường là cua ghẹ hoặc các loại cá nhỏ như trích, kình, nục… |
Tuy là cá nhỏ nhưng rất tươi ngon và được ưa chuộng. Từ sáng sớm đã có rất nhiều người chờ đón tại bờ biển để mua, ai chậm chân là không còn. |
Thu nhập cho mỗi thuyền ít thì một triệu đồng, nhiều thì năm, bảy triệu... nên hầu hết các thuyền thúng hiện nay đều được gắn máy thay vì chèo tay như trước đây. Mặc dù vậy, nghề lộng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi các luồng nước lạnh về thì cá tôm cũng đi mất. Theo các ngư dân, mỗi đợt đánh bắt như vậy chỉ kéo dài được tầm 7 ngày. |
Nguyễn Hoàng Tuấn
Chia sẻ bài viết: |