PNO - Sau một ngày “tung hoành”, các cô cậu lớp 8 thu hoạch được… làn da sạm nắng, những trận cười banh bụng về chuyện “mình nói khách không hiểu và khách nói mình cũng không hiểu”.
Có một thực tế mà ai cũng biết, sau 10 năm học tiếng Anh ở trường phổ thông, tỷ lệ học sinh (HS) “mù” ngoại ngữ vẫn rất cao. Thay vì loay hoay trong sách vở, một số trường đã quẳng HS ra phố, vào chợ để học thứ tiếng Anh của đời sống.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn tập dượt tiếng Anh tại Bưu điện TP.HCM
“Nơi chúng ta đang đứng là Bưu điện TP.HCM…”
“The place where we are standing is the Ho Chi Minh City Post Office, one of the typical architecture of the city was built by the French from 1886-1891. European-style architecture combined with Asian décor” (Nơi chúng ta đang đứng là Bưu điện TP.HCM, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP được người Pháp xây dựng từ 1886-1891. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á) - một HS lớp 8A4 của trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) tự tin làm “hướng dẫn viên” thuyết minh với bạn học và du khách về công trình Bưu điện TP.HCM.
Những thông tin về lịch sử, kiến trúc và hoạt động của Bưu điện TP được nhóm “hướng dẫn viên” truyền tải một cách cặn kẽ, tự tin bằng tiếng Anh trôi chảy. Sự thuần thục, tự tin của các em khiến không ai có thể nghĩ những hướng dẫn viên nhí này đang trong một tiết học. Xem cách các em làm việc, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên. Các em tranh thủ bắt chuyện với du khách nước ngoài hoặc chỉ dẫn tận tình bằng tiếng Anh về những địa danh khác của TP.
Hết khách ở Bưu điện, các em lại chạy sang “bắt khách” phía nhà thờ Đức Bà bên kia đường. Vừa di chuyển, các em vừa tranh thủ bắt chuyện với các vị khách nước ngoài với đủ thứ chuyện về quốc tịch, về những điều gì khiến du khách tới TP.HCM, họ đã biết gì về Bưu điện TP và nhà thờ Đức Bà, dự định cho những ngày sắp tới… Rồi các em say sưa giới thiệu. Giới thiệu xong, các em lại hỏi về quê hương của du khách để được nghe họ nói.
Sau một ngày “tung hoành”, các cô cậu lớp 8 thu hoạch được… làn da sạm nắng, những trận cười banh bụng về chuyện “mình nói khách không hiểu và khách nói mình cũng không hiểu”, đồng thời có thêm những người bạn ngoại quốc và sự hiếu kỳ về những vùng đất mới.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn kể: “Đây là tiết học tích hợp nhiều môn tiếng Anh-ngữ văn-địa lý-lịch sử. Tụi nhỏ thích thú nhưng cực lắm, từ giáo viên đến HS đều phải chuẩn bị rất nhiều, lên kế hoạch hẳn hoi để buổi học không chỉ đi tham quan, chơi đùa. HS chương trình tiếng Anh tích hợp có lợi thế về kỹ năng tiếng Anh, có nhiệm vụ bọc lót cho các bạn lớp thường; HS lớp thường sẽ tìm tư liệu, làm bài thu hoạch…”.
Nghe, nói được tiếng Anh là mục đích hướng đến
HS của trường dân lập Nhân Văn (Q.Tân Phú) cũng có những ngày lê la học tiếng Anh vã mồ hôi ở khu chợ Bến Thành, bến Nhà rồng, nhà thờ Đức Bà… “Sau mỗi buổi học thì… mệt đừ nhưng thích lắm, vừa vui, được đi chơi. Đây là những buổi học nhẹ nhàng nhất của em”, Nam Phương, một nữ sinh của trường thú nhận.
Theo bà Hoàng Thị Minh Liên - hiệu trưởng trường này, từ những chuyến “va chạm” thực tế, HS tiến bộ rõ rệt, nhất là kỹ năng nghe, nói. Đó là điều mà nhà trường đang hướng đến cho môn học này. Cũng nhờ đó, HS trở nên năng động hơn, không bị gò bó và không cảm thấy… “oải” với môn tiếng Anh. Được giao tiếp nhiều với người nước ngoài cũng là cách dạy cho các em sự tự tin, cởi mở, mạnh dạn - điều mà rất nhiều em cảm thấy trở ngại theo kiểu “biết mà ngại nói, không nói được”.
Ngoài học trải nghiệm, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) còn có những buổi giao lưu với HS các trường quốc tế, du học sinh để quen dần cách giao tiếp tiếng Anh.
“Mỗi khi có người nước ngoài đến hoặc tranh thủ giáo viên bản ngữ của chương trình tích hợp, chúng tôi “bắt” HS, thậm chí là giáo viên đến trò chuyện, hỏi han bất cứ khi nào rảnh, bất cứ chủ đề gì… miễn là quen được với cách phát âm chuẩn và sự tự tin khi giao tiếp”, thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố chia sẻ.
HS tỏ ra thích thú với cách học này là điều dễ thấy. Song những buổi học trải nghiệm này cũng chỉ là sự linh động của số ít ban giám hiệu các trường. Số HS được thụ hưởng cũng hạn chế.
Chọn “nói được” hay chọn “điểm cao”?
Học xong phổ thông, thậm chí tốt nghiệp đại học nhưng không thể giao tiếp bằng tiếng Anh… là thực tế mà ai cũng biết. Có nhiều nguyên nhân, nhưng “nội dung chương trình học được thiết kế nặng về ngữ pháp; việc học, việc thi chỉ dừng lại trên giấy nhằm lấy điểm, HS ít được thực hành tiếng Anh, khiến những kiến thức đã học trở nên khó nhớ, dễ quên” là nguyên nhân đã được khẳng định.
Bởi thế, “học tiếng Anh để tự tin, giao tiếp được bằng tiếng Anh hay để thi đạt kết quả cao” là mâu thuẫn rất khó giải quyết cho các trường phổ thông cũng như các bậc phụ huynh hiện nay. Hiệu trưởng một trường tiểu học thừa nhận: “Ban giám hiệu lẫn phụ huynh không dám “bỏ qua” kết quả của HS. Nếu chỉ chú trọng đến tính hiệu quả, giúp HS nghe, nói được tiếng Anh thì liệu các em có vượt qua nổi các kỳ thi nặng tính hàn lâm?”.
Còn khi đã lựa chọn sự thay đổi, các trường phải thuyết phục phụ huynh rằng hãy tin và để nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả của HS. Hiệu trưởng Hoàng Thị Minh Liên nhấn mạnh: “Quan trọng nhất vẫn là tạo cho HS niềm hứng khởi và cần thiết khi học ngoại ngữ. Khi đã hứng khởi, các em sẽ tự khắc tìm hiểu và biết cách để học tốt hơn. Dù không đặt nặng về ngữ pháp, giúp tránh cho các em bị lạc vào “mê hồn trận”, để biến các em thành những “dịch giả”, nhưng chúng tôi vẫn phải dạy để các em đạt chuẩn thi cử”.
Còn cô Thúy An quan niệm: ngữ pháp cũng rất quan trọng, chúng ta hướng HS đến nghe nói tốt, phát âm hay, nhưng cũng phải nói đúng. Ở bậc THCS, điều quan trọng của học tiếng Anh là kỹ năng giao tiếp, thái độ tự tin. Tôi chỉ cần các em đi du lịch, gặp người ngoại quốc có thể tự tin nói chuyện. Còn các bài luận, hay kỳ thi lớn thì sẽ được rèn luyện ở bậc học cao hơn.
Mục đích quan trọng nhất của việc học vẫn là để ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Và môn tiếng Anh ại càng phải như thế. Hy vọng những nhược điểm của môn học này sẽ được khắc phục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".