Ra đường sợ nhất công nông: xưa rồi!

12/11/2014 - 09:01

PNO - PNO - Tôi rùng mình khi đọc tin sản phụ bị xe bồn tông chết, thai nhi văng ra ngoài, người cha bất lực nhìn vợ mình lìa trần còn đứa con trai đỏ hỏn bị xe cán mất một chân khóc oe oe. Giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là vụ tai nạn ngày 25/10 tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Anh Nguyễn Văn Nam chở vợ bằng xe gắn máy đến Bệnh viện đa khoa TP. Long Xuyên để sinh con, trên đường đi thì gặp tai nạn thảm khốc trên.

Ra duong so nhat cong nong: xua roi!

Ngày 8/11/2014, một xe containet chở thanh sắt đường ray đã gặp nạn ở địa bàn tỉnh Phú Yên làm 2 phụ xe tử vong trong ca-bin.

Ngày 1/11 tại phường Linh Xuân, Q. Thủ Đức, TP.HCM, lại một sản phụ lại gặp nạn vì xe ben khi sản phụ đang di chuyển trên xe gắn máy cùng người thân. Một vết thương lớn trên bụng sản phụ, cái thai bị trồi lên, nhưng rất may mắn, người phụ nữ này vẫn được làm mẹ.

Chỉ cần gõ từ khóa “sản phụ bị xe tông”, ngay lập tức Google cho hàng ngàn kết quả tìm kiếm, nhắc lại những vụ tai nạn đau lòng.

Tai nạn nào có sự góp mặt của hung thần xe ben, xe bồn, xe container cũng đều để lại hậu quả kinh hoàng. Chúng tôi rất sợ hãi mỗi khi ra đường nhìn thấy các loại xe này. Những con xe to lớn ngạo nghễ, ngang nhiên phóng vù vù giữa đường, chẳng quan tâm đến những phương tiện bé nhỏ khác.

Câu ca “Ra đường sợ nhất công nông…” đã thành dĩ vãng.

Sáng 9/11, tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, đại lễ cầu siêu những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) đã diễn ra trong không khí xúc động, thiêng liêng và ấm áp tình người. Đại lễ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức.

Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại”, đại lễ cầu siêu đã bày tỏ niềm thương xót những người không may thiệt mạng vì TNGT; chia sẻ đau thương, mất mát với người thân của họ; đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2014 trên cả nước đã có hơn 7.000 người chết vì TNGT, trung bình mỗi ngày có 25 người chết vì TNGT, chưa kể hàng nghìn người phải mang thương tật vĩnh viễn.

Đã đến lúc phải tăng cường hơn nữa việc đăng kiểm những xe trọng tải lớn cũng như kiểm tra trình độ, sức khỏe của người lái xe, xem liệu có hoàn toàn vô can với ma túy, chất kích thích!

Bên cạnh đó, cũng cần xem lại việc sử dụng lái xe của những doanh nghiệp có xe bồn, xe ben, xe container, xe tải. Liệu những tài xế có bị bắt buộc phải tăng giờ, tăng ca, chạy đúng giờ… nên buộc phải chạy nhanh, chạy ẩu? Đôi khi chỉ vì lo miếng cơm manh áo của mình và gia đình mình mà những người cầm vô-lăng, dù không mong muốn, đã gây ra hậu họa cho gia đình khác.

Báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 18.697 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người.

Như vậy, bình quân cứ 1 ngày ở Việt Nam có 69 vụ tai nạn giao thông, 25 người chết, 66 người bị thương vì tai nạn giao thông. Con mất cha, con mất mẹ, vợ mất chồng, gia đình mất con hoặc con mất cả cha lẫn mẹ.

Những con số quá khủng khiếp! Đất nước đã hòa bình nhưng số người chết vì “giặc” tai nạn giao thông còn ngang với thời chiến. Những linh hồn không bao giờ siêu thoát trên những cung đường tang tóc.

Cải thiện, nâng cao chất lượng đường sá, chất lượng phương tiện xe cơ giới, chú trọng giáo dục đạo đức lái xe cho mỗi người … luôn là niềm mong mỏi của bất cứ một công dân nào.

Đến bao giờ, Việt Nam giải quyết được hết những vấn đề này, để chuộc lại lỗi lầm với những linh hồn phải ra đi dưới những bánh xe oan nghiệt?

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI