Gửi lại vườn thanh long cho chồng con
|
Anh Trần Bá Trình chăm sóc mầm thanh long ruột đỏ trong khu vườn của mình |
Trong căn nhà nhỏ cạnh vườn thanh long ruột đỏ đang sáng đèn giục ra hoa, một ngày cuối năm 2019, anh Trần Bá Trình, 45 tuổi, H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thắp nén hương cho vợ - chị Nguyễn Thị Thảo qua đời vì ung thư trực tràng. Hôm nay, anh bày biện lại bàn thờ, mua hoa quả, quét dọn nhà cửa. Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ ghé thăm nhà. Đây là lần thứ hai họ đến. Lần đầu vào tháng 6/2019, bác sĩ đến để lấy giác mạc của vợ anh.
|
Anh Trần Bá Trình (Xuân Lộc, Đồng Nai) bên di ảnh của vợ - người hiến tạng vì mục đích nhân đạo |
Nghe có đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ghé thăm, bà con hàng xóm đã đến phụ anh Trình lo nhà cửa tươm tất vì từ ngày vợ mất chỉ mình anh lo cho ba đứa con, đứa nhỏ chỉ mới bốn tuổi. Vào thời điểm tế bào ung thư quay lại tấn công sau ba năm điều trị, chị Thảo bàn với chồng bán nhà từ Biên Hòa để về Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Quyết định từ chối hóa trị lần hai, vợ chồng dốc hết tiền mua một căn nhà và 700 gốc thanh long để tạo thu nhập hằng tháng. Chị cũng muốn hiến giác mạc - bộ phận có thể hiến tặng được ở bệnh nhân ung thư - sau khi qua đời. Giác mạc của chị Thảo đã được ghép thành công, mang lại ánh sáng cho một người đàn ông có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi khi nhắc về chị Thảo - người bạn của mình, chị Cao Thị Hồng Ánh, lại sụt sùi khóc. Chị Ánh nói ở vùng này, chuyện hiến tặng nội tạng khi qua đời là rất lạ nhưng chị ủng hộ quyết định của bạn mình. Chị Ánh cũng đang nghĩ về quyết định giống như bạn mình nhưng còn e ngại phản ứng của gia đình.
|
Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng CTXH, BV Chợ Rẫy đến thăm và chúc Tết bà Ngọc Yến |
Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, người dân đã dần quen và chấp nhận chuyện hiến nội tạng, nhất là với những người thế hệ 7x hay 8x.
Như trường hợp anh Nguyễn Đặng Tuấn, 39 tuổi, ở Q.8, TP.HCM. Anh quyết định thực hiện theo ý nguyện hiến tạng của vợ: “Vì mình cũng là người trẻ. Đây là nguyện vọng của bà xã vì lúc còn sống rất hay giúp đỡ người khác”. Anh Tuấn đã xin scan bản gốc tờ quyết định về việc truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế đem in màu, lồng khung kiếng đàng hoàng để sau này ba đứa con lớn lên sẽ biết được người mẹ đã khuất của mình từng sống cao đẹp như thế nào.
Theo anh Lê Minh Hiển, 5 năm trước, chuyện hiến tạng ở người cho chết não còn quá mới đã khiến người thân bị bao nhiêu điều tiếng vì dư luận “buộc tội” bán nội tạng. Dù Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến tận nhà minh oan vẫn không ngăn được những lời ác ý.
Tết này, vẫn nhớ tô canh chua cho ông xã
|
Bức tranh thêu chữ thập của chị Thảo để lại cho gia đình nhỏ bé của mình |
Chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, 62 tuổi, ở P.An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - một trong những người đầu tiên quyết định hiến tạng thân nhân để cứu người. Người phụ nữ chất phác đôn hậu này không ngờ, chỉ một cái gật đầu mà mình phải chịu bao nhiêu điều tiếng kéo dài suốt mấy năm trời.
Năm nay là cái tết thứ năm bà Yến đón giao thừa không có chồng - ông Kim Hòa Na. Nhưng năm nay mới là năm bà thấy yên ổn nhất, kể từ ngày ông qua đời do tai nạn và được bà đồng ý hiến tạng với mục đích nhân đạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 25/12/2015.
Lúc này, người dân nghe hiến tạng nhân đạo nhưng vẫn hiểu sai đó là mua bán tạng. Vậy nên, dù bà Yến sau khi nghe lời con trai, hiến một giác mạc, hai quả thận, một lá gan của chồng để cứu bốn người nhưng bà con xóm giềng xì xào là bà bán tạng với giá cả tỷ đồng. Nhớ lại ngày đó, không đêm nào bà Yến không khóc.
Đã mất chồng - mất chỗ dựa tinh thần, bà lại phải nghe những lời bình phẩm từ hàng xóm, những lời chì chiết từ gia đình chồng. Người phụ nữ chất phác trở nên hoảng sợ trước miệng lưỡi thế gian. Từ khi ông Kim Hòa Na mất, chẳng năm nào bà Yến có một cái tết đàng hoàng tươm tất. Bà sợ người ta đàm tiếu. Thậm chí, 2-3 năm sau cái chết của chồng, vẫn có người bàn ra tán vào…
|
Tết này, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến thấy bình yên hơn vì nhiều người đã hiểu rõ về hiến tạng cứu người |
Giờ đây, bà Yến mới dần lấy lại sự bình yên. Những ngày đầu sau khi chồng mất, thi thoảng trong những lúc tinh thần bí bách giữa đêm khuya, bà mơ thấy bóng dáng ông. Vẫn cao ráo khỏe mạnh, vẫn đầy đủ thân thể như lúc còn sống.
Ông chỉ nói thèm tô canh chua và cá bống kho. Vậy là bà thấy nhẹ nhõm, hóa ra dù ông đã cho đi các phần thân thể thì ở thế giới bên kia, ông vẫn còn nguyên vẹn. Tết này, bà nói chắc sẽ là cái tết thật bình an vì giờ ai cũng hiểu chuyện hiến tạng cứu người. Và tô canh chua, cá bống kho chắc chắn không thể thiếu cho ông Kim Hòa Na.
Những trường hợp như bà Nguyễn Thị Ngọc Yến không hiếm trong những ngày đầu vận động hiến tạng cứu người. Với ca ghép tạng đầu tiên vào tháng 7/2015, việc vận động xin tạng từ người cho chết não của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển cho biết, sau khi kiên trì thuyết phục người nhà, tổ chức các buổi lễ tri ân người hiến tạng, đến thăm nhà để trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, tổ chức nhiều buổi nói chuyện về hiến tạng… đến nay, người dân đã biết nhiều hơn về việc làm nhân đạo này.
Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy ra đời ngày 17/6/2014, phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên ngày 28/10/2014. Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 34 người hiến tạng chết não và 13 người hiến tạng ngừng tim. Hiện tại, bệnh viện có trên 13.000 đơn xin hiến tạng. Sau mỗi năm, số người đăng ký hiến tạng ngày một tăng. |
Hiếu Nguyễn