Có những cô gái chọn ra đi không phải để tìm cho mình một “miền đất hứa”, để cuộc sống riêng tư được an lành, sung sướng mà hành trang mang theo có cả món nợ ân tình với đất tổ quê cha, với bản làng, thôn xóm.
Mỗi cô gái đã chọn trở về theo cách riêng của mình, đối mặt với bao phép toán khác nhau để cân bằng sự nghiệp - gia đình, nhưng họ đều góp thêm cho mùa xuân quê hương một tia nắng ấm, một cánh én nhỏ, một nụ hoa thắm màu…
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (hàng đầu, thứ sáu từ phải sang) và Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (thứ năm từ phải sang) chụp ảnh cùng đoàn kiều bào đến dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại công viên Lịch sử, Văn hóa dân tộc TPHCM trong chương trình Xuân quê hương 2024 - Ảnh: Phùng Huy |
Không là bác sĩ, nhưng thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Lan - chuyên gia về quản lý chất lượng của hệ thống y tế Main Line, TP Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ - không hề xa lạ với ngành y tế Việt Nam.
20 năm định cư tại Mỹ thì có đến gần 10 năm, chị như con thoi với những chuyến bay vượt đại dương trở về để cùng san sẻ những kiến thức về quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và vận hành bệnh viện qua những buổi hội thảo, tập huấn tại các bệnh viện từ Bắc đến Nam: Bệnh viện Đại học y Hà Nội, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, ZTA, Tập đoàn Y tế Phương Châu…
"Sống có ích" là nỗ lực và cho đi
Với vai trò Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Y tế Phương Châu, chị đã góp phần quan trọng trong thành tựu của Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (chi nhánh Cần Thơ) đạt được chứng nhận con dấu vàng danh giá về chất lượng và an toàn người bệnh của Joint Commission International (JCI - Ủy ban Thẩm định quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại TP Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ).
Vào ngày 24/9/2022, Phương Châu trở thành bệnh viện thứ sáu tại Việt Nam và là bệnh viện đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt chứng nhận danh giá này.
|
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Lan - Cố vấn cấp cao Tập đoàn Y tế Phương Châu - chia sẻ về dự án JCI |
Thạc sĩ Hoàng Lan lâng lâng hồi tưởng lúc đọc được những dòng thư điện tử từ đơn vị cấp chứng nhận: “Chúng tôi không cần quà của các bạn gửi cho chúng tôi mà món quà chúng tôi thực sự mong muốn đó chính là dịch vụ an toàn và chất lượng cao mà các bạn cung cấp cho người dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Chị chia sẻ, mình cũng là người con của đồng bằng sông Cửu Long. Trong khoảnh khắc đó, nước mắt chị đã tuôn rơi, cảm xúc không thể diễn tả nổi. Thoáng trong tâm trí chị là lời dặn của cha lúc bệnh nặng, sắp từ giã cõi đời vào năm 2009, rằng “con hãy cố gắng sống sao để có ích cho đời”.
"Khi ấy, tôi chưa hiểu như thế nào là sống có ích, muốn sống có ích thì tôi phải làm gì và rồi tôi cũng đâu còn cha để hỏi cho tường tận. Vì vậy mà tôi vẫn đau đáu trong lòng lời trăn trối của cha. Với sự kiện này, tôi vỡ òa trong suy nghĩ rằng sống có ích chính là “cho đi” từ tri thức, tâm huyết và nỗ lực của mình. Chắc nơi xa, cha tôi cũng sẽ mừng vui và tự hào” - chị kể.
Là cựu học sinh khối D của Trường THPT chuyên Bến Tre, theo ngành tiếng Anh tại Trường cao đẳng Sư phạm Bến Tre, tốt nghiệp kỹ sư hóa tại Đại học Temple (Mỹ) năm 2008 và được cấp học bổng chương trình tiến sĩ hóa, nhưng chị lại được ngành y chọn từ một cơ duyên lạ.
Một buổi chiều thứ Sáu, vào tháng 5/2011, tan lớp sớm, chị đi dạo và tình cờ ngang qua Trường Thương mại Fox (Fox Business School) thuộc Đại học Temple. Trường này đang đăng bảng tuyển sinh chương trình thạc sĩ, trong đó có chuyên ngành về vận hành bệnh viện. Tại đây, chị được biết vận hành hiệu quả không chỉ đem lại lợi nhuận cho bệnh viện mà còn mang lại sự an toàn, chất lượng và đối tượng thụ hưởng chính là bệnh nhân.
|
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Lan luôn trăn trở về nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân của ngành y tế Việt Nam và khắc phục rủi ro trong điều trị |
Ký ức chợt vọng về từ 2 năm trước - giai đoạn chị phải bỏ hết công việc ở Mỹ cấp tốc quay về Việt Nam săn sóc cha trên giường bệnh do chứng ung thư máu và bệnh gan hoành hành. Trong 2 tuần ấy, chị có cơ hội chứng kiến sự quan tâm, chăm sóc của y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho cha đến lúc cuối đời. Sự ân cần, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế vì sức khỏe của bệnh nhân khiến chị cảm kích và chị cũng muốn đóng góp cho ngành y tế.
Mất cha - người bạn thân nhất trong cuộc đời - chị đã trở lại Mỹ với suy nghĩ chờn vờn là làm sao có thể đóng góp cho ngành y tế và sống sao cho có ích. Đứng trước ngôi trường mới, như có một sự thôi thúc vô hình, chị đã quyết định hoãn chương trình tiến sĩ hóa, đăng ký học vận hành bệnh viện (hospital operations) và sự nghiệp từ đây rẽ lối…
Hạnh phúc giản đơn của người phụ nữ "đa múi giờ"
Năm 2015, chị và 1 đồng nghiệp hiện đang học tiến sĩ tại Úc lập nên 1 fanpage (trang) và 1 nhóm (group) trên Facebook mang tên Diễn đàn Quản lý y tế chuyên nghiệp Việt Nam (VPHM).
VPHM chia sẻ những kiến thức, học thuật, kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực quản lý y tế tại các nước đang phát triển, góp phần xây dựng một cộng đồng quản lý chuyên nghiệp và vững mạnh tại Việt Nam. Nhờ đó, chị có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp đang công tác trong các bệnh viện tại Việt Nam.
Cha làm lò kẹo dừa lúc sinh thời, mẹ làm giáo viên dạy Anh văn, ông xã cũng công tác trong ngành giáo dục ở Mỹ, gia đình chỉ có thạc sĩ Hoàng Lan dấn thân vào mảng y tế ở tuổi 35. Không chia sẻ được nhiều về công việc nhưng ông xã và mẹ chị luôn tạo điều kiện cho chị theo đuổi ước mơ. Bên cạnh lời nhắc nhở quen thuộc “bớt việc, ngủ đủ, giữ gìn sức khỏe” là những ly cà phê hay nước ấm - cách thể hiện tình yêu, sự chăm sóc cho chị.
Có những buổi sáng cuối tuần, chị được đánh thức bằng mùi bơ từ bánh mini animal pancakes do chồng và con gái duy nhất sinh năm 2018 nướng để bồi dưỡng cho “người phụ nữ đa múi giờ”.
|
Cô gái Bến Tre Hoàng Lan chuẩn bị gói bánh tét cúng tết |
Từ khi thành lập Công ty Tư vấn y tế Tâm Việt (đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM), chị càng bận rộn hơn với việc điều hành từ xa. Luôn làm việc với cường độ cao, lệch múi giờ nên chị cứ phải thức khuya họp online, đôi mắt thâm quầng những đợt cao điểm. Có khi vượt nửa vòng Trái đất, vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, chị đến thẳng bệnh viện chủ trì hội thảo. Vài chục phút chợp mắt trên máy bay đã tiếp năng lượng cho chị làm việc hăng say.
Có khi rã rời từ sân bay về nhà, mở điện thoại lên, lại thấy lời mời không thể từ chối từ một bệnh viện ở Việt Nam. Chị phải sắp xếp ngày nghỉ phép tại hệ thống y tế Main Line, thu xếp việc nhà, giao cho mẹ và ông xã trông con cái, chị lại kéo va ly lên đường.
Dù vậy, lúc nào, nụ cười của chị cũng thường trực trên môi. Những bài giảng luôn sinh động, cụ thể, thoát khỏi lối giảng hàn lâm chung chung, khô khan.
Chị dí dỏm cắt nghĩa: “Tôi luôn vui vẻ vì tôi là người đơn giản, hài lòng với những gì đang có, ít so đo; vì là người của gia đình nên tôi luôn cố gắng học buông bỏ và học cách hy sinh. Bởi bản chất “lì” nên tôi luôn như người leo núi bền bỉ, như con rùa cứ bò một cách nhẫn nại cho đến đích. Khi gặp nghịch cảnh, tôi có thể khóc nhưng vẫn bước đi vì có đồng nghiệp, gia đình, bệnh nhân tiếp động lực cho mình. Tôi đều đặn tập thể dục, tập yoga để đủ sức “leo núi” cùng đội ngũ y tế chinh phục đỉnh cao mới”.
Hạnh phúc của chị góp nhặt từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống: cắt rau trái trong vườn chế biến bữa cơm gia đình, trang trí bánh quy, cùng con sáng tạo đồ chơi thủ công, đi dạo với cả nhà, chở mẹ đi cắt tóc, nấu ăn, rồi nhắc chuyện thuở ấu thơ ở một góc thị xã Bến Tre…
Nhớ bữa ăn đầm ấm, thiêng liêng chiều 30 tết 20 năm sống ở Mỹ, có 1 năm, tôi được ăn tết Nguyên đán ở quê nhà do bệnh viện mời dạy cận tết. Hằng năm, tôi ưu tiên về Việt Nam vào đầu mùa hè để giỗ cha. Nhắc đến tết, tôi không mê gì cho bằng bữa ăn chiều 30 tết với món thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, dưa cải, dưa kiệu, dưa hấu… Ở trời Tây, cũng có thể chuẩn bị những bữa ăn như vậy với món y chang, nhưng lạ thiệt, sao không ngon bằng ở Việt Nam mình. Tất cả những thứ bình dị mà đầm ấm, thiêng liêng đó đã níu chân tôi như chưa từng rời xa. Nguyễn Phạm Hoàng Lan |
Nội dung tiếp theo
Tô Diệu Hiền