Ra cửa biển nhớ Huyền Trân

31/08/2024 - 06:34

PNO - Cố đô Huế từng có 20 thắng cảnh đẹp nhất do chính vua Thiệu Trị xếp hạng, trong đó chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân xếp thứ chín. Đến Huế rất nhiều lần, vậy mà lần gần đây nhất, tôi mới có duyên vãn cảnh đẹp này. Cũng nhân chuyến đi này, tôi có dịp đến thăm một cửa biển từng được nhắc khá nhiều lần trong những câu chuyện liên quan đến Huyền Trân công chúa và mùa mưa bão ở Huế - cửa biển Tư Hiền.

Tháp Điều Ngự nằm trên đỉnh núi Túy Vân
Tháp Điều Ngự nằm trên đỉnh núi Túy Vân

Nơi một nàng công chúa bắt đầu hải trình nước non ngàn dặm

Trên đường thiên lý từ Đà Nẵng vượt đèo Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng để đến Huế, tôi rẽ phải theo con đường nhỏ chạy xuyên qua những thôn xóm yên bình tìm đến cửa biển Tư Hiền, ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, nơi đầm Cầu Hai tìm về với Biển Đông. Theo sách xưa, cửa biển này xưa thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long.

Chuyện kể rằng, công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông, trên đường thiên lý vu quy theo một cuộc hôn nhân chính trị sắp đặt với vua Chiêm Thành là Chế Mân, đã ghé đây, bái vọng tổ tiên quê nhà, trước khi tiếp tục vượt biển.

Từ đó, cửa biển có tên Tư Dung - mang ý nghĩa rằng từ lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành tên gọi. Suốt một thời gian dài, cửa biển mang tên Tư Dung trước khi đổi thành Tư Hiền.

Cửa biển Tư Hiền hàng trăm năm qua luôn biến động với biết bao lần bồi lở, nạo vét vì mưa bão lũ. Có khi cửa biển biến mất hẳn; có lúc lại đổi dòng chảy, thay cát bồi thành 2 cửa biển. Có khi rộng, có lúc nhỏ như con lạch và giờ trông cửa biển Tư Hiền như cửa sông hẹp dù xưa kia nó từng là cửa biển quan trọng nhất, nơi tàu thuyền lớn vào ra nhộn nhịp. Dù vậy, người ta vẫn đang nỗ lực để cửa biển này không bị mất đi.

Cửa biển Tư Hiền
Cửa biển Tư Hiền

Câu chuyện trên đối với tôi là một sự thú vị khi trước đó, tôi đã có dịp lui tới một nơi lưu dấu khác của Huyền Trân công chúa, ở làng Nam Ô. Đó là làng chài cổ nằm bên kia đèo Hải Vân, thuộc địa phận Đà Nẵng, nơi có miếu thờ Huyền Trân công chúa ngay mũi Hạc nhô ra biển. Miếu đã đổ nát sau trận bão hơn trăm năm trước nhưng câu chuyện thường được dân làng truyền kể vẫn tồn tại dù không có trong chính sử.

Người dân vẫn lưu truyền câu chuyện vua Chế Mân bị bạo bệnh qua đời năm 1307. Theo luật tục, hoàng hậu phải chịu hỏa thiêu chết theo vua. Khi ấy, vua Trần Nhân Tông đã sai thượng tướng Trần Khắc Chung đưa theo hàng ngàn thủy thủ, tùy tùng đi thuyền sang Đồ Bàn (kinh đô Chiêm Thành, nay ở Bình Định) vào cuối năm 1307 để giải cứu công chúa Huyền Trân. Trên đường trở về cố quốc, công chúa Huyền Trân đã ôm con đợi ở đây chờ thủy binh đến cứu.

Nghĩa là, tôi được đến nơi công chúa Huyền Trân bắt đầu hải trình nước non ngàn dặm ra đi và trở về.

“Hòn non bộ” có chùa Thánh Duyên

Lối đi từ chánh điện chùa lên tháp rợp bóng cây xanh
Lối đi từ chánh điện chùa lên tháp rợp bóng cây xanh

Ngay cạnh cửa biển Tư Hiền có núi Túy Vân - một quả núi nhỏ, mà xưa kia, theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm 1648, chúa Nguyễn Phúc Tần trong một lần ngang qua phá Tam Giang đã cho dựng 1 ngôi chùa nhỏ ở đây. Theo các tài liệu xưa, núi đã ít nhất 3 lần thay tên. Từ tên cũ là Mỹ Am Sơn; năm 1825, vua Minh Mạng đổi tên là Thúy Hoa Sơn; năm 1841, vua Thiệu Trị đổi thành Thúy Vân Sơn có dựng bia ký thắng tích (vì kiêng húy tên thái hậu Hồ Thị Hoa). Dân trong vùng vẫn quen gọi là núi Túy Vân, tức núi mây say và chùa trên núi cũng được gọi là chùa Túy Vân. Đến thời vua Thiệu Trị, chùa có tên Thánh Duyên (do kỵ húy tên của hoàng thái hậu).

Chùa Thánh Duyên từng có lúc bị bỏ hoang đổ nát. Đến năm 1836, vua Minh Mạng cho xây dựng chùa hoàn chỉnh và ban sắc phong lên hàng quốc tự. Chùa từng được vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đến vãn cảnh, làm thơ, di tích vẫn còn lưu lại trên các bia của chùa. Qua bao thăng trầm biến đổi của thời cuộc, có khi tưởng như ngôi cổ tự chìm vào quên lãng. Cho tới năm 1994, ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.

Tượng Phật cổ trong chánh điện chùa Thánh Duyên
Tượng Phật cổ trong chánh điện chùa Thánh Duyên

Chùa Thánh Duyên có kiến trúc hài hòa và tương xứng với trái núi nhỏ như Túy Vân. Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn - không nguy nga, đồ sộ mà nhỏ nhắn, tinh tế. Chùa có 3 công trình kiến trúc gồm: tháp Điều Ngự 3 tầng, gác Đại Từ 2 tầng và Đại điện 1 tầng thể hiện những con số quen thuộc của Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tam Tài (3). Tất cả nằm lần lượt từ gần chân núi đến đỉnh núi, được nối bằng những bậc tam cấp thoai thoải. Bao quanh là rừng cây cổ thụ khiến dù giữa trưa, chùa vẫn mát rượi và tĩnh mịch.

Chánh điện có tường thành bao bọc, có nhiều tượng quý, trong đó có bộ tượng làm bằng tre thiếp vàng. May sao, sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa cổ vẫn giữ được vóc dáng xưa. Sau lưng chánh điện, ở lưng chừng núi là gác Đại Từ. Ấn tượng nhất với tôi là tháp Điều Ngự ở đỉnh núi, được xây liền khối bằng gạch, cấu trúc 3 tầng. Sử cũ có ghi lại là tháp cao 3 trượng 6 thước 9 tấc. 3 con số này có tổng là 18, một con số hoàn hảo theo quan niệm của phương Đông.

Bia ký cổ thời nhà Nguyễn trước cổng chùa
Bia ký cổ thời nhà Nguyễn trước cổng chùa

Núi Túy Vân như hòn non bộ khổng lồ nhìn ra Biển Đông. Tháp Điều Ngự so với xưa kia, khi rừng cây chưa rậm rạp, là nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng Cầu Hai và cửa biển Tư Hiền. Tỉ lệ chiều cao, độ lớn của tháp rất cân xứng, hài hòa với tổng thể ngôi chùa và núi Túy Vân.

Dưới chân núi, cạnh bờ phá Tam Giang nay vẫn còn 2 chiếc giếng cổ, gọi là Giếng Cung, bởi thuộc hành cung Thúy Vân, nơi các vua nhà Nguyễn thường về nghỉ ngơi trong những tháng mùa hè oi bức. Giếng nước tuy nằm cạnh bờ phá Tam Giang quanh năm nước lợ, sát biển nhưng lại ngọt mát vô cùng. Nghe nói nước giếng này rất hợp để pha trà nên các sư trên chùa và dân trong vùng thường lấy nước về pha trà. Trà pha bằng nước giếng cổ nơi này có hương thơm, dậy mùi trà hơn so với khi pha bằng nước từ nơi khác. Đây là chiếc giếng Chăm cổ có từ mấy trăm năm trước, với kiến trúc miệng giếng hình vuông quen thuộc.

Tôi và bạn đồng hành cũng lấy làm tò mò, múc một gàu nước lên rửa mặt và uống thử. Nước mát lạnh, ngọt lành, làm tỉnh táo hẳn sau hành trình vượt đèo xa tới đây.

Từ trung tâm thành phố Huế, du khách có thể đi ô tô hoặc xe máy đến núi Túy Vân theo 2 cung đường khác nhau. Tuyến thứ nhất dài khoảng hơn 50km, từ TP Huế về Thuận An, rồi đi theo đường ven biển để đến núi.

Tuyến thứ hai dài khoảng hơn 60km, theo Quốc lộ 1A đến đầu phía Bắc hầm đường bộ Phước Tượng thì rẽ trái theo Quốc lộ 49B đi khoảng hơn 10km nữa thì đến.

Nếu từ Đà Nẵng ra, vừa qua khỏi cửa hầm đèo Phước Tượng thì quẹo tay phải, đi tầm hơn 10km là tới.

Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI