Một ngày như mọi ngày, vợ chồng chị Thủy chở nhau ra khỏi nhà từ 3 giờ sáng thẳng tiến đến lò mổ lấy thịt ra chợ bán. Trời còn mờ tối, dựng chiếc xe Honda cho xe nổ máy, anh Tuấn pha đèn chiếu vào chỗ chị Thủy đang trải mấy tấm bìa carton để pha thịt.
Vợ chồng cùng làm, chị Thủy pha nạc đùi, anh Tuấn pha dây ba chỉ. Khi thịt pha gần xong, anh Tuấn kê bàn, lót bìa carton, giấy báo… Mọi thứ gọn gàng rồi, anh ngồi xuống lấy dao lam cạo mấy cái giò heo. Khi nạc vai, nạc đùi, ba chỉ, giò heo, lòng, gan… được bày lên bàn ngay ngắn đâu ra đó, anh đi mua cho chị Thủy tô cháo, còn anh làm ly làm cà phê cho tỉnh người.
Chị Thủy buôn bán có duyên, thêm nữa thịt heo lúc nào cũng tươi, ngon mắt nên khách hàng mua rất đông. Trong lúc chị Thủy bán hàng anh Tuấn túc trực một bên khi thì xay thịt cho khách, khi thì thối tiền, khi thì lấy bị nylon… “Vợ xướng, chồng tùy”, vậy mà đôi lúc anh cũng bị vợ la: “Ông để đó đi, đứng lên làm giùm cái móng cho khách, có cái giò mà từ nãy giờ làm chưa xong…”.
Đến khoảng gần 11 giờ, anh trông hàng cho chị Thủy đi mua thức ăn anh mang về nhà. Nếu hôm nào con gái lớn đi học thêm buổi sáng thì anh lại vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho các con đi học buổi chiều. Xong xuôi đâu đó, anh vòng ra chợ chờ chị Thủy dọn hàng rồi vợ chồng chở nhau về nhà. 20 năm trông vào hàng thịt, anh chị nuôi 6 đứa con ăn học, vừa rồi xây được nhà mới.
 |
Chồng phụ vợ bán hàng (ảnh minh họa) |
Bên cạnh hàng chị Thủy là hàng rau của chị Thương cũng một cảnh tương tự. Hồi trước anh Châu chồng chị Thương làm thợ hồ, sau lần bị tai nạn lao động, anh chuyển sang nghề chạy xe “ôm” chuyên chở hàng cho vợ.
Vợ chồng chị Thương cũng ra khỏi nhà từ 3 giờ sáng đến chợ lớn trong thành phố mua rau. Nhiệm vụ của anh Châu là mang hàng đến nơi tập kết, bỏ vào giỏ cho gọn rồi cột vào xe… Xong xuôi đâu đó, họ chở nhau về chợ, chị Thương phải ôm eo ếch anh Châu thật chặt để khỏi bị rớt vì hàng đầy trên xe.
Đến chợ, phụ với vợ sắp hàng ra tấm nylon; bày hàng xong, anh Châu lấy túm đậu ngự, bóc từng trái, bỏ hột vào túi nylon nhỏ, nếu hôm nào không có đậu ngự thì anh lặt rau sống, gọt vỏ thơm… bày ra tràng cho chị Thương.
Vợ chồng vừa làm vừa nói chuyện. Anh Châu có biệt tài kể chuyện tiếu lâm, thỉnh thoảng anh nói to vọng sang hàng chị Thủy kể anh Tuấn nghe một câu chuyện tiếu lâm nào đó, cả bốn người cười vang… Tằn tiện với hàng rau hành, vợ chồng anh Châu cũng nuôi được 2 con đang học đại học.
Vợ chồng ông Bảy năm nay đều đã qua tuổi 60. Nhà gần chợ, mọi chi tiêu trong gia đình nhờ vào hàng khô trước nhà. Ở vị trí tiện đường và do yêu cầu mấy cô “nhân viên nhà nước” nên bà Bảy bán thêm rau hành, đậu phụ, mắm các loại…
Dọn hàng từ 4 giờ sáng, công việc đầu tiên của bà Bảy là lặt rau sống. Ba thau nước thật lớn được ông bày ra cho bà rửa rau. Bà Bảy tính kỹ lưỡng, rau của bà không có lá nào giập, trông rất bắt mắt, sạch sẽ từ cọng ngò đến trái cà chua, dưa leo...
Bà Bảy đứng lên, ngược tay ra sau lưng, vừa đấm vừa than đau lưng thì ông bưng rau đã rửa sạch sẽ bày lên sạp, xong ông đi dọn rác, đổ nước, lấy chổi quét dọn sạch sẽ chỗ bà rửa rau.
Bà Bảy ngồi vào hàng thì ông đứng xớ rớ chờ bà “sai”. Khi thì: “Ông ơi lấy cho tui cái bị”, “Ông ơi lấy cho tui túi tiền lẻ”, “Ông đem túm dưa này qua hàng bánh mì”… Nếu ông chậm chạp liền bị bà “mắng”: “Ông làm gì ở trỏng lâu vậy, tui mà không đau lưng, đứng lên ngồi xuống nhanh nhẹn như ông thì…”. Vợ chồng, người “xướng”, người “tùy” cho đến trưa.
Nhà mặt tiền gần chợ, vợ chồng anh Thanh mở hàng tạp hóa. Buổi sáng trong khi chị lo cho hai đứa nhỏ thì anh Thanh dọn hàng. Chở con đến trường anh quay về ghé quán làm ly cà phê rồi vào nhà phụ vợ buôn bán. Khi thì lấy giúp vợ cái thùng để trên cao, khi thì dán thùng hàng, đi giao hàng…
Loay hoay đến trưa chồng coi hàng cho vợ đi chợ nấu ăn... Lúc vắng khách anh tranh thủ đọc tin tức trên điện thoại, lướt web... Chị Lan nói: “Buôn bán phải có hai người, có ổng phụ chớ một mình làm sao xoay được với 2 đứa con còn nhỏ, còn phải đi lấy hàng, thu tiền nữa”.
Ngày trước chị Lam có hàng vải ở chợ, anh Thuật chồng chị là công nhân cơ khí ở một nhà máy. Sau khi sinh con chị sang sạp vải về nhà nhận may gia công rèm cửa. Khi nhà máy giải thể, anh Thuật về nhà phụ vợ thì chị Lam bắt đầu khuếch trương “làm ăn lớn” mở tiệm may rèm. Anh Thuật nhận nhiệm vụ đi đo cửa. Rèm may xong anh đi lắp ray, treo rèm. Công việc ngày càng nhiều phải nhận thêm thợ may và thợ bắt rèm. Do yêu cầu của khách, chị Lam bán thêm gối, drap…
Giờ đây ngoài việc chạy vòng ngoài tìm kiếm khách hàng, lúc rảnh anh Thuật lại ngồi vào bàn máy, khi thì vắt sổ, khi thì may rèm việc nào anh cũng... chuyên.
Có thể nói những người đàn ông phụ việc cho vợ đa phần là những người rất hiền, không ngại khó, không mặc cảm, không sĩ diện, rất đáng trân trọng. Họ quyết tâm làm việc, vun đắp, xây dựng gia đình, cùng xắn tay áo phụ với vợ nuôi con. “Của vợ, công chồng”, họ là những người rất hạnh phúc vì cả vợ chồng đều ý thức phải cùng nhau chung tay xây tổ ấm.
Kim Duy