Bạn nên biết, ở chợ có rất nhiều chuyện hay. Đi chợ, bạn có thể nghe rõ những thanh âm xôn xao của cuộc sống, thấy nhịp đời hiển hiện trong cái tất tả của người mua, kẻ bán. Bạn sẽ nhìn được màu sắc trong từng con người, khi họ kiêu hãnh thở dài: “Riết rồi không biết mua gì ăn, thôi cân đại ký tôm về luộc cho sắp nhỏ”; hay nhỏ nhẹ đến e dè: “Cân cho em 10.000 đồng thịt nạc đi chị”.
Bạn có thể nghe tiếng rao lanh lảnh mỗi giọng mỗi kiểu của những người bán. Nghe giọng là đoán được ai hiền ai dữ; mà mấy người bán ở chợ, dù có muốn hiền chắc cũng không thể hiền được. Có hôm, bạn còn được chiêu đãi bằng tiếng cãi nhau, bằng cách chửi đong đỏng đầy đủ “mắm muối” của mấy cô, mấy bà.
Thú vị hơn là bạn sẽ nghe được tiếng đời đơn giản mà đầy yêu thương. Đó là khi bà Ba bán rau than: “Cái gì giờ cũng tăng giá, chỉ có tui là xuống giá”. Bà Tư bán thịt lý luận tại sao giá heo hơi xuống mà thịt heo tại chợ kiên quyết không lùi bước. Cô bán cá phán xanh dờn: “Sáng giờ mấy người trả giá mà cô không bán, thấy con gái dễ thương cô bán luôn. Cô ưa mấy người mua dễ như con!”. Bà bác hồi đó nhà gần chỗ làm của ngoại, mấy chục năm rồi vẫn hay hỏi: “Dì Năm khỏe hông con?” khi mình ghé mua.
Thỉnh thoảng. sẽ thấy có ông bác già, ốm nhom, đen thủi, ngồi lặng lẽ bên mâm củ sen, khiến lần nào mình cũng phải động lòng ghé mua, dù có khi không cần. Lúc ấy, mình nhớ ba mình lắm… Đi chợ lâu ngày, bạn sẽ quen biết mọi người ở chợ và đặt niềm tin vào những người quen đó, dù đôi lúc bạn biết không phải lúc nào họ cũng thật thà.
Đơn giản vì “sống trên cõi người, phải tin tưởng vào con người”. Bạn sẽ biết chị bán chè ế chồng đầu chợ bán chè ngon nhất nhì xứ này chứ chẳng chơi. Bạn cũng sẽ được cho mua thiếu nếu lỡ quên hay hết tiền. Rồi bạn cũng được… từ chối bán hàng vì “thịt hôm nay không ngon lắm, thôi ăn món khác đi”...
Có bữa gặp con bé lạc mẹ đứng khóc giữa chợ, bạn sẽ thấy mấy “bà chằn” thường ngày, có bệnh thập tử nhất sinh cũng không bỏ buổi chợ nào, nay quên cả việc chào hỏi những mối quen, xúm vào hỏi han con bé, má con ở đâu, má con tên gì, có số điện thoại không… Theo dì, dì dẫn đến ban quản lý chợ. Có bà còn cẩn thận hơn, bỏ sạp xách dép đi theo con nhỏ, vì không muốn giao cho người khác bởi “thời này mình còn không tin mình nổi huống chi ai”…
Nếu lâu thiệt lâu, bạn bận bịu không ra chợ, vừa ló mặt đến, bà bán mít đã ôm chầm lấy bạn như thể người tình trăm năm. Rồi chắc thấy “hớ” nên bà giả lả: Có trái mít vườn ngon quá chừng, biết em thích, ngày nào chị cũng trông, không dám bán cho người khác, mà chờ hoài không thấy. Nay gặp, mừng như bắt được vàng…
Vậy đó, chợ không ngày nào giống ngày nào, không người nào giống người nào, dù người bán người mua tưởng chừng đã quá quen mặt nhau. Cho nên, nếu cần chất liệu để viết về cuộc sống, bạn đừng lang thang trên mạng, cũng đừng vào siêu thị, hãy ra chợ, bạn nhé!
Mà không chỉ đến cái chợ quen thuộc bạn vẫn đi mỗi ngày; nên đến cả những chợ lạ. Bạn sẽ thấy mình như lạc vào một vùng văn hóa mới. Các bậc “trưởng lão” vẫn khuyên, khi đến một vùng đất nào đó, muốn biết về văn hóa, con người, đừng vội vào bảo tàng mà hãy ra chợ trước. Đó là một bảo tàng sống động nhất.
Vậy đó bạn…
Lâm Anh