Quyết tâm trong năm mới của bé

02/03/2015 - 19:49

PNO - PN - Một năm mới đã bắt đầu, nếu đây là dịp mà người lớn thường đặt ra các mục tiêu phấn đấu mới, thì tại sao không khuyến khích các bé làm việc tương tự?

edf40wrjww2tblPage:Content

Giúp trẻ tìm kiếm các mục tiêu để quyết tâm phấn đấu trong năm mới là vô cùng có lợi cho sự phát triển của các bé. Bởi trẻ con ở độ tuổi từ 6-12 vẫn chưa hình thành một cách rõ rệt các thói quen hay nếp sống, nhưng cũng đã đủ lớn để hiểu được trách nhiệm phải tự cải thiện bản thân.

Năm mới là một cơ hội tuyệt vời để bố mẹ có thể định hướng sự phát triển của trẻ nhỏ bằng cách đặt ra một bảng danh sách Quyết tâm trong năm mới của bé. Động viên các bé theo đuổi những mục tiêu này sẽ là một hoạt động rất vui cho cả bố mẹ và trẻ, giúp thắt chặt mối quan hệ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi thành viên trong gia đình.

Quyet tam trong nam moi cua be

Đặt ra mục tiêu cho bé

Cách giới thiệu cho bé về những quyết tâm trong năm mới khá đơn giản: nhân dịp bé lớn thêm một tuổi, bố mẹ cần cho trẻ hiểu bé đang được bố mẹ trông chờ để trở thành một đứa trẻ ngoan hơn và tiến bộ hơn trong năm mới. Tuy rằng ở độ tuổi tiểu học, trẻ đã có thể suy nghĩ độc lập, có thể tìm kiếm các mục tiêu mới để cải thiện chính bản thân, nhưng trẻ con chưa phân biệt được sai và đúng. Bố mẹ sẽ là người giúp bé đặt ra các mục tiêu phấn đấu. Tuy vậy, đừng ép buộc trẻ, bố mẹ cần từ từ giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu rõ những gì mà người lớn trông chờ trẻ có thể thực hiện được.

Đừng tìm cách dồn quá nhiều mục tiêu lên bé, bố mẹ chỉ nên đặt ra một số chỉ tiêu nhất định, rõ ràng, súc tích và nằm trong khả năng của trẻ. Đó có thể là những việc mà bé chưa làm được trong năm nay như đạt thành tích cao hơn ở trường học, những thói xấu cần phải bỏ và tập những thói quen mới, chẳng hạn như bé phải nhớ dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, phải ăn thêm nhiều trái cây... Những thói quen cực kỳ đơn giản và nhỏ nhặt như nhớ mang mũ bảo hiểm khi đi xe, nhớ vâng dạ khi nói chuyện với người lớn... đều có ảnh hưởng tích cực không kém. Bố mẹ cũng nên giới thiệu cho trẻ những điều mới mẻ mà bé có thể học được trong năm mới, như tập cho bé chạy xe đạp, tập chơi một nhạc cụ hay đọc thêm nhiều sách.

Cả nhà cùng phấn đấu

Để khuyến khích trẻ, bố mẹ sẽ phải liên tục quan sát và nhắc nhở bé. Nhưng cách hiệu quả nhất là cả nhà hãy đồng hành với bé trong việc đặt ra và đạt được các mục tiêu cải thiện cuộc sống. Bố mẹ cũng nên lập một danh sách các mục tiêu phấn đấu cho chính mình. Các mục tiêu ấy vừa cải thiện bản thân, vừa gắn liền với lợi ích của trẻ. Bé có một mục tiêu là đọc thêm nhiều sách? Bố mẹ cũng có mục tiêu là “đọc sách cùng bé mỗi ngày”. Nếu đó là các thói quen hay hoạt động hàng ngày thì lại càng tốt, bé sẽ có cơ hội tham gia cùng bố mẹ và làm quen với các thói quen nhanh hơn. Muốn bé trở nên ngăn nắp hơn? Bố mẹ hãy để bé tham gia các việc dọn dẹp nhà cửa, giao cho bé các việc nho nhỏ như đổ rác.

Việc bố mẹ tìm cách cải thiện chính bản thân mình cũng là một động lực lớn cho trẻ. Bé sẽ cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi có thể hỗ trợ bố mẹ đạt được các mục tiêu này. Bố có thể nhờ bé nhắc nhở hàng ngày để bỏ thuốc lá. Bé cũng có thể là người chịu trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo mọi người trong nhà đều mang mũ bảo hiểm khi đi xe.

Cùng với các chỉ tiêu cần đạt được, hãy kèm vào đó các phần thưởng hấp dẫn. Ví dụ, khi bé đạt được thành tích tốt ở trường học, bố mẹ hãy thưởng bé bằng một chuyến đi chơi cuối tuần. Cứ như thế, đến cuối năm, bố mẹ và bé có thể ôn lại những gì gia đình và bé đã thực hiện được, rồi lại lập tiếp các mục tiêu cho năm sau.

 XI NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI