Quyết tâm phủ xanh cần bắt đầu bằng tư duy nghiêm túc

27/06/2024 - 05:53

PNO - Những cơn mưa đầu mùa không xua nổi cái nóng oi bức “chưa từng có” ở TPHCM. Cái nóng hầm hập phả vào mặt người khi chạy xe trên nhiều con đường trơ trọi không bóng cây. Một số đường được trồng cây nhưng chỉ là những thân cây còi cọc, loe hoe vài tán lá. Muốn tìm một bóng cây xanh mát đúng nghĩa ở TPHCM, thật không dễ.

Là “đầu tàu” kinh tế nhưng TPHCM lại có tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng thấp nhất cả nước, chỉ đạt 0,57 m2/người, thua các đô thị lớn khác như Hà Nội (2,06 m2/người), Đà Nẵng (2,4 m2/người), Hải Phòng (3,41 m2/người), thua xa chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hiệp quốc (10 m2/người) và tỉ lệ cây xanh hiện hữu của các thành phố hiện đại trên thế giới (20-30 m2/người). Chưa kể, tỉ lệ này chỉ được tính trên dân số 10 triệu người, chưa tính số dân nhập cư, nghĩa là chỉ tiêu cây xanh ở TPHCM thực tế còn thấp hơn 0,57 m2/người.

Có nhiều con đường rợp bóng cây xanh, là mong ước của người dân TPHCM (ảnh chụp trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10) - Ảnh: Nguyễn Quang
Có nhiều con đường rợp bóng cây xanh, là mong ước của người dân TPHCM (ảnh chụp trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10) - Ảnh: Nguyễn Quang


Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người, vậy mà Sở Xây dựng TPHCM còn than khó đạt do thiếu vốn và kiến nghị UBND thành phố xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu xuống còn 0,61 m2/người, bằng 72% so với chỉ tiêu trong nghị quyết.

Việc không quyết tâm thực hiện mà còn phải hạ thấp chỉ tiêu cho thấy, ngành chức năng chưa thực sự coi trọng vai trò của cây xanh để nỗ lực hết mình, tìm kiếm giải pháp. Công viên, cây xanh không chỉ là “lá phổi” của đô thị, giúp cải thiện môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan… mà số lượng, chất lượng đất công viên cây xanh còn được xem là thước đo cho sự văn minh và chất lượng sống ở các đô thị.

Với diện tích chỉ bằng 1/3 TPHCM (hơn 700km2), phải nhập khẩu nước, khí hậu nóng bức, Singapore vẫn là thành phố xanh nhất thế giới với tỉ lệ cây xanh phủ bóng tới 50% diện tích đô thị, đạt 39 m2/người. Trong hồi ký Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chia sẻ: “Sau khi độc lập, tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore”. Ông tin rằng, một Singapore sạch và xanh sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước, một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. Thay cho tư duy đốn bỏ cây để phục vụ các dự án xây dựng, chính quyền Singapore sẵn sàng giải tỏa cả một khu phố sầm uất để trồng cây chỉ vì khu vực đó không có cây xanh. Quỹ đất cho cây xanh trở thành yêu cầu bắt buộc và nghiêm ngặt đối với các công trình xây dựng.

Ở TPHCM, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh lên đến hơn 11.400ha, nhưng cả thành phố chỉ có hơn 500ha công viên. Giai đoạn 2021-2025, chính quyền thành phố đặt mục tiêu phát triển 150ha công viên cây xanh nhưng đến nay mới làm được gần 30ha, đạt chưa đến 20% kế hoạch. Không chỉ nội thành thiếu cây xanh mà tốc độ phát triển mảng xanh ở các quận ven và huyện ngoại thành cũng rất chậm trễ. Hàng loạt dự án công viên quy mô lớn đều “treo” nhiều năm qua, như công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, 485ha), công viên cây xanh Thạnh Xuân (quận 12, 150ha), khu lâm viên sinh thái (TP Thủ Đức, 128ha)...

Vừa qua, UBND TPHCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức, các quận 12, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè phải đưa chỉ tiêu đầu tư công viên cây xanh công cộng tối thiểu 50ha (riêng TP Thủ Đức tối thiểu 100ha) vào nghị quyết đại hội đảng bộ từng địa phương giai đoạn 2026-2030, đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các dự án xây công viên, quyết liệt rà soát và thu hồi đất công đã được quy hoạch là đất công viên.

Cùng với đề án trồng 1 tỉ cây xanh của cả nước, chính quyền TPHCM cũng ban hành kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Nếu chính quyền thành phố xem cây xanh là tài sản vô giá khi phê duyệt các dự án xây dựng để xem lại cách làm “vướng đâu chặt đó”, nếu các địa phương kiên quyết giữ đất quy hoạch cho cây xanh và vận động mỗi người dân trồng 1 cây thì không khó để có 10 triệu cây xanh. Quyết tâm phủ xanh TPHCM cần bắt đầu bằng tư duy nghiêm túc của lãnh đạo các cấp về việc nhìn nhận vai trò không thể thay thế của cây xanh trong việc che mát, tạo nguồn không khí trong lành, bổ sung nguồn nước ngầm trong lòng đất.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu