Đưa kỹ năng số vào chương trình giáo dục phổ thông
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tin giả, tin xấu độc gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới đời sống xã hội là vấn nạn không chỉ có ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.
Để giải quyết, bộ đã đưa ra nhiều giải pháp mới, trong đó có việc đề xuất các quy định. Chẳng hạn, trước đây, pháp luật chỉ quy định việc xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, thì nay đã có quy định xử phạt các nền tảng mạng vi phạm luật pháp. Các nền tảng này phải có trách nhiệm rà soát, phát hiện, chủ động gỡ các thông tin xấu độc thay vì chờ cơ quan quản lý yêu cầu. Bộ cũng chú trọng công tác truyền thông để giúp người dân nâng cao hiểu biết, có cách ứng xử văn minh, có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu trước “rừng” thông tin trên mạng xã hội, có khả năng “đề kháng” trên không gian số.
|
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Nguồn ảnh: Media Quốc hội |
Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đưa kỹ năng số, kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào chương trình giáo dục phổ thông là việc cần thiết, nên làm. Ông phân tích, trẻ em va chạm với không gian số từ sớm và sau này cần kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trên không gian số. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT về việc nâng cấp bộ môn tin học theo hướng đưa kỹ năng số vào nội dung chương trình.
Trả lời đại biểu Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre) về việc ngành thông tin và truyền thông đã làm hết trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống tin giả, quảng cáo giả trên mạng xã hội hay chưa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bộ đã làm hết sức, từng ngày, từng giờ và có nhiều kết quả. Chẳng hạn trước đây, khi có thông tin sai sự thật, cơ quan nhà nước yêu cầu nhưng chủ các mạng xã hội không gỡ hoặc chỉ gỡ khoảng 10 - 20% nhưng hiện nay, họ xử lý trên 95% số yêu cầu. Khi có thông báo của cơ quan nhà nước, các nền tảng mạng - kể cả xuyên biên giới - đều phải thực hiện. Các mạng xã hội cũng được yêu cầu phát triển công cụ tự kiểm duyệt và không hiển thị hoặc tự gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Chạy theo mạng xã hội, báo chí sẽ bị bỏ lại phía sau
Trong bối cảnh người người, nhà nhà “làm báo” trên mạng xã hội, làm thế nào để báo chí tồn tại, phát triển và làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng? Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) hỏi: “Ngoài việc đẩy mạnh số hóa báo chí, nên giải quyết bài toán kinh tế báo chí và mô hình kinh doanh báo chí ra sao?”. Bà khẳng định, kinh tế báo chí là một ngành có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước với sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, từ khi có mạng xã hội, 80% lượng quảng cáo của báo chí “chảy” vào mạng xã hội. Trong khi đó, số cơ quan báo chí lại đông (880 đơn vị). Số cơ quan tăng, nguồn thu giảm, cạnh tranh gay gắt là khó khăn mà báo chí phải đối mặt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về truyền thông, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Các địa phương phải dành một phần ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, tới đây, khi sửa đổi Luật Báo chí, sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh lĩnh vực truyền thông để có doanh thu. Ông cũng khẳng định: “Nếu chạy theo mạng xã hội, báo chí sẽ bị đứng ở phía sau. Thay vào đó, báo chí phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí. Đó là đưa tin trung thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp”. Theo ông, thay vì chỉ kể câu chuyện, báo chí phải có vai trò dẫn dắt, định hướng xã hội, phải đưa ra các giải pháp. Báo chí phải dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả và từ đó làm tăng lượng quảng cáo lên.
Liên quan tới vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá, báo chí cách mạng đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Để báo chí phát triển trong thời gian tới, cần hoàn thiện Luật Báo chí và các luật liên quan; tăng cường đào tạo, tập huấn để theo kịp sự phát triển công nghệ, biến chuyển của thời đại. Đặc biệt, báo chí cần được định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, có tính thời sự cao.
Phó thủ tướng cho hay, về cơ chế cho cơ quan báo chí, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ sẽ đề nghị giảm thuế cho cơ quan báo chí. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in và báo điện tử đều là 10%. Bên cạnh đó, thủ tục cấp kinh phí, hỗ trợ đặt hàng cơ quan báo chí từ ngân sách nhà nước cũng sẽ đơn giản, gọn nhẹ.
“Tăng tốc, bứt phá” trong chuyển đổi số
Chiều 12/11, tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình các vấn đề kinh tế, xã hội, trong đó nhấn mạnh vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn - Nguồn ảnh: Media Quốc hội |
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người” và tiến bộ vượt bậc. Thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; cải cách hành chính còn chậm, thủ tục còn rườm rà, ách tắc, chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu”.
Thời gian tới, với phương châm “tăng tốc, bứt phá”, Chính phủ sẽ tập trung tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý số; tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn bộ người dân và hệ thống chính trị đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, internet vạn vật. Chính phủ đã ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai nhiều chính sách, đề án phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100 toàn cầu; chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133, tăng 4 bậc so với năm 2022; Hà Nội và TPHCM lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Khẳng định “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là mục tiêu, động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển”, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu. Thủ tướng thông tin: “Mục tiêu trong thời gian tới là bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là ở các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sớm hoàn thành chỉ tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”.
Minh Quang