Quyết liệt với các "ma men" để thay đổi thói quen ăn nhậu

03/12/2023 - 13:04

PNO - Có ý kiến cho rằng, kiên quyết xử lý lái xe có nồng độ cồn làm ảnh hưởng các quán nhậu. Tôi đề nghị không lùi bước trước những ý kiến này.

Trên diễn đàn Quốc hội, trên các trang mạng xã hội, và cả trên các “cơ quan thông tấn vỉa hè“, người ta tranh luận nhau về việc xử phạt khi tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu. Nhiều ý kiến cho rằng phải đưa ra mức tối thiểu chứ không thể cứ có nồng độ cồn trên 0 là vi phạm, vì thực tế người tham gia giao thông có cồn trong máu ở mức độ nào đó vẫn đủ tỉnh táo để lái xe an toàn. Ngược lại nhiều người khẳng định cứ có nồng độ cồn là vi phạm, để khi lái xe ra đường phải thật sự tỉnh táo.

Dù ở về phía nào cũng có đủ lý do để biện hộ quan điểm của mình. Phía ủng hộ chấp nhận một mức độ cồn tối thiểu nào đó lập luận một hai chai bia, một chung rượu thuốc làm cho trong máu có nồng độ cồn nhưng thần kinh con người không ảnh hưởng đến việc làm chủ tay lái. Ngược lại phe cho rằng cứ có nồng độ cồn trong máu là có nguy cơ, tốt nhất là đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Trước đây khi đưa việc bắt buộc lái xe máy ra đường phải đội mũ bảo hiểm cũng có nhiều tranh luận. Và rồi sau khi xem xét, nghị bàn việc đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy ra đường đã trở thành thói quen, tập quán của mọi người Việt Nam mà không phải đội mũ vì sợ cảnh sát giao thông thổi phạt nữa.

Trong xã hội dân chủ việc tranh cãi, phản biện với những quan điểm trái chiều nhau là bình thường. Việc liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng không ngoại lệ. Điều cần khẳng định là không có điều luật nào hoàn toàn phù hợp với từng người. Với nồng độ cồn trong máu cũng vậy. Có người uống một chai bia đã là nhiều, người khác thì tửu lượng cao phải cở 5, 6 chai mới có tác dụng. Có người say nhanh, có người say chậm. Có người uống xong vài 3 tiếng là tỉnh, có người qua cả ngày vẫn còn lừ đừ. Ngay cả bản thân mỗi người lúc khỏe, lúc yếu, cồn làm ảnh hưởng đến đầu óc khác nhau. Cho nên khi điều luật đã đưa ra mỗi người phải tự điều chỉnh hành vi của mình để không phạm pháp.

Những ngày gần đây trước sự vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm của các lực lượng chức năng thì nhà hàng, quán nhậu đìu hiu. Nhiều người trước khi cầm ly bia, ly rượu đã phải tính đến cách về nhà. Người ta chỉ cách nhau để tránh bị phạt. Nhưng rõ ràng là đa số đã phải tránh lái xe khi đã nhậu. 

Có ý kiến lo ngại việc lập chốt ngày, đêm của lực lượng CSGT TPHCM sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn kinh doanh của các nhà hàng, quán nhậu, ảnh hưởng đến nền "kinh tế rượu bia" của thành phố. Nhưng theo tôi đó không phải là điều ưu tiên khi tính đến việc điều chỉnh quy định của luật. Bởi lẽ khi kinh doanh bán rượu, bia chủ nhà hàng, quán nhậu phải chấp nhận ảnh hưởng của thị trường, đang và sẽ bị tác động của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Và, nền kinh tế của đất nước đâu chỉ có nhà hàng, quán nhậu. Nói thêm là có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 mà đến nay mới thấy ảnh hưởng đến họ do các cơ quan chấp pháp mới thật sự thực hiện quyết liệt trong thời gian gần đây.

Hạn chế tác hại của rượu bia đến an toàn giao thông là đúng đắn và cần thiết. Mong cơ quan quản lý không "lung lay" trước những ý kiến trái chiều, tiếp tục duy trì xử lý quyết liệt hơn nữa để thay đổi thói quen sử dụng bia, rượu trong xã hội. Dù việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xã hội nói chung và lĩnh vực kinh doanh bia, rượu nói riêng. Nhưng không thể vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh lĩnh vực nào đó mà e dè để thần men tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của người dân, thậm chí họ là nạn nhân của tai nạn giao thông dù không hề đụng bia, rượu. 

Trang Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI