Quyết liệt ngăn chặn đầu cơ, thổi giá

11/11/2024 - 06:28

PNO - Có nhà ở TPHCM từ năm 30 tuổi, trước đây, tôi khá bình thản trước những thông tin giá nhà tăng cao. Rồi tôi chợt nghĩ lại, mình may mắn được thừa kế gia tài của cha mẹ, chứ nếu dùng tiền tiết kiệm từ lương thì phải đến 50 tuổi, may ra mới mua được căn nhà nhỏ.

Theo báo cáo tài chính của 30 ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam, thu nhập bình quân từ lương, thưởng của nhân viên ngân hàng tăng từ 21 triệu đồng/tháng vào năm 2014 lên 36 triệu đồng/tháng vào năm 2023, tăng khoảng 6 - 7%/năm. Tốc độ tăng lương như trên thuộc diện cao so với mặt bằng chung nhưng vẫn không thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà.

Giá sơ cấp giai đoạn 2014-2023 của căn hộ hạng C, B và A lần lượt tăng mỗi năm 11%, 10% và 16%. Từ thu nhập thực tế của nhân viên tài chính, ngân hàng - nhóm lao động có lương cao nhất trong các ngành nghề - có thể thấy, năm 2014, thu nhập trung bình hằng tháng của nhóm này tương đương giá của 0,7m2 căn hộ hạng B, 1,05m2 hạng C. Năm 2023, mức lương tháng của nhóm này chỉ đủ mua 0,5m2 căn hộ hạng B và 0,72m2 căn hộ hạng C.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của một người lao động Việt Nam mỗi tháng tăng từ 4,5 triệu đồng năm 2014 lên 7,5 triệu đồng năm 2022, tức tăng 7%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng giá sơ cấp của căn hộ. Một gia đình gồm 2 người lao động phải dành toàn bộ thu nhập trong 21-23 năm mới sở hữu được căn hộ 55 - 60m² trong điều kiện giá nhà không tăng. Số năm sẽ tăng gấp đôi nếu tỉ lệ tiết kiệm ở mức 50% sau khi chi trả sinh hoạt phí.

Theo Numbeo - nền tảng thống kê chi phí sống toàn cầu - chỉ số giá nhà trên thu nhập (HPR) của Việt Nam giữa năm 2024 là 22,8, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á, cao gần 3 lần Malaysia và cao hơn nhiều nước phát triển. Từ năm 2014-2024, chỉ số HPR của Việt Nam tăng 27%. Những con số trên cho thấy, việc mua được nhà ở Việt Nam là rất khó khăn.

Cùng với việc tăng đều giá nhà ở mức cao, các đợt sốt đất cũng góp phần đẩy cao giá bất động sản. Hiện nay, thông qua các phiên đấu giá thâu đêm, giá đất ở ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên cao 8-18 lần so với giá khởi điểm. Giá nhà, đất tăng cao thời gian qua một phần là do tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá. Nhiều người thắng cuộc đấu giá đất nhưng bỏ cọc. Đây là một trong những thủ đoạn được các đối tượng dùng để thổi giá, trục lợi.

Nên chăng cần tăng giá đặt cọc, tăng tiền đặt cọc lũy tiến sau từng vòng đấu; yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải chứng minh có tiền đảm bảo ở ngân hàng hoặc các tài sản khác, nếu bỏ cọc thì bị phạt nặng. Khi tổ chức đấu giá đất, các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất để làm cơ sở tính giá khởi điểm.

Để đưa giá nhà về mức phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân, cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc bình dân, đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai có hiệu quả các dự án xây nhà ở cho công nhân; quản lý chặt chẽ các chủ đầu tư để ngăn việc tự ý tăng giá bán nhà ở xã hội so với giá được phê duyệt. Mặt khác, cần tăng cường những chính sách ưu đãi tín dụng cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ người dân mua nhà.

Xây dựng thị trường bất động sản công khai, minh bạch, tăng thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp tốt để giải quyết tình trạng đầu cơ, thổi giá. Áp dụng biện pháp đánh thuế đối với bất động sản thứ hai trở lên cũng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn đầu cơ, thổi giá, giúp giá nhà bình ổn và đúng với giá trị thực của nó.

Nguyên Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI