Quyết liệt hơn để chấm dứt hoàn toàn đốt pháo trái phép

06/02/2024 - 19:49

PNO - Dù pháo đốt bằng cách nào cũng đều không thể giấu được tiếng pháo nổ. Lực lượng chức năng có kiên quyết xử lý triệt để hành vi đốt pháo hay không?

Ngày xưa ở miền Nam, 3 ngày tết được phép đốt pháo. Sau sự kiện tết Mậu Thân, tết không còn được đốt pháo nữa.

Tết Bính Thìn năm 1976, tiếng pháo tết rộn ràng như niềm vui mừng hòa bình, thống nhất đất nước. Từ đó người ta được phép đốt pháo ở nhiều sự kiện như đám cưới, khai trương, thôi nôi, đầy tháng…, kể cả đám tang. Tết thì khỏi phải nói, khắp nơi đều vang tiếng pháo. Từ chỗ đốt từng viên, đốt từng phong (100 viên), đến đốt hàng thước, hàng chục thước. Người ta thi nhau đốt càng nhiều pháo càng chứng tỏ đẳng cấp.

Thời đó, giao thừa khắp nơi đậm đặc khói pháo. Ở các phòng cấp cứu của các bệnh viện, tết năm nào cũng phải chuẩn bị chữa trị những nạn nhân do đốt pháo. 

Người đốt pháo bị tai nạn đã đành, người đi trên xe đò có chở pháo bốc cháy bị vạ lây không hiếm. Người ta ước tính hàng tỷ đồng (theo thời giá lúc đó) đã bị tiêu tốn chỉ trong ít phút giao thừa, tạo ra những đám mây khói dày đặc trên các thành phố lớn nhỏ khắp cả nước. 

Thấy rõ tác hại của việc đốt pháo, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị quyết tâm cấm đốt pháo. Với những cuộc vận động nói không với pháo, những chính sách giúp các làng nghề sản xuất pháo truyền thống khắp Bắc, Trung, Nam chuyển sang ngành nghề khác; chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo ra đời. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ tết Ất Hợi năm 1995, tết không còn tiếng pháo nữa. Chỉ có bông hoa, có niềm vui sum họp rộn ràng tiếng cười, tết vẫn vui.

Thế nhưng, những năm gần đây, năm nào cũng nghe tin công an, quản lý thị trường bắt giữ nhiều trường hợp buôn bán pháo nổ. Các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc không cấm đốt pháo, nên qua đường biên mậu, người ta vẫn cố tình mang pháo vào trong nước lén lút bán kiếm lời. 

Gần đây nhất, tại Long An, lực lượng chức năng bắt được trên 200 kg pháo nổ các loại. Hơn thế nữa, cơ quan công an còn phát hiện và đang cố gắng triệt phá việc buôn bán pháo qua mạng xã hội. 

Không dừng ở việc buôn bán pháo, gần đây còn xuất hiện nhiều vụ tự làm pháo nổ gây tai nạn cho bản thân. Qua đó, người ta biết được có thể dễ dàng tiếp cận với những hướng dẫn làm pháo, mua hóa chất và các vật liệu cần thiết khác để tự sản xuất pháo tại nhà.

Pháo nổ bị cấm đã tròn 30 năm. Quyết tâm chấm dứt thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo bao năm qua đã chứng minh được lợi ích của nó, không lý do gì xã hội dung túng cho việc lén lút đốt pháo.

Pháo đốt bằng con đường nào, cách nào, cũng đều không thể giấu được tiếng pháo nổ. Vấn đề là lực lượng chức năng có kiên quyết xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật đốt pháo gây nổ đó hay không?

Đốt pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, thậm chí là bị xử lý hình sự nếu đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng (theo điểm i, khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI