Quyết không để Mỹ 'vượt mặt', Nga lớn tiếng 'cảnh cáo'

11/06/2016 - 13:36

PNO - “Thỉnh thoảng tàu Mỹ lại vào Biển Đen, tất nhiên, chúng tôi không hoan nghênh, và không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi buộc phải đưa biện pháp phản ứng”.

Ngày thứ Sáu (10/6), đại diện Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra phản ứng cứng rắn về việc một tàu hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen 2 ngày trước. Theo đó, phía Nga tuyên bố sẽ đáp trả hành động này nhưng không công bố các biện pháp cụ thể.

Hãng RIA Novosti ngày 10/6 dẫn lời Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, ông Andrey Kelin cho biết: “Thỉnh thoảng tàu Mỹ lại vào Biển Đen”, và “Tất nhiên, chúng tôi không hoan nghênh, và không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi buộc phải đưa biện pháp phản ứng”.

Quyet khong de My 'vuot mat', Nga lon tieng 'canh cao'
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga sẽ đáp trả việc tàu hải quân Mỹ đi vào Biển Đen

Về việc tàu sân bay Mỹ chuyển từ vùng Vịnh Ba Tư đến Biển Địa Trung Hải, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, sự chuyển động của tàu chiến Mỹ không có gì mới, vì “có luật tự do hàng hải, có quyền đi lại hòa bình”.

Được biết, trước đó, lực lượng giám sát hàng hải Thổ Nhĩ kỳ ngày 6/6 đã phát hiện một tàu khu trục của hải quân Mỹ đi qua eo biển Bosphorus tiến vào hải phận Biển Đen. Đây là tàu hải quân đầu tiên của Mỹ tiến vào Biển Đen trong năm nay.

Trong một tuyên bố, Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cho biết: “Chiếc khu trục hạm USS Porter DDG-78 lớp Arleigh Burke sẽ triển khai các hoạt động thường lệ tại khu vực Biển Đen nhằm thúc đẩy hòa bình và sự ổn định”.

Quyet khong de My 'vuot mat', Nga lon tieng 'canh cao'
Tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen

Hạm đội 6 là đơn vị chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, trong đó có trụ sở chính tại Naples, Italy. Tàu USS Porter, cùng với 3 chiếc khác cùng lớp đỗ tại căn cứ hải quân Rota, Tây Ban Nha, là một phần trong cuộc diễn tập bắn đạn thật mang tên “Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương” dọc biên giới với Nga.

Tuy nhiên các chuyên gia quân sự cũng cho rằng sự có mặt của các khu trục hạm ở Tây Ban Nha cũng góp phần hỗ trợ "lá chắn tên lửa" của Mỹ đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Điện Kremlin ngày 12/5 khẳng định việc đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là một "mối đe dọa" đối với an ninh của Nga, bất chấp việc Washington nói rằng hệ thống tên lửa này không nhằm làm suy yếu các hệ thống phòng thủ của Moskva.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI