Quyết giữ rừng già giữa bốn bề đô thị

30/03/2025 - 06:46

PNO - Nằm giữa các khu đô thị mới nhưng dân làng Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vẫn kiên quyết giữ lại những khu rừng đã gắn bó với dân làng hàng trăm năm nay.

Ông Hà Thúc Vinh - 53 tuổi, Trưởng thôn Trung Sơn - cho biết, rừng Trung Sơn có từ hàng trăm năm nay và bên trong rừng, dưới những tán cổ thụ là nhiều khu di tích. Do đó, dân làng xem rừng là báu vật, nhắc nhau gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Dân làng có hẳn hương ước để bảo vệ rừng, trong đó coi rừng là bất khả xâm phạm, không ai được phép vào rừng chặt cây, đốn củi mà chỉ được lấy cây khô, lá rụng. Để giữ rừng, làng cũng cấm luôn việc lấy cát ở bìa rừng để làm nhà, cấm chôn người chết trong rừng Trung Sơn. Nhờ vậy, rừng Trung Sơn vẫn còn giữ được 13ha.

Ông Vinh cho hay, để giữ nguyên vẹn được diện tích rừng này trong cơn lốc đô thị hóa, dân làng phải bền bỉ, kiên quyết đấu tranh. Năm 2015, khi nghe công bố các dự án ở khu vực này, dân làng đã đồng lòng gửi đơn đến cơ quan chức năng từ thành phố đến trung ương để xin giữ lại rừng Trung Sơn.

Tiếng nói của dân làng đã được lãnh đạo các cấp lắng nghe và đã có những điều chỉnh để giữ lại rừng Trung Sơn giữa bốn bề đô thị. Mới đây, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã trực tiếp đến khảo sát rừng Trung Sơn và chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang lập dự trù kinh phí và có quy hoạch theo hướng giữ lại rừng và xếp hạng các di tích văn hóa, lịch sử trong rừng.

Xuôi dòng sông Cu Đê đi về bờ biển vịnh Đà Nẵng, một khu rừng cấm cũng đã được người dân bảo vệ thành công. Đó là khu rừng cấm Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Cánh rừng dài khoảng 500m, rộng 200m, chỗ cao nhất cao 50m so với mực nước biển, xung quanh là những tảng đá và bên trong rừng có đông chim, chồn, sóc, khỉ.

Dân ở đây cho biết, khu rừng này có từ thời xa xưa. Trong rừng, có miếu thờ bà Liễu Hạnh và miếu thờ Huyền Trân công chúa. Theo tục truyền, rừng Nam Ô là điểm ẩn nấp cuối cùng trong cuộc đào thoát khỏi kinh đô nước Chiêm của công chúa Huyền Trân để về cố quốc.

Quy định cấm chặt cây, cấm lấy đá được dân làng thiết lập từ thời xưa và tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị làng bắt vạ. Do đây là rừng cấm, rừng thiêng nên dân chỉ được lấy gỗ khi cần xây dựng đình, miếu trong làng.

Trong cơn lốc đô thị hóa, hơn chục năm trước, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ký quyết định giao hơn 43ha, bao gồm cả cánh rừng, mộ tiền hiền, miếu thờ Huyền Trân công chúa, miếu Âm Hồn, lăng Ông cho một tập đoàn làm khu du lịch sinh thái. Tập đoàn này đã dựng hàng rào bao quanh khu rừng, chặn cả lối đi từ làng Nam Ô xuống biển.

Người dân đã nhiều lần đấu tranh, yêu cầu bảo vệ rừng, bảo vệ các di tích, bảo vệ quyền tiếp cận bờ biển của người dân. Chính quyền TP Đà Nẵng đã phải điều chỉnh quy hoạch, xếp khu gành và rừng Nam Ô vào diện rừng tự nhiên cần bảo tồn, đồng thời giữ lại các di tích trong rừng.

Thạch Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI