Giữa bạt ngàn tin tức hằng ngày, rồi lại… COVID-19, chẳng biết bao nhiêu người sẽ để tâm đến tin tức vận động viên bóng chuyền Dương Thị Hên buộc phải quyết định nghỉ thi đấu chuyên nghiệp do chấn thương dây chằng chéo gối, khô dịch khớp gối, chứng trào ngược dạ dày, căn bệnh tiền đình thường xuyên hành hạ.
Cô gái có cái tên rất đỗi bình dị ấy là tài năng bóng chuyền, từng đạt nhiều thành tích vang dội nhưng lại không đủ may mắn để theo nghề dài hơn. Ở tuổi 22, Hên giải nghệ. Quá trẻ, quá sớm khi rời xa sàn đấu. Mà cũng có thể rất đúng lúc để bắt đầu bao công việc quan trọng khác của cuộc đời, như lấy chồng sinh con chẳng hạn. Thể thao thật lắm hên xui. Với nữ vận động viên, gặp “hên” càng có giá trị vạn lần. Bởi họ vốn dĩ đã chịu nhiều thua thiệt và trong thể thao, thua thiệt dễ thấy hơn cả là họ rất khó đạt được một trạng thái công bằng mọi thứ với nam vận động viên.
|
Dương Thị Hên giải nghệ ở tuổi 22 |
Phụ nữ đến với thể thao dường như là để phá vỡ nhiều “lời nguyền” bao quanh họ: chân yếu tay mềm, không hợp với các hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều sức mạnh; phận liễu yếu đào tơ, hay gì những trò thi thố hơn thua; nữ nhi hiền thục, tốt nhất nên làm vợ ngoan, mẹ đảm chứ dại gì mà lao đầu vào rèn luyện, tập tành gian nan khổ ải quanh năm; hồng nhan xinh đẹp chỉ cần liếc mắt đưa tình cũng đã làm thiên hạ cuống cuồng tìm kiếm, cơn cớ gì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đứng trên bục nhận huy chương mới có danh tiếng…
Không mặn mà, không ủng hộ, thậm chí ngăn cấm nữ giới chơi thể thao đã là thực tế kéo dài ở nhiều quốc gia và vùng miền, nhiều môn thi và giải đấu. Ví như một giải đấu danh giá là Boston Marathon, ra đời từ năm 1897, nhưng phải đến năm 1972 mới cho phép nữ giới tham gia, sau sự kiện quý cô Roberta Gibb trốn trong bụi rậm gần vạch xuất phát để hoàn tất Boston Marathon năm 1966.
Còn ở Iran, quốc gia đậm đặc quyền lực Hồi giáo, sau một thời gian dài đấu tranh hoặc phải dán râu giả cải trang nam giới để vào sân xem bóng, thì mãi đến gần đây mới cho phụ nữ đến xem các sự kiện thể thao, ngoại trừ những môn “hở hang” như bơi lội, vật. Cho nên, xét về bản chất, thể thao cũng là một kiểu trò chơi đặc thù trong tay nam quyền, trong các thiết chế văn hóa, tôn giáo do nam giới đặt định.
Bất chấp bản thân nỗ lực mỗi ngày để có nhiều hơn quyền và cơ hội trong thể thao, nữ giới vẫn chịu nhiều thua thiệt. Bóng đá nam đã có trọng tài nữ. Nhưng nam cầu thủ cởi áo ăn mừng không bị coi là phản cảm như nữ cầu thủ. Nữ cầu thủ Mỹ đã dám kiện lên đoàn bóng đá nước này vì trả lương quá thấp dù thành tích lớn hơn đội bóng đá nam, nhưng quý ông bên bị đơn thì hùng hổ cãi phăng rằng các nam cầu thủ có nhiều trách nhiệm với bóng đá Mỹ hơn nữ cầu thủ.
Ở Việt Nam, bóng đá nữ chắc phải mất vài chục năm nữa mới có khả năng rút ngắn khoảng cách với bóng đá nam trong những lời tung hô, phần thưởng và sự đầu tư tiền bạc lẫn tình cảm. Còn nhìn rộng ra, không khó để thấy thực tế rằng đa số những ngôi sao tỏa sáng chỉ được tung hô khi thi đấu, khi lập kỳ tích. Khi hết tuổi nghề, đa phần đều lặng lẽ giải nghệ đâu đó, để rồi, nếu không may mắn, sẽ dần trôi vào lãng quên.
Ngoại trừ bóng đá, nhiều môn thể thao khác thường có điểm chung là tủi thân mỗi khi không còn đất dụng võ. Như quả chanh bị vắt kiệt, đến ngôi sao cũng phải loay hoay gầy dựng phần đời còn lại. Với vô số những nữ vận động viên kém danh tiếng, giải nghệ chỉ đánh dấu mọi khó khăn mới chính thức bắt đầu, đặc biệt trong việc mưu sinh. Mượn cách nói của một nhà văn, thể thao vẫn luôn có gương mặt phụ nữ, nhưng không có nghĩa là nữ quyền được tôn trọng, thực thi trọn vẹn nhất.
Mỗi khi ngôi sao thể thao nào đó nói lời giải nghệ, công chúng và báo giới thường tỏ ra ngậm ngùi, tiếc nuối. Sự rút lui của một ngôi sao thể thao mới chớm, có lẽ, càng giống ánh sao chổi vụt qua bầu trời. Nước mắt. Hụt hẫng. Rối bời ký ức. Âu lo phía trước. Tất cả những trạng thái cảm xúc ấy, dẫu được ngụy trang kiểu gì, cũng rất mực chân thật, nồng nàn. Bởi cuộc đời thì dài mà nghiệp thể thao đôi khi lại ngắn. Và bởi, giải nghệ là khúc cua giữa chừng nhưng chưa chắc đã là khúc cua hoàn hảo nhất. Với những nữ vận động viên như Dương Thị Hên, chúng ta chỉ mong họ luôn gặp điều tốt lành như chính cái tên mà mẹ cha đã chọn.
Nhi Nữ Thường Tình