Diễn đàn Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Quyết định có con với người chồng đã mất

08/08/2024 - 12:31

PNO - Tôi nhớ đến một phần cơ thể của anh còn gửi ở ngân hàng. Tôi khao khát có đứa con để lưu giữ hình hài chồng tôi.

Tôi lấy chồng muộn, 37 tuổi mới lên xe hoa. Ở độ tuổi đó, sinh con đã có phần trễ. Chồng tôi không quan trọng chuyện con cái. Với anh, có vợ đồng hành trong cuộc đời là đủ. Anh cũng mong tôi dành thời gian học một ngành khác khi bắt đầu cuộc sống mới ở xứ người.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau những ngày làm việc mệt nhọc, cuối tuần anh thích lái xe đưa tôi đi chơi. Lâu dần, tôi cũng lây suy nghĩ của anh, cảm thấy có con rồi bận rộn với con, sẽ không còn thời gian cho nhau. Tôi cho rằng có con mà không dạy được con thành người tử tế thì thà không có. Tôi hay lo xa, thỉnh thoảng nghe tin người này đột quỵ, người khác bị tai nạn mất, tôi càng tin vào quyết định của mình hơn. Nếu có con, vợ chồng tôi gặp bất trắc thì con biết dựa vào ai.

Cuộc sống vốn có nhiều bất ngờ. Tôi bước qua tuổi 40 thì chồng tôi mắc bệnh nan y. Choáng váng. Tôi cùng chồng đi gửi tinh trùng ở một ngân hàng tinh trùng. 2 năm vật vã vì bệnh, dù không cam lòng, dù đi nhiều nước để chữa chạy, cuối cùng anh buông tay tôi.

Một mình tôi bơ vơ, ngơ ngác ở xứ người. Khi bình tĩnh lại, tôi mới nhớ đến một phần cơ thể của anh còn gửi ở ngân hàng. Đến lúc này, tôi mới khao khát có một đứa con để lưu giữ hình hài đã mất của chồng tôi.

Tôi làm đủ mọi cách, vận dụng nhiều mối quan hệ để có được tờ giấy phép vận chuyển tinh trùng của anh về nước. Hơn 1 năm sau ngày anh mất, bỏ qua mọi lời khuyên nhủ, cản ngăn, tôi gác lại việc học, việc làm, trở về nước.

Trước mắt tôi chỉ còn một chấp niệm là phải có con với người chồng yêu thương đã đi xa. Hành trình tìm con của tôi vô cùng gian nan. Sau nhiều đợt chọc hút trứng, chuyển phôi theo phác đồ của bác sĩ, khi tôi đã không còn hy vọng, khi tinh trùng của chồng tôi không còn tốt như trước nữa thì một mầm sống tượng hình.

Mang con trong bụng đúng 38 tuần, khi y tá ôm đứa con trai 3kg đặt lên ngực tôi, trong cơn khó chịu vì tác dụng của thuốc tê, tôi cố ôm chặt con, nước mắt chảy dài không sao ngăn được. Chồng tôi ở nơi xa xôi nào đó nhất định đang chứng kiến cảnh con trai chào đời, thay ba đồng hành cùng mẹ trong cuộc sống.

Tôi khao khát có con hơn bất kể người mẹ nào trên đời, nên khi chăm sóc con, kể cả nhiều đêm không ngủ được, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Từ khi con còn trong bụng mẹ, tôi luôn thủ thỉ với con, xem con như người bạn thân thiết. Khi con ra đời, mỗi ngày tôi đọc thơ, vè, hát nhạc boléro, cải lương… bất cứ thể loại nào mà tôi biết để ru con ngủ. Có lẽ vì nghe mẹ nói nhiều quá nên con tôi biết nói rất sớm, câu chữ rõ ràng, mạch lạc.

Khi tôi chưa có con, nghe bạn bè tính toán chi phí nuôi con nhỏ, tôi đã phát hoảng. Có con rồi mới thấy, mọi tính toán chỉ nằm trên lý thuyết. Thực tế, chỉ cần nuôi con đơn giản, tập trung vào nhu cầu thiết yếu của con như sữa, tả, thức ăn, quần áo… lược bớt những thứ không cần thiết thì mọi thứ đều chấp nhận được, dù thu nhập hằng tháng 5 hay 50 triệu đồng.

Một đứa bé hạnh phúc là được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình chứ không phải là nằm trên một đống của cải.

Nhìn con lớn lên mỗi ngày, nỗi nhớ chồng trong tôi dịu lại, nhưng niềm ân hận vẫn khôn nguôi. Có con khi tuổi đã cao cũng là một thiệt thòi cho con. Giá như tôi kiên quyết sinh con, không sinh tự nhiên thì dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, hẳn chồng tôi đã được nghe tiếng gọi ba trước khi mất.

Bây giờ tôi mới thấy suy nghĩ không cần con của vợ chồng tôi ngày trước thật thiển cận. Chúng tôi không cần con để nương tựa về già thì ít nhất cũng phải cho bản thân được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, hiểu được tấm lòng của cha mẹ đối với mình.

P.An (từ California, Mỹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI