PNO - Nhiều người khuyên chị cho chồng và cũng là cho mình một cơ hội. Hãy tha thứ. Làm lại từ đầu. Nỗi buồn đau cũ cất lại vào quá khứ. Đời người ai chẳng có lúc sai lầm.
"Con đi trước, nhờ má và mấy em nuôi dùm con hai đứa nhỏ!"
Giọng chị nhẹ tênh qua điện thoại. Rồi chị cúp máy. Mặc kệ má cuống cuồng. Các em nháo nhào, í ới nhau, vội vàng chạy qua nhà chị. May mà chị uống mớ thuốc độc địa đó với nhiều nước, vì nó… hôi quá, chịu không nổi, nên mới cứu được. Chứ không bây giờ, có khi mồ chị đã xanh cỏ lâu rồi.
Mà hôm ấy, nếu chị “đi”, thì hẳn đã không “đi” một mình. Cái thai đứa con gái trong bụng đã hơn sáu tháng. Nó quả là phúc lớn mạng lớn, trải qua biến cố kinh khủng đó từ lúc còn trong lòng mẹ, mà vẫn lì lợm ở lại cùng chị. Trời thương chị khổ đau nhiều quá, nên không nỡ hại chị thêm đây mà. Đã có hai thằng con trai, giờ chị sinh được cô con gái mong ước nữa, là đủ đầy.
Chị vốn thèm con gái. Luôn mong kiếm thêm đứa thứ ba là gái. Nói với chồng, anh bảo, cứ vô tư, anh nuôi được. Mà quả là với khả năng tài chính của anh, gia đình chị dư sức sinh thêm đứa nữa. Điều làm chị còn lừng khừng là do mối quan hệ vợ chồng sao ngày càng mất vui, tỷ lệ thuận với việc anh đi sớm về trễ, hay nhậu nhẹt bù khú. Thi thoảng còn có những tin nhắn nhạy cảm trong máy, được anh giải thích là “mấy con nhỏ bán quán, châm bia nó quấy rầy ấy mà, em để ý làm gì cái hạng người ấy”. Chị tin chồng, nhất là khi anh không tiếc lời miệt thị, khinh rẻ những cô gái ở tầng lớp thấp kém, “lấy lỗ làm lãi”, kinh doanh vốn tự có.
Ảnh mang tính minh họa
Vậy mà bây giờ, rành rành nhân chứng vật chứng cho thấy, anh đã phản bội chị, ròng rã nhiều năm dài chứ chẳng phải vừa sa ngã. Tệ hơn nữa, người đàn bà đó thậm chí còn lớn hơn anh gần bảy tuổi, đã có vài đứa con với các ông bố khác nhau, từng hành nghề buôn phấn bán hương, sau chuyển sang làm má mì dắt mối, hiện sống khá gần nhà vợ chồng chị. Chị suy sụp, cảm giác bị xúc phạm, như thể anh đã phỉ nhổ vào mặt chị. Vì sao anh có thể chung đụng với mẫu người như thế? Hóa ra anh nói một đàng, nhưng làm một nẻo, đã lừa dối chị nhiều đến như vậy ư?
Một người phụ nữ giai đoạn bụng mang dạ chửa, đang sống trong yên vui, ngời ngời niềm tin vào hạnh phúc và tương lai bỗng như bị ai đó đạp cho chúi nhủi. Chị khóc lóc cào cấu chồng. Chị ghen tuông tra hỏi. Chị mất ngủ hàng đêm, hàng tháng… Sự tủi nhục khốn khổ ấy, chồng chị đương nhiên là biết. Nhưng anh giống như người đàn ông ở trạng thái không còn gì để mất, đằng nào vợ cũng biết rồi, nên cứ mặc kệ, tới đâu hay tới đó…
Chị vùng vẫy trong tuyệt vọng. Chị chạm mặt kẻ xấu xa cướp chồng mình ở ngay trong sân trường của con trai chị. Hóa ra, một trong các đứa trẻ, con của người đàn bà ấy đang học ở đây. Y như con chị. Với khả năng của chị ta, liệu có thể nào? Chị không kềm chế nổi cơn điên loạn, xông vào túm lấy người đàn bà kia mà gào thét. Nhiều người xúm vào can ngăn, lôi chị ra. Chị xộc xệch lếch thếch vác bụng đi về, đầu tóc, mắt mũi tèm nhem, lê lết như một kẻ bại trận khốn khổ. Trong cơn tuyệt vọng, chị bỗng nhìn thấy hũ thuốc trong nhà…
***
Và bây giờ, chị ngồi trước mặt tôi, tươi tắn, bình yên, nhẹ nhõm. Áo đầm nhã nhặn. Trên tay chị là chiếc nhẫn có đính một viên kim cương xinh xinh be bé. Chị mỉm cười khoe hình đứa con gái út. Nó đã lên hai, mũm mĩm đáng yêu như một thiên thần. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe câu chuyện đời của chị, càng bất ngờ hơn khi hôm nay gặp lại, thấy chị hầu như chẳng còn sót lại chút gì của những ngày thất vọng cùng cực ấy nữa.
Chị tỉ tê bảo, người ta, khi đối diện với sinh tử, mới “ngộ” ra được, rằng sống mới khó, chứ buông tay trốn chạy mọi thứ thì dễ dàng quá rồi. Đàn bà vốn an phận ở một văn phòng tầm thường, coi gia đình, chồng con là tất cả sự nghiệp của mình, nên khi nhận ra mình hoài công, bị lừa dối phản bội, thường đau khổ tuyệt vọng đến gục ngã. Mà lại ngay lúc mình yếu đuối, cần được chăm sóc, che chở nhất… Nhưng mù quáng tuyệt vọng đến mức chẳng nghĩ tới bản thân, con cái, cha mẹ, toan hủy hoại cuộc sống, thì đúng là ngu xuẩn, đáng trách thật. Sao chị có thể nông nổi, bất chấp, liều lĩnh đến thế cơ chứ!
Tôi nhìn người đàn bà đã vượt qua được giai đoạn có thể gọi là giông gió nhất của cuộc đời. Chị hẳn phải nỗ lực rất nhiều, đau đớn biết bao nhiêu, vật vã chừng nào mới hiểu được, không gì quan trọng hơn sinh mạng, chẳng gì đáng giá bằng những đứa trẻ kêu mình bằng mẹ. May mà ông trời còn thương mấy mẹ con chị. Sau đợt cấp cứu đầy ám ảnh, chị quay về nhà, tập quên mọi thứ, lo dưỡng thai. Chăm con. Đi làm trở lại như chưa từng xảy ra chuyện gì. Vẫn cơm nước ngày ngày. Chồng chị e dè trước sự bình lặng của vợ. Không ngang nhiên đi về, gây sự như trước nữa. Chị cũng chẳng còn bận tâm.
Rồi khi đứa con thứ ba tạm gọi là cứng cáp, chị đưa đơn ra tòa ly hôn. Người thân kêu chị khờ dại. Việc gì phải “thả” chồng mình tự do, buông ra cho hồ ly tinh nó hả hê cướp mất. Nhưng lòng chị giờ đã nguội lạnh mất rồi. Tất cả. Dù chồng chị cũng còn có lòng với vợ con nhiều lắm. Anh hóa ra chỉ ham vui, chứ cũng sợ mất mái gia đình. Mặc cho chồng năn nỉ xin tòa hòa giải, với lời tha thiết rằng “thiếu điều tôi đã quỳ lạy cô ấy”, chị vẫn thờ ơ. Hỏi chị câu ấy có thậm xưng quá không, chị cười nhạt, bảo ừ thì cũng gần đúng với nghĩa đen ở nhà…
Chồng chị giờ cương quyết bỏ bồ, một hai dắt chị ra ba mặt một lời, tuyên bố quay lại với vợ con. Đàn ông mê muội chuyện thân xác tầm thường, chị chấp nhặt làm gì! Chị nhẹ nhàng nói cùng anh: "Sợ rằng đã muộn mất rồi. Nỗi thất vọng vì bị lừa dối xưa kia lớn lắm, đời này kiếp này không quên được".
Anh không bỏ cuộc, kiên nhẫn chinh phục đám trẻ trước. Có người mẹ nào chẳng rưng rưng khi nhìn tối tối cha con cùng chơi đánh cờ, may áo búp bê hay lắp ráp đồ chơi kia chứ… Tiền bạc anh vẫn đưa về bỏ trong tủ chị. Người thân bảo, chị không việc gì phải sĩ diện mà từ chối, cứ cất đi, để dành nuôi con. Chị thì quá hiểu, vật chất hay tình dục cũng đâu thể nào ràng buộc được nhau…
Nhiều người khuyên chị cho chồng và cũng là cho mình một cơ hội. Hãy tha thứ. Làm lại từ đầu. Nỗi buồn đau cũ cất lại vào quá khứ. Đời người ai chẳng có lúc sai lầm.
Nhưng lòng người đàn bà một khi đã tổn thương, biết khi nào có thể bình phục?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.