Dù nghèo đói, dù thiếu thốn, họ vẫn kiên trì từng bước tìm lối đi, dùng âm nhạc, thể thao để tác động vào trí não và hệ vận động, giúp con tiến dần tới cuộc sống bình thường. Họ thực sự là những chiến binh không mang áo giáp đáng ngưỡng mộ.
“Còn cha mẹ thì còn con”
Ngày chàng trai Nguyễn Hữu Kỳ Phong (ở Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) chào đời, anh Ngô Hữu Vẽ và chị Phạm Thị Thu Lý chưa kịp vui đã bàng hoàng nhận tin con mắc bệnh Down.
|
Em Nguyễn Hữu Kỳ Phong trên bục chiến thắng |
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, có người mách đưa cháu vào trại mồ côi, nhưng anh chị nhất quyết: “Còn cha mẹ thì còn con”. Mấy năm đầu, họ gần như “trực chiến” ở bệnh viện vì con nay đau mai yếu. Con người ta một tuổi đã kêu “ba” gọi “mẹ”, Phong thì không. Anh chị phải dạy con cách ra hiệu. Dạy một lần không được thì dạy mười lần, trăm lần, ngàn lần...
Hồi nhỏ, Phong thường xuyên lên cơn tăng động nên đi lại liên tục, thấy gì cũng xô ngã. Có hôm Phong mệt mà không biết diễn tả, chỉ phá phách, ném đồ đạc. Anh Vẽ định phạt con, nhưng thấy nước mắt con rơi vì sự bất lực ngôn ngữ, anh cũng khóc theo. Ôm được con vào lòng, anh hốt hoảng thấy con sốt cao, mới biết con bị bệnh mà không cách nào báo cho cha mẹ hiểu.
Việc tìm nơi học cho Phong đương nhiên là rất khó khăn. Chị Lý đạp chiếc xe cọc cạch đi hết trường này đến trường khác, đều bị từ chối. May thay, đến năm 12 tuổi, Phong được người quen giới thiệu vào một trường chuyên biệt. Ngoài giờ tới trường, cha mẹ thường đưa Phong đi đây đi đó, rèn cho con sự tự tin, dạy con nói năng, dạy con tình yêu thương và nghị lực sống.
Năm 2008, một câu lạc bộ bóng đá trẻ khuyết tật do Na Uy tài trợ được thành lập tại Trung tâm Giáo dục năng khiếu văn thể mỹ của tỉnh. Anh chị ghi danh cho con. Những ngày đầu ra sân tập, thể trạng còn yếu, Phong thường xuyên vấp ngã khi chạy. Mỗi khi ngã, em lại đưa mắt cầu cứu cha. Anh Vẽ dù xót con, nhưng bình tĩnh ra hiệu Phong đứng lên.
Hằng ngày, ngoài thời gian Phong luyện tập ở trung tâm, anh Vẽ cùng con chạy bộ tập thể lực. Năm 2011, chàng trai 18 tuổi Kỳ Phong đã giành được huy chương vàng Thế vận hội Thể thao dành cho người khuyết tật Olympic Athens trên đường chạy 50m. Đến nay, anh vẫn đang miệt mài luyện tập cho niềm đam mê của mình.
Cha mẹ Phong luôn nói với con, giành được giải không quan trọng bằng chiến thắng chính mình. Cha mẹ luôn ở bên con, tin tưởng con vui sống như bao người bình thường khác.
Nửa đời đi học cùng con
Ông Mạc Văn Mỹ sống cạnh nhà thờ Xóm Chiếu (P.15, Q.4, TP.HCM) có cậu con trai bị bệnh Down tên Mặc Đăng Mừng. Nhờ sự ngoan cường của hai cha con, giờ đây anh Mừng đã biết chơi đàn organ, biết bơi lội; anh có đai nâu môn võ Aikido và chứng chỉ nghề chuyên ngành đồ họa.
|
Ông Mỹ đã bỏ ra nửa cuộc đời đồng hành cùng con và có lẽ con đường của cha con ông vẫn còn dài |
Ông Mỹ vẫn nghẹn lời khi kể tôi nghe những tháng ngày ấu thơ của Mừng: “Năm tuổi con chưa biết đi, chín tuổi vẫn chưa biết nói. Tôi nát óc tìm hiểu các phương pháp kích thích trí não. Cuối cùng tôi chọn môn đàn”. Ông Mỹ gõ cửa nhiều lớp dạy đàn xin cho con học, nhưng đều bị từ chối.
Không bỏ cuộc, ông lân la tới phòng dạy đàn của nhà thờ để học lỏm, rồi ông bàn với vợ gom góp tiền mua một cây đàn organ để dạy con. Ngày ngày, cha con kiên trì “vật lộn” với những phím đen, phím trắng, và trời không phụ lòng người cha khi những nốt nhạc, từng hợp âm kích thích sâu vào trí não cậu bé, niềm đam mê của Mừng được đánh thức.
Buổi chiều, mưa cũng như nắng, ông Mỹ buộc con đi chân trần bước trên những viên đá xanh. Đây là cách ông tin rằng sẽ giúp kích thích các xung thần kinh từ lòng bàn chân lên não, giúp việc tiếp thu nhạy hơn.
“Tôi tiếp tục gõ cửa tiệm bán đàn, họ nói con tôi bị bệnh đó không thể học gì. Tôi thuyết phục họ nghe con đánh thử, người của tiệm quá đỗi ngạc nhiên và họ nhận dạy cháu đến giờ” - ông Mỹ tâm sự.
Những năm tháng cậu bé Mừng học tiểu học, rồi trung học cơ sở rất vất vả. Con đi học có nghĩa là cha cũng đi học. Con trong lớp, ông Mỹ ngồi bên ngoài, bài vở của con ông bám sát để về nhà cùng nhau “đánh vật”. Những ngày nghỉ, ông dạy con học Anh văn. Gắng gượng được tới khi Mừng lên lớp Chín, ông đành cho con nghỉ để học nghề, và ông chọn cho con môn đồ họa.
Mừng vốn hứng thú với những môn sáng tạo. Những ngày con đến học đồ họa ở Trường đại học Văn Lang, ông Mỹ xin giáo viên cho vào học cùng. Những dặn dò của thầy cô, ông tỉ mỉ ghi chép để về nhà giảng lại cho Mừng. Sau năm tháng, Mừng đã hoàn thành khóa học kỹ thuật viên đồ họa và đạt chứng chỉ loại giỏi. Ông Mỹ cũng cho con tham gia nhiều khóa học khác như kỹ năng sống, võ thuật, Anh văn…
Trò chuyện với chúng tôi, Mừng phấn khởi cho hay, anh đang tìm việc chuyên về kỹ thuật đồ họa để có thêm thu nhập và giúp cha mẹ.
Sơn Vinh - Vũ Hoài