Nổi lên từ cộng đồng indie hai năm gần đây, Quyếch hầu như không có nhiều điểm chung với các nghệ sĩ cùng thế hệ, khi mang đến những sự phối ghép nhạc cụ, âm thanh cực kỳ khác lạ. Ở ẩn suốt hai năm, cuối tháng 11 vừa qua, Quyếch bất ngờ trở lại với album đầu tay Quyển trời.
Chia tay một thành viên, Quyếch hiện tại chỉ còn hai thành viên cố định cùng một nhạc công hỗ trợ trong các màn trình diễn trực tiếp, đảm nhận nhiệm vụ chơi trống điện tử và tạo âm thanh sample (những âm thanh mẫu được sử dụng trong các bài hát)... Tuy nhiên, không phải vì thế mà âm nhạc của Quyếch có sự đi xuống.
Album Quyển trời mới được nhóm phát hành cuối tháng 11 vừa qua
Trong single mở đường cho album có tên Chỉ đường, Quyếch thậm chí còn tăng thêm sự phức tạp cho âm nhạc bằng việc di chuyển bài hát trong rất nhiều thể loại khác nhau. Có pop, alternative lẫn folk, dân ca Việt Nam, có cả nhạc cụ phương Tây lẫn nhạc cụ truyền thống, và tất nhiên, không thể thiếu những âm thanh sample cực kỳ đặc trưng. Chỉ đường dài tới bảy phút - một dung lượng hiếm thấy trong âm nhạc đại chúng - nhưng Quyếch khiến cho trải nghiệm của người nghe đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mà không hề bị nhàm chán.
Trong Quyển trời, ngoài Chỉ đường và Độc thoại, Quyếch giới thiệu thêm sáu bài hát khác, trong đó có bốn ca khúc hoàn toàn mới. Dù các thành viên đều rất trẻ, nhưng các bản thu âm của nhóm có được một sự chỉn chu, sạch sẽ và phong độ ổn định xuyên suốt, nhất là trong bối cảnh kết hợp các âm thanh của họ là điều hiếm có. Theo thành viên Tiến Đức, album sẽ có hai phiên bản, phiên bản CD được hậu kỳ ở Việt Nam bởi Trung Hoàng, còn phiên bản digital sẽ được hậu kỳ ở Nhật Bản.
Tám bài hát trong album được sắp xếp theo thời gian sáng tác của Tiến Đức, sáu ca khúc đầu tiên được Đức sáng tác trước 2018, hai ca khúc sau được sáng tác và lên ý tưởng từ 2019 đến nay. Song, người nghe gần như chẳng nhận ra sự khác biệt nào quá rõ ràng. Các ca khúc vẫn được hoàn thiện ở một trình độ cao với những âm thanh đặc trưng của guitar, của cách dùng sample đa dạng không lẫn đi đâu được của Quyếch.
Ca khúc Chỉ đường:
Nếu như Tuyên ngôn buổi chiều sử dụng tiếng cánh cửa kẽo kẹt, tiếng máy đo nhịp tim thì ở Chờ, là tiếng mưa rơi, tiếng tặc lưỡi, tiếng chim hót xuyên suốt. Ký tên có những tiếng leng keng của chai lọ, tiếng âm u như sấm rền thì tới Họa, Quyếch lại mang tới rất nhiều tiếng động lạo xạo cùng đẩy mạnh âm thanh bè của các thành viên nam hỗ trợ cho giọng ca chính. Ở Trăm ngàn bản tình ca, nhóm lại dùng tới âm thanh của sóng nước cùng bộ gõ. Bài nào cũng dài tới sáu, bảy phút, nhưng mỗi bài hát lại có âm thanh riêng, màu sắc riêng rất độc đáo trên nền concept huyền ảo, bí ẩn của album.
Lời ca của Quyếch cũng khác xa những ca từ nôm na, đơn giản, tập trung khơi gợi cảm xúc thường thấy trong cộng đồng indie. Những câu chuyện và hình ảnh hư ảo đó dường như chỉ có trong riêng thế giới của Quyếch. Ở Chỉ đường là hành trình của chàng nghệ sĩ vai khoác nỗi buồn thế gian đi tìm kiếm câu hát bí ẩn dưới đáy hồ mà chưa ai từng được nghe.
Quyếch hầu như không có nhiều điểm chung với các nghệ sĩ cùng thế hệ
Ở Ký tên là câu chuyện về một chàng trai hát rong muốn đi khắp trần gian để đem tiếng hát trả lại cho đời. Độc thoại lại là những suy tưởng miên man, đan xen phức tạp trong tâm trí của người nghệ sĩ trẻ. Rất ít khoảnh khắc mà người nghe có thể đồng cảm được ngay tức thì (như ở Chờ), nhưng lại khẳng định được tài năng của Tiến Đức trong việc vẽ nên bối cảnh, không gian âm nhạc độc đáo chưa từng có, cũng như thể hiện nó một cách rất thơ, đẹp và lãng mạn.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất chỉ thực sự đến ở ca khúc cuối cùng Câu trả lời với dung lượng lên tới 11 phút. Ca khúc chứa đầy tham vọng của nhóm khi nhìn vào quy mô của bài hát: sử dụng tới dàn đồng ca gần 15 người, kết hợp thêm một dàn nhạc cụ với hơn mười người tham gia.
Trên nền âm thanh hùng vĩ ấy, Quyếch kể một câu chuyện thần thoại bi tráng về một chú chim nhạn hồi sinh từ khói tro đi tìm lại câu hát khi xưa đã bị chôn vùi. Ngay cả chủ đề mà nhóm lựa chọn, cách họ viết lời cũng là cả một vùng đất, một thế giới vô cùng khác biệt với phần còn lại của indie Việt. Nhưng không dừng ở đó, họ còn nâng âm nhạc của nhóm lên một tầm cao bằng cách phân chia bài hát thành các phần như cách chia chương hồi, sử dụng âm thanh khác biệt ở từng phần để kể lại mỗi giai đoạn khác nhau trong câu chuyện. Tuy nhiên, dù có hùng vĩ đến đâu, họ vẫn không quên những âm thanh đặc trưng của nhóm, cài cắm hợp lý xuyên suốt 11 phút để người nghe vẫn nhận ra đây là Quyếch giữa vô vàn phức tạp đan xen.
Ở thời mà ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, chỉ bằng những bản ghi âm nghiệp dư, sự xuất hiện của Quyếch như định nghĩa lại về địa hạt indie. Indie không chỉ là những thanh âm gần gũi, mà ca từ đơn giản dễ nghe, phù hợp với cảm xúc của giới trẻ. Nghệ sĩ indie hoàn toàn có thể thực hiện một hành trình âm nhạc hùng vĩ, bi tráng với tầng tầng lớp lớp âm thanh đan xen, những kết hợp nhạc cụ chưa từng có, những sáng tác mà người nghe phải ngồi ngẫm nghĩ mới hiểu được. Sự xuất hiện của Quyếch xác lập một cá tính, một màu sắc có một không hai tại nhạc Việt, trước đây chưa từng xuất hiện, và sau này có lẽ cũng rất ít ai dám thử nghiệm thứ âm nhạc như vậy.
Nhà hát Thanh Niên chỉ trình làng 1 vở diễn mới trong mùa tết là "Tung hoàng Pattaya". Vở hài kịch xoay quanh những drag queen người Việt tại Pattaya (Thái Lan).