Quyền tác giả, quan trọng nhất là ý thức tự bảo vệ

27/08/2024 - 06:59

PNO - Vụ việc vừa xảy ra tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai - một trong những chương trình truyền hình thực tế hot nhất hiện nay - đã mở ra vấn đề đáng suy nghĩ về việc nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền và hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhận thức về “ngoại lệ quyền”

Vụ việc bắt nguồn khi ê kíp thực hiện Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) dùng bức tranh vốn là fanart (sản phẩm nghệ thuật của người hâm mộ) từ chương trình để minh họa một clip hậu trường và chỉ chú thích nguồn là “Gai con” (chỉ người hâm mộ ATVNCG) chứ không đề tên họa sĩ. Nhận ra sơ suất, ê kíp đã lập tức liên hệ chủ nhân bức vẽ để xin lỗi và đề xuất hướng xử lý.

Khán giả đã chia làm 2 luồng dư luận về vụ việc này. Một bên ghi nhận sự cầu thị của ê kíp ATVNCG. Phần còn lại cho rằng, về lý thì chương trình “không cần xin phép” khi fanart kia là tác phẩm phái sinh từ chính chương trình và họa sĩ cũng đã gửi tặng chương trình.

Nhiều fanart ra đời từ Anh trai vượt ngàn chông gai đã gợi lên các vấn đề về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Nguồn ảnh: Fanpage Anh trai vượt ngàn chông gai
Nhiều fanart ra đời từ Anh trai vượt ngàn chông gai đã gợi lên các vấn đề về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Nguồn ảnh: Fanpage Anh trai vượt ngàn chông gai

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM - phân tích: “Bức tranh được tặng là tặng giá trị, nội dung, ý nghĩa của bức tranh chứ không phải tặng quyền tác giả. Tác giả bức tranh vẫn là người fan đó. Bất cứ ai muốn sử dụng đều phải xin phép và được sự đồng ý, thỏa thuận các yếu tố liên quan. Vì thế, chương trình muốn sử dụng tranh, vẫn phải xin phép tác giả”. Ở chiều ngược lại, “thông thường, các chương trình lớn trên thế giới đều có quy định tác giả fanart không được sở hữu fanart từ chương trình. Nhưng điều này lại không nằm trong luật mà là thỏa thuận, quy định nội bộ của chương trình” - ông cho biết.

Như vậy, cả hai bên đều cần rút kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ hơn về Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Trường hợp sơ suất của ATVNCG có thể do ê kíp chương trình xác định mình thuộc “ngoại lệ quyền”.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, “ngoại lệ quyền” đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà quan trọng là không có yếu tố thương mại gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền. Nhưng ngay ở các chương trình kỷ niệm, hoạt động lớn, vẫn có một số yếu tố được coi là thương mại mà việc phân tách ra rất phức tạp, khó khăn. Vì thế mới có những tranh cãi quanh việc “đánh bản quyền quốc ca” phát ở các trận đấu bóng đá, thậm chí ở các đại lễ.

“Cần phải xem xét tổng thể đối với từng trường hợp cụ thể. Không có cơ quan nào đứng ra giải thích chung cả mà trước tiên mình phải nâng cao nhận thức. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có điểm mới là các giới hạn và các ngoại lệ quyền đã được liệt kê rõ ràng, mô tả chi tiết, không còn thuật ngữ mang tính mơ hồ. Tuy nhiên, dù pháp luật có rõ hơn thì vẫn không thể quy định đến từng yếu tố nhỏ nhất. Song những sửa đổi này vẫn cần được lưu ý, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng nhiều ngoại lệ quyền, chẳng hạn như các cơ quan báo chí - truyền thông, thư viện, cơ sở giáo dục…” - ông Phan Vũ Tuấn nói.

Ý thức tự bảo vệ

Một thay đổi được đánh giá cao nữa trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi là đã có định nghĩa rõ ràng về sao chép, từ đó giúp định nghĩa lại các hoạt động không được coi là sao chép. Đồng thời, làm rõ các hành vi xâm phạm, giúp các chủ sở hữu quyền có thể hiểu rõ hơn quyền của mình và nhận ra hành vi xâm phạm, từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi bản thân.

Lời xin lỗi của ê kíp Anh trai vượt ngàn chông gai sau vụ việc sử dụng fanart không ghi rõ tên tác giả
Lời xin lỗi của ê kíp Anh trai vượt ngàn chông gai sau vụ việc sử dụng fanart không ghi rõ tên tác giả

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là sự thay đổi nhỏ trong luật nhưng có ý nghĩa rất lớn khi nguyên nhân mang “tính gốc rễ” cho thực trạng vi phạm quyền sao chép ở Việt Nam tăng cao là ý thức tự bảo vệ của chính chủ sở hữu tài sản trí tuệ rất hạn chế. Điển hình như nhiều người vẫn thờ ơ, thậm chí khuyến khích sinh viên, người đọc photocopy giáo trình, sách tài liệu của mình thay vì mua sách bản quyền hay phản ứng yếu ớt của nhiều nhà sản xuất trước việc các bộ phim bị xâm phạm nghiêm trọng trên không gian mạng…

“Nếu chủ sở hữu quyền tác giả còn không tự bảo vệ thì làm sao người khác có thể bảo vệ quyền lợi cho họ? Ý thức phải đến từ các chủ sở hữu đầu tiên, sau đó mới đến cộng đồng, cuối cùng mới là cơ quan nhà nước” - luật sư Phan Vũ Tuấn đặt vấn đề.

Ông cho rằng, ở lĩnh vực điện ảnh, nếu các chủ sở hữu có sự chuẩn bị ứng phó ngay từ đầu, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, dẫn dắt cộng đồng trong quá trình sản xuất đến khi ra mắt bộ phim thì hoàn toàn có thể bảo vệ tốt thành quả. Thế nhưng, thời gian qua, có một nghịch lý là các nhà sản xuất có thể bỏ số tiền rất lớn để đầu tư làm phim nhưng lại không muốn chi một số rất nhỏ khác cho biện pháp bảo vệ trọn vẹn, quyết liệt tác phẩm của mình khỏi sự xâm phạm.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, với những “thương hiệu” nghệ thuật thì “hệ thống fan” là đối tượng tích cực giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ bản quyền. “Nếu chưa thông qua được hệ thống xử lý chính quy thì có thể thông qua hệ thống fan để tuyên truyền. Trước đây, chúng tôi từng đẩy mạnh tuyên truyền với các nghệ sĩ để hệ thống fan của họ hiểu phải làm gì để không gây ảnh hưởng đến nghệ sĩ mà mình hâm mộ” - ông chia sẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI